Nông dân “méo mặt” vì hàng ngàn ha lúa đổ rạp, ngập úng
(Dân trí) - Do ảnh hưởng từ những cơn mưa kéo dài suốt mấy ngày qua, hơn 2 ngàn hec-ta lúa hè thu ở Quảng Bình đang trong thời vụ thu hoạch bị đổ rạp, ngập úng và nảy mầm, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.
Theo quan sát của phóng viên, hầu hết các cánh đồng ở Quảng Bình đang trong thời kỳ thu hoạch đều bị đổ rạp, ngập úng và nảy mầm. Nếu trời mưa kéo dài thêm ít ngày nữa, năng suất thu hoạch vụ mùa này sẽ bị thiệt hại đáng kể.
Mưa gió mấy ngày qua đã làm hàng ngàn hecta diện tích lúa hè thu đang trong vụ thu hoạch đổ rap
Tại cánh đồng lúa thuộc xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch, hàng trăm hộ dân đang tranh thủ ra đồng thu hoạch sớm những đám ruộng bị rạp đổ, ngập úng. Tay ôm bó lúa nảy mầm trắng xoá, vợ chồng ông Nguyễn Văn Tiến, bà Hoàng Thị Thái (xóm 4, xã Bắc Trạch) xót xa: “Tưởng năm ni được mùa, ai ngờ đang đúng vào dịp thu hoạch thì lại gặp mưa gió kéo dài thế này. Loại ni gặt về mà không gặp nắng để phơi chắc sẽ hư mất”.
Bà Hoàng Thị Thái ôm bó lúa nảy mầm mà xót xa
Nhà vợ chồng ông Tiến cấy gần một mẫu ruộng thì đã có hơn một nửa diện tích bị hư hại nghiêm trọng. Ông Tiến cho biết, do ảnh hưởng của thời tiết nên vụ mùa năm nay sản lượng lúa gia đình ông sẽ giảm đi đáng kể. “Đám lúa này nếu không gặp hạn ni chắc cũng được khoảng 2 tấn, nhưng giờ như thế này may lắm cũng chỉ được hơn một tấn; chất lượng gạo cũng kém đi rất nhiều”.
Hiện nay, dù trời đang còn mưa nhưng bà con nông dân vẫn tranh thủ ra đồng gặt lúa với hy vọng vớt vát phần nào. Trong căn nhà cấp 4 chật hẹp ở thôn 4, xã Bắc Trạch, huyện Bố Trạch của anh Nguyễn Văn Tám, lúa nảy mầm se kín cả nền nhà. Ông Nguyễn Văn Lận (bố anh Tám) cùng cháu đang chong quạt, dùng tay đảo đống lúa nảy mầm.
Ông Nguyễn Văn Lận đang chong quạt, se lúa bị nảy mầm
Theo Sở NN&PTNT Quảng Bình, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh có khoảng trên 13 ngàn ha lúa. Sau cơn mưa kéo dài trong những ngày qua toàn tỉnh có khoảng 20% diện tích bị đổ rạp, ngập úng. Hiện nay chưa có con số cụ thể về mức độ thiệt hại nhưng theo ước tính là không hề nhỏ.
“Mấy ngày ni trời có chịu nắng mô. Lúa đã nảy mầm, gặt về lại ủ như ri nữa thì mai mốt cũng hư mất thôi. Nông dân mà như ri coi như là mất mùa, là đói rồi đó. Các con tui nhìn đám lúa ngoài đồng nảy mầm xót của quá nên đang ra gặt nhằm vớt vát ít gạo xấu về cho heo và gia súc ăn” - ông Lận nói.
Gia đình ông Tiến và anh Tám chỉ là 2 trong số hàng ngàn hộ dân ở tỉnh Quảng Bình đang phải gồng mình gánh chịu hậu quả do thiên tai gây ra.
Theo báo cáo nhanh của Phòng NN&PTNT huyện Bố Trạch: Tính đến thời điểm này (chiều 13/9) toàn huyện có khoảng 600 ha (trong tổng số 2.900 ha) lúa hè thu bị đổ rạp, ngập úng và nảy mầm, gây thiệt hại không nhỏ.
Trong khi đó ở huyện Quảng Trạch - một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề do thời tiết mưa gió kéo dài trong những ngày qua - toàn huyện có khoảng 50 ha lúa ngập cục bộ, đổ ngã khoảng 500 ha.
