Trà Vinh:
Nông dân “cấm tiệt” phóng viên quay phim vì sợ… mất mùa
(Dân trí) - Thời gian gần đây, nhiều phóng viên đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh gặp rất nhiều khó khăn khi đi tác nghiệp tại các vuông tôm, ruộng lúa, ruộng dưa… do nông dân nhất quyết không cho, thậm chí rượt đánh.
Máy quay phim gây... mất mùa
Mới đây, nhóm phóng viên thời sự Đài truyền hình Trà Vinh tác nghiệp tại huyện Càng Long (Trà Vinh) bị nhiều hộ nông dân “cấm” dùng máy quay phim vì bà con cho rằng ghi hình sẽ làm cho mùa vụ thiệt hại.
Một cán bộ lãnh đạo Phòng Thời sự Đài truyền hình Trà Vinh cho biết: “Việc cấm phóng viên quay phim xảy ra mấy năm nay và có xu hướng ngày càng tăng. Nông dân cho rằng, máy quay phim là tác nhân nguy hiểm khiến cây trồng, vật nuôi chết hàng loạt nên cấm tiệt không cho phóng viên quay phim; thậm chí đe dọa đập máy quay…”.
Trước đây từng xảy ra việc phóng viên Dương M.Đ. của Đài Truyền thanh huyện Duyên Hải quay phim ghi lại hình ảnh dịch bệnh trên ao nuôi tôm sú, sau đó bị chủ ao hành hung sưng phù cả mặt.
Sau sự việc đó đến nay, nông dân trồng trọt, chăn nuôi càng dị ứng hơn với chiếc máy quay phim. Nhiều chủ ao tôm có thể cung cấp thông tin nhưng nhắc đến chuyện quay phim là nhất quyết không cho.
Mới đây, phóng viên định chụp hình cảnh thu hoạch rau tại huyện Cầu Kè (Trà Vinh) nhưng chủ ruộng rau nhất định không chịu vì sợ ảnh hưởng tới năng suất. Nông dân này lý giải: “Chụp hình thì thế nào năm sau cũng bị thất mùa nên không chụp cho chắc ăn…”.
Đối với người nuôi tôm, việc quay phim, chụp hình còn bị phản ứng gay gắt hơn. Nông dân Phạm Văn Quắn, nuôi tôm ở xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) lý giải: “Nhiều nông dân rất sợ đưa hình lên đài vì có thể làm trúng 3 đến 4 vụ liên tục nhưng trùng hợp là sau khi quay phim bị thất mùa 1 năm. Từ đó nhiều người truyền miệng, đồn thổi nên rất nhiều nông dân “cấm cửa” không cho phóng viên quay phim”.
Nhà báo Nguyễn Đình Cảnh, Trưởng đài Truyền thanh huyện Cầu Ngang cho biết: “Sự việc nhiều nông dân không cho phóng viên quay phim cảnh trồng trọt, chăn nuôi diễn ra lâu nay. Vì vậy, việc tác nghiệp của anh em phóng viên gặp rất nhiều khó khăn”.
Chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên
Thời gian gần đây do nắng nóng kéo dài, dịch bệnh khiến tôm chết hàng loạt, nhiều nông dân càng không cho phóng viên tiếp cận với các ao tôm. Một nông dân nuôi tôm tại địa bàn xã Mỹ Long Nam (Cầu Ngang, Trà Vinh) cho biết: “Do tôm chết hàng loạt nên người nông dân bây giờ rất mê tín, chuyện không cho phóng viên quay phim cảnh thả tôm, chăm sóc tôm gần như là chắc chắn. Ngoài ra, chuyện bắt tôm giống, thả vào giờ nào hay bọc tôm buộc bằng sợi dây thun màu gì cũng được lựa chọn kỹ. Tuy nhiên dịch bệnh tôm chết vẫn chết. Nếu hộ nào cho quay phim, tháng sau tôm chết thì nhất định cho rằng do chiếc máy quay phim chứ không phải do dịch bệnh hay thời tiết…”.
Thông tin từ Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản Trà Vinh, do ảnh hưởng thời tiết, nắng nóng khiến nhiều ao tôm trên địa bàn tỉnh bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt. Kết quả xét nghiệm các mẫu trên tôm sú, tôm thẻ nuôi tại một số xã ven biển thuộc hai huyện Cầu Ngang và Châu Thành phát hiện virus gây bệnh đốm trắng trong 5/8 mẫu xét nghiệm; vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (trong 9/16 mẫu xét nghiệm) gây hao hụt hàng tôm giống con, nhất là tôm từ 15 – 45 ngày tuổi.
Ông Trương Thế Vân, Phó Chủ tịch Hội Thuỷ sản Trà Vinh cho biết: “Tính đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có tài liệu khoa học nào chứng minh việc quay phim, ghi hình của phóng viên làm ảnh hưởng đến sự sống của cây trồng và vật nuôi. Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì nuôi trồng thuỷ sản thì có năm trúng năm thất”. Ông Vân lý giải, hàng năm, bên cạnh những hộ nuôi tôm đạt hiệu quả thì vẫn có hàng loạt hộ nuôi tôm mất trắng, phải nuôi lại, chứ đâu phải có một hộ duy nhất mà đổ lỗi cho máy quay phim của phóng viên.
Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết: “Trước đây có dẫn đoàn quay phim về nông dân sản xuất giỏi với mô hinh nuôi bò, mới quay tuần trước thì tuần sau con bò lăn ra chết nên nông dân đổ thừa do chiếc máy quay phim gây ra. Dù là trường hợp ngẫu nhiên nhưng họ đồn thổi nên chẳng ai cho quay mô hình chăn nuôi, trồng trọt”. Theo ông Tráng, bây giờ phóng viên xuống quay phim gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy ở cấp hội chỉ vận động, giới thiệu các mô hình thuộc hệ thống hội nông dân cho phóng viên quay phim.
Ngoài chuyện trùng hợp ngẫu nhiên thì cũng có nhiều yếu tố tác động dẫn đến việc nông dân ngày càng dị ứng với chiếc máy quay phim. Chẳng hạn, khi một nông dân được quay mô hình sản xuất giỏi, hiệu quả nói chuyện trên đài thì chỉ cần 1 năm thất mùa thì khi đi đám giỗ, đám cưới sẽ bị nhiều người châm chọc là do nổ, làm được bao nhiêu bày đặt lên đài nên mới bị như vậy nên nhiều nông dân sản xuất giỏi và thậm chí nông dân bình thường cũng sợ chiếc máy quay phim.
Minh Giang