Nơi vàng đen đi qua
(Dân trí) - Suốt dải miền Trung, từ Thanh Hoá đến tận Bình Thuận, đâu đâu cũng có sự xuất hiện của titan, một thứ kim loại hiếm rất có giá trị chuyên để chế tạo máy bay cũng như tàu vũ trụ. Nhưng…
Có được nguồn lợi khoáng sản sẵn có để phát triển là một thế mạnh rất lớn của một địa phương. Tuy nhiên tình trạng khai thác và phục trạng môi trường lại là hai chuyện khác nhau.
Việc khôi phục lại môi trường và đảm bảo cuộc sống của người dân nơi có nguồn lợi khoáng sản hầu hết không được chú ý đúng mực, những nơi giàn lọc đi qua, người dân chỉ còn trơ trọi giữa cát và cát, trần mình dưới cái nóng như rang của mùa hè và những trận bão cát rát mặt vào mùa mưa bão.
Bãi khai thác titan tại thị trấn Thiên Cầm, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh là một ví dụ như thế…
Những giàn lọc xoắn ốc ở những bãi biển dọc thị trấn Thiên Cầm bỏ lại những bãi cát đã qua khai thác để tiến dần vào những cánh rừng phi lao.
Công trường khai thác tại đây hoạt động liên tục 3 ca, bất kể ngày đêm. Mảnh đất này đã được khai thác từ khi trữ lưỡng đạt cả chục % cho đến nay chỉ còn chưa đến 3%.
Từ sáng sớm cho đến tối mịt, những chiếc máy này chạy không ngừng, bơm hút cát phục vụ cho giàn lọc.
Người dân chỉ trông chờ vào những vệt bánh xe ôtô chở quặng để băng qua những trảng cát dài, bởi những vũng cát lún đầy nước luôn tiềm ẩn nguy hiểm bên dưới.
Những hạt titan lẫn trong cát vàng có giá trị kinh tế rất lớn nhưng lương hàng tháng của những người công nhân nơi đây chỉ gói gọn 600-700 ngàn đồng, sau khi đã bị khấu trừ đủ loại chi phí.
Đi dọc bờ biển từ thành phố Hà Tĩnh đến bãi biển du lịch Thiên Cầm, đâu đâu cũng gặp những giàn khoan gỉ sét đã qua thời kỳ huy hoàng.
Những hàng rào đơn giản bằng củi khô giúp những luống rau cuối cùng chống chọi lại cát xâm lấn.
Rặng phi lao đang bị gặm nhấm cùng những đống cát đang lấn dần vườn rau của người dân là hình ảnh đặc trưng nhất cho các vùng đất có giàn lọc titan đi qua.
Hoàn thổ bề mặt bằng chính dòng cát sau khi đã lọc lấy titan, một cách “giúp sức” hữu hiệu cho quá trình sa mạc hoá những vùng đất người dân đang sinh sống
Người dân Song Yên, Thiên Cầm đi mót nốt những gốc phi lao chết khô trên những con đường phủ đầy cát.
Bà Nguyễn Thị Quế, một người dân từng bán mảnh vườn của mình cho công ty khai thác titan tại Hà Tĩnh, đứng trên mảnh đất mà phải chờ 4-5 năm nữa mới có thể trồng trọt được.
Sa mạc hoá, những hình ảnh tương lai cho mảnh đất này với thực trạng khai thác đang diễn ra nơi đây. Những dòng cát theo gió lấn dần mảnh đất sinh sống của người dân.
Bà Gái, hơn 70 tuổi, một người dân Song Yên phải kiếm sống cùng con cái bằng nghề đóng gạch thuê từ đá, sỏi nhỏ lẫn trong cát. Nhà bà giờ đã không còn đất để trồng trọt như những năm trước.
Những hàng phi lao hoàn thổ được các công ty khai thác trồng lại lấy lệ, không người chăm sóc, đã chết khô.
Việt Hưng