Trước thực trạng này, UBND các huyện nằm trong vùng bị thiệt hại nặng đang khẩn trương chỉ đạo, đốc thúc bà con nông dân tranh thủ ra đồng thu hoạch số diện tích lúa bị đổ, ngập; phơi sấy số lúa vừa thu hoạch nhằm hạn chế tối đa mức độ thiệt hại.
Cùng thời điểm này, trên địa bàn Nghệ An, hàng chục ngàn ha lúa chuẩn bị thu hoạch cũng bị thối, mọc mầm... vì mưa lớn. Để giảm thiệt hại, các địa phương đã chỉ đạo bà con thu hoạch lúa non theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng”. Chiều ngày 13/9, PV Dân trí có mặt tại vùng lũ huyện Thanh Chương chứng kiến hàng trăm ha lúa của bà con nơi đây đang chuẩn bị thu hoạch bị nước lũ nhấn chìm mà xót xa.
Anh Lê Bá Tuân, xóm Hồng, xã Thanh Khai vác trên mình bó lúa ướt đẫm nước bảo: “Gia đình tôi làm 5 sào lúa, nay bị ngập mất 3 sào rồi. Lúa năm nay chưa chín lắm nhưng vì nước lũ lên cao, gây ngập đã hai ngày nay nên phải gặt hết thôi chú, chứ không gặt cũng bị thối hết. Mà lúa mắc lũ này để cho lợn ăn thôi, chứ hạt gạo ăn vào đắng, đen cơm nên người không thể ăn được”.
Nông dân hối hả gặt lúa non chạy lũ.
Nhọc nhằn đánh vật với con nước dâng cao gần 80cm, vác trên vai những vai bó lúa nước chảy ròng ròng, chị Lê Thị Nga than thở: “Vụ mùa này gia đình tôi làm 5 sào, lúa tốt lắm, bông nào cũng trĩu hạt hứa hẹn cho một mùa bội thu. Nay mất tất cả rồi nhà báo ơi. Bà con nông dân chúng tôi cứ đến mùa lũ là ngủ không yên, nằm không ổn. 5 sào lúa của gia đình khoảng 10 ngày nữa sẽ gặt thì nay nước lũ sông Lam lên cao nhấn chìm tất cả, bây giờ hạt đã nảy mầm hết rồi và mùa này chỉ con lợn no thôi”.
Nhọc nhằn cây lúa mùa lũ.
Nông dân hối hả gặt lúa non chạy lũ.
Nhiều vùng nước ít ngập hơn nhưng cây lúa bị gãy đổ, mọc mầm.
Tại Hà Tĩnh, nước từ thượng nguồn đổ về cộng với triều cường khiến hạ nước hạ nguồn sông Lam dâng cao, nhiều xã nằm ngoài đê La Giang huyện Đức Thọ bị ngậ̣p hoặc bị chia cắt. Người dân nơi đây cũng đang phải gồng mình thu hoạch lúa, tránh một vụ mùa thất bát.
Theo báo cáo của UBND huyện huyện Đức Thọ, đợt lũ này không gây thiệt hại về người nhưng làm thất thoát nặng về vật chất.
Nước lũ dâng cao nhấn chìm nhiều công trình của nhân dân 7 xã ngoài đê La Giang
Bị ảnh hưởng lớn nhất là vụ lúa hè thu. Báo cáo nhanh của Phòng NN&PTNT huyện này cho hay, toàn huyện có 100ha lúa mùa vụ hè thu đến độ thu hoạch bị ngập nặng, nhiều nơi lúa bị đổ hoặc bị ngâm trong nước nhiều ngày. Riêng tại xã Đức Quang, 100% diện tích lúa bị ngập hoàn toàn. Nếu nước lũ không rút nhanh nhiều xã tại huyện Đức Thọ đối mặt với nguy cơ một vụ mùa thất bát.
Xem nông dân 7 xã ngoài đê La Giang Đức Thọ đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa trong mưa lũ (Văn Dũng - Thanh Hoài)
Trước thực trạng nêu trên UBND huyện Đức Thọ đã có chỉ đạo các địa phương đôn đốc bà con tranh thủ thu hoạch lúa chạy lũ theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm giảm thiểu thiệt hại về lúa và hoa màu.
Được biết, do thời tiết diễn biến phức tạp nên Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cũng có văn bản đã chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa, tỷ lệ lúa chín từ 80-85% là cho thu hoạch ngay.