Tháp F1 Mỹ Sơn xuống cấp nghiêm trọng
Nói và làm!?
(Dân trí) - Ngày 23/9, sau chuyến đi khảo sát hiện trạng hư hỏng và xuống cấp của tháp F1 tại thánh địa Mỹ Sơn, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - ông Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp làm việc với Viện Bảo tồn Di tích cùng các cơ quan liên quan về việc tiến hành khẩn cấp công tác xây dựng tổng thể phương án trùng tu tháp F1 vào trước tháng 3 năm 2006.
Cái “khẩn cấp” đối với việc bảo vệ tháp F1 tại Mỹ Sơn đã được báo chí cùng các nhà nghiên cứu nói đến từ lâu rồi và trên thực tế thì nó cũng đã được tiến hành nhưng lại ở trong tình trạng nửa vời. Hiện nay, di sản văn hoá thế giới khu tháp Chămpa Mỹ Sơn chỉ còn khoảng 30 tháp đang ở trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2001, một dự án bảo tồn đã được Cục Di sản của Bộ VHTT và UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt. Tuy nhiên cho đến nay mọi thứ vẫn là con số không, nếu không muốn nói là ngày càng tệ hơn.
Sự đùn đẩy giữa chủ đầu tư là UBND huyện Duy Xuyên và Viện Bảo tồn Di tích (Bộ VHTT) đã khiến cho công tác bảo tồn bị trì trệ. Thêm vào đó, việc bảo tồn một di sản có độ nhạy cảm và phức tạp lại được giao cho UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư đã là một điều không hợp lý.
Về phần các chuyên gia thì lúng túng về chuyên môn, không thống nhất ý kiến về giải pháp và thế là có rất nhiều phương án được đưa ra. Một trong số đó là phuơng án dựng dàn giáo bằng sắt, che mái vòm bằng tôn để giữ cho tháp khỏi ngã đã đem lại một tác dụng ngược với mong muốn và cái giá phải trả như chúng ta đã biết là những viên gạch của tháp đã bị mất đi màu đỏ đậm pha xám đặc trưng và chuyển dần sang màu gạch non, rồi ngả sang màu trắng, thậm chí còn làm mất đi mạch liên kết vốn không có vữa - vốn là một nét độc đáo trong kiến trúc xây dựng tháp Chămpa.
Một hiện trạng cần phải nói đến trong công tác bảo tồn và trùng tu hiện nay tại tháp F1 là các đơn vị thi công đã đào nhiều hố khai quật tại các chân tháp, thu giữ các hiện vật rồi bỏ mặc cho nắng mưa, cỏ hoang mọc đầy.
Những bất cập của công tác trùng tu, bảo tồn tại tháp F1 của thánh địa Mỹ Sơn là tình trạng chung của việc bảo vệ, trùng tu các tháp Chăm ở Việt Nam. Chúng ta không nên để sự yếu kém về chuyên môn lại trở thành nguyên nhân góp phần vào sự xuống cấp của các di tích. Việc nghiên cứu và tìm kiếm giải pháp để trùng tu và bảo tồn các tháp Chăm là một bức bách cần thiết nhưng nói thì phải đi đôi với làm và đã làm thì phải có trách nhiệm, đừng để tình trạng di tích vẫn tiếp tục xuống cấp còn kinh phí thì lại thừa tiếp tục xảy ra!
Bảo Chương