Nông dân làm giàu nhờ trồng "đại tiên thảo" trên vách đá cheo leo dựng đứng

Thu Trang

(Dân trí) - Nhờ tìm ra cách trồng thiết bì thạch hộc trên vách đá Đan Hạ, người dân Thái Ninh, Trung Quốc đã thu về số tiền lớn mỗi năm.

Vùng núi Sư Tử thuộc huyện Thái Ninh, Phúc Kiến, Trung Quốc là nơi nổi tiếng có điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thiết bì thạch hộc hay còn gọi là thạch hộc tía, một loại thảo dược quý hiếm, đứng đầu trong 9 vị "Đại tiên thảo" của Trung Quốc. Loài cây này thường sinh trưởng trên những thân cây gỗ hoặc trên những vách đá dựng đứng có độ ẩm cao.

Nông dân làm giàu nhờ trồng đại tiên thảo trên vách đá cheo leo dựng đứng - 1
Thiết bì thạch hộc thường sinh trưởng trên những vách núi đá hiểm trở có độ ẩm cao.

Tuy nhiên, cách trồng thảo dược quý hiếm này lại là một thử thách với người nông dân. Thạch hộc tía ưa thích môi trường ẩm ướt, độ ẩm phải đạt từ 60 - 70%. Từ lúc trồng đến khi thu hoạch mất 3 năm.

Nhiều người đã dùng phương pháp trồng thạch hộc tía trong nhà kính, dù năng suất được cải thiện hơn nhưng chất lượng lại không bằng thạch hộc tự nhiên. Giá mỗi kg thiết bì thạch hộc thu được bằng phương pháp trồng trong nhà kính là 1400 tệ (gần 5 triệu đồng), trong khi thạch hộc tía tự nhiên có giá đến vài nghìn tệ/kg.

Nông dân làm giàu nhờ trồng đại tiên thảo trên vách đá cheo leo dựng đứng - 2
Thạch hộc tía tự nhiên đem lại giá trị kinh tế cao hơn thạch hộc được trồng trong nhà kính.

Cách đây 4 năm, Shi Can, chàng sinh viên vừa tốt nghiệp đại học Bắc Kinh có cơ hội du lịch đến vùng Tam Minh, Phúc Kiến. Trong lúc ngồi uống trà với bạn, Shi Can nảy ra ý tưởng phủ xanh những ngọn núi nơi này bằng những loài thảo dược quý.

Khi đó, bạn của Shi Can đã gợi ý trồng thiết bì thạch hộc. Ở thời điểm hiện tại, sau khoảng thời gian dài đầu tư nghiên cứu và chăm sóc, những cây thạch hộc tía do nhóm của Shi Can trồng trên các vách đá núi Sư Tử đã có chất lượng tương đương với cây mọc tự nhiên.

Nông dân làm giàu nhờ trồng đại tiên thảo trên vách đá cheo leo dựng đứng - 3
Thạch hộc tía được trồng trên các vách đá.

Sau Shi Can, rất nhiều người dân nơi này cũng bắt đầu tham gia trồng thiết bì thạch hộc trên vách đá. Do địa hình hiểm trở, các máy móc hiện đại khó có thể sử dụng để hỗ trợ họ trong công việc.

Mỗi khi chăm sóc hoặc đến thời điểm thu hoạch, những người nông dân chỉ có thể buộc túi dụng cụ vào người, thắt dây an toàn và từ từ leo lên các vách đá. Khi hái thạch hộc tía, họ sẽ dùng kéo cắt phần thân già, phía trên rễ 2 đốt ngón tay, giữ lại thân non để chúng tiếp tục phát triển.

Nông dân làm giàu nhờ trồng đại tiên thảo trên vách đá cheo leo dựng đứng - 4
Người dân leo lên những vách đá hiểm trở để thu hoạch thạch hộc tía.

Dự án ươm trồng thiết bì thạch hộc càng thuận lợi hơn khi chính quyền huyện Thái Ninh ban hành những chính sách hỗ trợ cho nông dân xây dựng "Vườn ươm trên vách đá". Hiện tại, ở Thái Ninh có 6 công ty nông nghiệp sinh thái, 4 hợp tác xã nông nghiệp với 132 nông dân. Các cơ sở ươm giống thạch hộc tía có tổng diện tích 3600ha đem về doanh thu 300 triệu tệ (hơn 1000 tỷ đồng) mỗi năm, góp phần đưa đời sống người dân Thái Ninh trên con đường phát triển thịnh vượng.

Nông dân làm giàu nhờ trồng đại tiên thảo trên vách đá cheo leo dựng đứng - 5
Thiết bì thạch hộc đã giúp cải thiện kinh tế, đời sống của người dân Thái Ninh.

Shi Can, một trong số những người đầu tiên thành công với việc trồng thạch hộc tía trên vách đá đang lên kế hoạch cho dự án tiếp theo. Anh muốn xây dựng hệ sinh thái thiết bì thạch hộc bao gồm một cơ sở ươm giống, một vườn tham quan và phòng triển lãm, trưng bày các sản phẩm liên quan đến loài thảo dược quý hiếm này.