1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Bến Tre:

Nông dân ngậm ngùi đốn hạ vườn cây sau đợt hạn, mặn

(Dân trí) - Sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp vừa qua, rất nhiều vườn cây ăn trái của nông dân bị thiệt hại nặng nề. Một số vườn cây bị chết, khó phục hồi, nông dân đành ngậm ngùi bứng gốc, đốn bỏ dù giá trị hàng trăm triệu đồng.

Gần nửa tháng nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ ấp Tây Lộc (Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre) huy động gần chục nhân công để đốn hạ 7.000 m2 đất trồng cây chôm chôm, măng cụt đang cho trái.

Ông Hùng ngậm ngùi: “Vườn cây ăn trái của tôi trị giá hàng trăng triệu đồng, mỗi năm tôi xử lý cho chôm chôm ra trái vụ nghịch ít gì cũng lợi nhuận 200 triệu đồng giờ buộc phải đốn bỏ do nước mặn làm hư bộ rễ, cháy lá. Bây giờ sau khi đốn xong còn phải tốn tiền thuê máy kobe đến móc hết rễ lên mới có thể trồng cây khác được”.

Nông dân đốn hạ vườn cây ăn trái

Theo ông Hùng, thiệt hại rất lớn vì vườn cây gần chục năm tuổi đang cho trái ổn định bây giờ phải đốn bỏ để trồng cây mới và phải tốn 4 đến 5 năm mới bắt đầu thu hoạch. Tuy nhiên, nông dân đành đốn bỏ vì cây không thể phục hồi được do nước mặn gây ra.

Vườn cây ăn trái bị đốn hạ để làm củi
Vườn cây ăn trái bị đốn hạ để làm củi

Một số địa phương khác như: Châu Thành, Mỏ Cày Bắc… cũng đốn bỏ vườn chôm chôm, sầu riêng để trồng lại bưởi da xanh, mảng cầu xiêm.

Ông Trần Văn Đảm, ngụ xã Tân Phú (Châu Thành, Bến Tre) cho biết: “Tôi vừa đốn 3 công vườn chôm chôm bị thiệt hại sau đợt hạn, mặn để trồng lại mảng cầu xiêm. Giống chôm chôm mẫn cảm với nước mặn nên rất dễ bị thiệt hại, trong khi trong thời gian tới hạn, mặn rất gay gắt nên sẽ chuyển qua trồng cây khác có khả năng kháng nước mặn tốt hơn”.

Gia đình ông Hùng ngậm ngùi đốn bỏ vườn chôm chôm
Gia đình ông Hùng ngậm ngùi đốn bỏ vườn chôm chôm

Một số vườn cây khác bị thiệt hại nhẹ hơn được nông dân ra sức chăm sóc để phục hồi. Ông Lê Ngọc Khang, ngụ ấp Quân An (Long Thới, Chợ Lách, Bến Tre) cho biết: “Tôi trồng 6 công chôm chôm bị cháy lá sau đợt hạn, mặn vừa qua. Nhờ tôi chủ động không tưới nước nhưng giờ năng suất giảm xuống chỉ còn chưa tới phân nửa so với vụ năm rồi. Một số vườn xung quanh bị thiệt hại nặng phải thuê nhân công bứng gốc để trồng cây mới chứ không còn cách nào khác”.

Vườn chôm chôm bị đốn hạ sau đợt hạn, mặn
Vườn chôm chôm bị đốn hạ sau đợt hạn, mặn

Ông Lê Thanh Khoảng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thới cho biết: “Sau đợt hạn, mặn vừa qua toàn xã có 681 hộ bị thiệt hại với diện tích 248,9 ha. Tổng thiệt hại khoảng 23 tỷ đồng. Trong đó, một số hộ dân trồng chôm chôm bị thiệt hại nặng phải đốn bỏ để trồng lại cây mới”.

Nông dân ngậm ngùi đốn hạ vườn cây sau đợt hạn, mặn - 4

Nông dân bứng gốc chôm chôm hơn chục năm tuổi
Nông dân bứng gốc chôm chôm hơn chục năm tuổi

Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Vườn cây ăn trái ở địa phương bị thiệt hại nặng nề sau đợt hạn, mặn vừa rồi. Qua thống kê, toàn huyện có 490 ha vườn cây ăn trái như: chôm chôm, sầu riêng, măng cụt bị thiệt hại. Hiện tại, cơ quan chức năng đang tiếp tục thống kê để hỗ trợ với số tiền 2 triệu đồng/ha đối với vườn cây thiệt hại từ 30 đến 70%, 4 triệu đồng/ha đối với vườn cây thiệt hại trên 70% để giúp người dân phục hồi lại vườn cây ăn trái đặc sản của địa phương”.

Theo ông Liêm, nhờ chủ động lập 3 điểm đo độ mặn miễn phí phục vụ người dân trong vùng nước nhiễm mặn; khuyến cáo người dân chủ động bơm, tưới nên đã hạn chế phần nào thiệt hại. Tuy nhiên, năng suất cây ăn trái hàng năm của huyện khoảng 122.000 tấn năm nay đã giảm xuống còn chưa tới 80.000 tấn. Một số loại cây mẫn cảm với nước mặn như: chôm chôm, sầu riêng thiệt hại buộc phải đốn bỏ để trồng lại cây mới.

Minh Giang