Nông dân “khóc đứng khóc ngồi” vì bò sữa | Báo Dân trí
  1. Dòng sự kiện:
  2. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh
  3. Vi phạm giao thông ở các thành phố lớn

Lâm Đồng:

Nông dân “khóc đứng khóc ngồi” vì bò sữa

(Dân trí) - Những năm trở lại đây, ở Lâm Đồng, sự phát triển ồ ạt, thiếu tính định hướng của nghề chăn nuôi bò sữa đã khiến người chăn nuôi đang phải lãnh hậu quả nặng nề.

Vay ngân hàng, cắm sổ đỏ mua bò sữa giống

Tìm đến xã Hiệp Thành, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) một trong những vùng có nhiều hộ dân nuôi bò sữa, hiện tượng ồ ạt nuôi bò sữa đang đẩy người dân nơi đây vào cảnh điêu đứng vì lo trả lãi ngân hàng.

Anh Phạm Văn Tình, một người chăn nuôi bò sữa ở thôn Bồng Lai, xã Hiệp Thành (Đức Trọng) cho biết, anh đã thế chấp 2.000m2 đất thổ cư để vay ngân hàng 500 triệu đồng về mua bò sữa giống. Thời điểm này bò sữa đang “sốt” nên giá mỗi con giống cũng tăng cao, 75 triệu đồng/con.

Khốn khổ vì bò sữa
Khốn khổ vì bò sữa

Mỗi ngày đàn bò sữa (5 con) của gia đình anh Tình cho khoảng 100 lít sữa, để tiêu thụ được sữa, hàng ngày gia đình anh phải đem sản phẩm thô bán lẻ cho các hộ làm sữa chua trên địa bàn các huyện với giá thành thấp, số lượng khiêm tốn. “Có những ngày mưa, sữa không bán được phải đem đổ nhưng mỗi tháng gia đình tôi phải trả lãi suất cho ngân hàng là 5 triệu đồng” - anh Tình buồn bã nói.

Cũng hiện trạng trên, gia đình Phạm Văn Hiếu cùng trú tại thôn Bồng Lai, cậu sinh viên vừa tốt nghiệp Trường Đại học Yersin Đà Lạt. Sau khi ra trường, Hiếu được hỗ trợ 90 triệu đồng từ dự án “Khởi nghiệp kinh doanh” với đề tài “Chăn nuôi bò sữa tại địa phương” của một tổ chức phi chính phủ Pháp thông qua trường Đại học Yersin tổ chức.

Sau khi đi tập huấn các lớp nuôi bò sữa, Hiếu đã mạnh dạn vay thêm của gia đình 200 triệu đồng để thực hiện hoài bão làm giàu trên quê hương mình. Nhận thấy con trai có quyết tâm tu nghiệp, chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, đã thế chấp mảnh đất gia đình đang ở để vay tiền ngân hàng cho cậu con trai đầu tư chăn nuôi bò.

Ngay khi có tiền dự án và gia đình cho vay, Hiếu tập trung vào xây dựng chuồng trại, sắm máy vắt sữa và bắt bò giống về nuôi. Hiện tại bò sữa đã cho sản phẩm, nhưng gia đình Hiếu chưa ký được bất kỳ hợp đồng nào của các công ty thu mua sữa. Sữa bò chỉ bán lẻ được một ít, còn lại đem cho hàng xóm, có hôm để tủ đông lạnh rồi gửi xuống Sài Gòn cho anh em họ hàng dùng. Hiện tại, mỗi tháng Hiếu phải trả lãi ngân hàng hơn 2 triệu đồng. “May mà nhà em còn làm thêm cà phê để bù lỗ chứ nhiều hộ dân ở đây chỉ trông vào nuôi bò sữa thì còn khốn khổ hơn” - Hiếu chia sẻ.

Với thực trạng trên, hiện nay những gia đình chăn nuôi bò sữa mới phát sinh sau, chưa ký được hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sữa với bất kỳ doanh nghiệp nào đang lâm vào tình trạng “khóc đứng, khóc ngồi” khi không thể tìm kiếm được đầu ra ổn định cho sản phẩm sữa.

“Ế” sữa bò

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, hiện nay toàn tỉnh Lâm Đồng có trên 13.300 con bò sữa, tăng 74% so với năm 2013, sản lượng sữa tươi đạt gần 40.500 tấn, tăng trên 45%. Đàn bò và lượng sữa tăng vượt tầm kiểm soát đã khiến người chăn nuôi mới phát sinh lâm vào cảnh khốn khó.

Được biết, Lâm Đồng hiện có 3 doanh nghiệp đang thu mua sữa thô cho người chăn nuôi là Vinamilk, Cô Gái Hà Lan và Đà Lạt milk. Hiện những doanh nghiệp này đang thu mua cho những gia đình trước đó đã ký hợp đồng với giá từ 11.500 – 14.000đ/lít.

Sữa không bán được, đành đem cho người thân hoặc đổ bỏ.
Sữa không bán được, đành đem cho người thân hoặc đổ bỏ.

Tuy nhiên, hiện tại cả 3 công ty trên đều không có nhu cầu ký thêm hợp đồng thu mua sữa mới mà đang siết chặt quản lý chất lượng sữa, vì vậy mới dẫn đến tình trạng “ế” sữa bò và người dân hai xã Tu Tra và Đạ Ròn thuộc huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) phải đổ bỏ hàng ngàn lít sữa tươi.

Hiện tại, tình trạng đổ sữa tươi ra đường không còn nữa, lãnh đạo địa phương và các công ty thu mua sữa đang vận động bà con bình tĩnh lại, không nên đổ bỏ sữa và cũng đang tìm hướng giải quyết, để tiêu thụ lượng sữa dư cho nông dân thoát khỏi cảnh khốn đốn.

Ngọc Hà

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm