1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

An Giang:

“Nóng” buôn lậu ngày giáp Tết

(Dân trí) - Những ngày cuối năm là thời điểm giới buôn lậu tung hoành, không khí ở các vùng biên giới, cửa khẩu vì thế “nóng” hơn bao giờ hết với hàng trăm chuyến xe chở hàng lậu chạy bạt mạng suốt ngày đêm.

“Nóng” buôn lậu ngày giáp Tết  - 1

Hàng lậu được vận chuyển bằng xe máy

 

Ghi nhận của PV Dân trí, một số cửa khẩu ở An Giang đã nhộn nhịp từ mấy ngày nay.

 

Cửa khẩu Tịnh Biên (huyện Tịnh Biên) đoạn xã An Nông được xem là điểm tập kết của hàng lậu bởi sự xuất hiện của rất nhiều chiếc xe máy, xe ba gác chở các loại mặt hàng tiêu dùng phục vụ dịp Tết như điện thoại, bánh kẹo, đường, thuốc lá, vải, giày dép, rượu…

 

Anh L, một người trong giới chở hàng lậu cho biết những mặt hàng này nguồn gốc phần lớn từ Thái Lan; các chủ buôn sẽ cho hàng đi qua 2, 3 con đường để an toàn.

 

Đứng trên cầu Xuân Tô (thuộc QL 91) nhìn xuống những cánh đồng lúa, hàng đoàn người dài dằng dặc nối đuôi nhau vác hàng từ bên kia biên giới sang, trông như những chú kiến miệt mài tha thức ăn về tổ.

 

Theo anh L, sau khi hàng được vác qua biên giới, tức là từ Campuchia qua, sẽ chuyển về phía kênh Vĩnh Tế, nơi đó sẽ có nhiều tàu, ghe nhận hàng. Do mùa này nước khá cạn nên các ghe tàu không tiến sâu vào được, buộc phải vác hàng bằng đường bộ. Thông thường các chủ buôn thuê mỗi người từ vài chục đến vài trăm ngàn để làm công việc này.

 

“Khi không có lực lượng công an đi tuần thì mỗi ngày “ăn” được 3-4 chuyến với hàng chục bao vải, vài chục thùng rượu cùng đường cát, thuốc lá và những thứ khác. Còn khi có động tĩnh gì từ “tai mắt” báo tin thì chỉ có thể ở nhà đợi chờ. Chủ buôn luôn có một lực lượng chuyên theo dõi từng bước chân của lực lượng chức năng để khi có chuyện là alô ngay để dễ bề hành động” - anh L kể.

 

Được biết, lực lượng thuê vác hàng cũng phải cạnh tranh khá gay gắt. Thời điểm cận Tết là lúc các chủ buôn đua nhau tìm cho mình một lực lượng sao cho hùng hậu nhất, có sức khỏe, rành đường và đặc biệt là giá cả phải chăng, để thuê.

 

Ghi nhận tại một điểm tập kết gần cột mốc biên giới Việt - Campuchia, nhiệm vụ của lực lượng vác thuê là băng qua cánh đồng hơn 2km (đi vòng để tránh các trạm kiểm soát ở biên giới) rồi chuyền hàng về đúng địa điểm tập kết an toàn.

 

Theo tính toán của anh L., giáp Tết ở Tịnh Biên có chừng 15 trùm buôn lậu hoạt động liên tục không phân biệt ngày đêm. Trung bình mỗi ngày, mỗi chủ buôn có trong tay hàng chục tấn hàng hóa các loại. Tương ứng với đó ở bên kia biên giới là những chủ kho hàng luôn sẵn sàng cung ứng hàng bất kể lúc nào. Mỗi đợt hàng trót lọt, các chủ buôn có thể bỏ túi vài chục triệu đồng, nhưng nhằm ngày gặp công an thì mất cũng tương đương chừng đó.

 

Thống kê chưa đầy đủ của ngành chức năng tỉnh An Giang, năm 2009 đã phát hiện, xử lý khoảng 266 vụ buôn lậu (bắt 60 vụ hàng hóa nhập lậu, và 20 vụ hàng hóa xuất lậu) với tổng giá trị hàng hóa hơn 6,6 tỷ đồng. 

Ngoài cửa khẩu Tịnh Biên, một số cửa khẩu khác như Vĩnh Ngươn, Khánh Bình (An Phú) cũng có tình trạng hàng lậu tuồn về “xối xả”. Một số sẽ chuyển về thị xã Châu Đốc để cung cấp cho các đầu mối ở khu vực ĐBSCL, một số khác thì phân phối lên TPHCM cùng các tỉnh lân cận.

 

Theo tiết lộ của anh L, giới buôn lậu An Giang có một số quy tắc để giữ bí mật cho nhau là: khi hàng bị công an bắt giữ thì người vận chuyển không phải đền tiền, bù lại người vác thuê bị bắt không khai ra chủ thuê, chủ bị phát hiện không khai ra người mình thuê vác hàng… Chính “luật chơi đẹp” này khiến lực lượng chức năng gặp khó khăn trong công tác điều tra, vây bắt hàng lậu.

 

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm