“Nới” tuổi động viên từ 18-27 để chống lách, trốn nghĩa vụ quân sự?
(Dân trí) - Chiều 12/11, dự án Luật Nghĩa vụ quân sự đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp tổ. Mở rộng tuổi động viên từ 18-27, huy động thêm lực lượng cán bộ công chức tham gia… là những gợi ý của đại biểu để tăng trách nhiệm nghĩa vụ quân sự.
Các ý kiến nhất trí cao với sự cần thiết sửa đổi dự luật cũng như một số nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng như độ tuổi động viên; thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự; diện miễn, hoãn và điều kiện để được miễn, hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự.
Đại biểu phân tích, quân đội Việt Nam có những đặc thù khác với các nước vốn có lực lượng quân nhân chuyên nghiệp đông đảo, lính nghĩa vụ chỉ thực hiện một số nhiệm vụ nhất định.
Ông Bình lưu ý thêm, thực tế hiện nay việc huy động nghĩa vụ quân sự đối với đối tượng cán bộ công chức và du học sinh đi học nước ngoài còn rất hạn chế; nên có chế định chặt chẽ hơn để đảm bảo công bằng xã hội; đồng thời cũng là nâng cao mặt bằng về trình độ, kỹ năng của chiến sĩ.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Hưng (TPHCM) đề nghị cụ thể quy định mở hơn về độ tuổi động viên, trong khoảng từ 18 – 27 tuổi, để tránh việc một số đối tượng lợi dụng chính sách tạm hoãn để “lách”, trốn không thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Đại biểu Huỳnh Minh Thiện (TPHCM) cũng góp ý: “Dự luật cũng cần cụ thể hơn nữa trường hợp đối tượng “tham gia các công trình khoa học cấp nhà nước; phải là người có vai trò như thế nào trong công trình này mới nên cho hoãn”.
Tán thành quan điểm thu hẹp diện được hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự, song đại biểu Nguyễn Văn Hưng cho rằng nên xem xét cho hoãn nghĩa vụ đối với các đối tượng là lao động chính duy nhất trong các hộ thuộc diện xóa đói giảm nghèo.
Cũng nói về tình trạng trốn tránh nghĩa vụ quân sự, đại biểu Phạm Văn Tam (Hà Nam) nhấn mạnh, việc này đang gây bức xúc trong dư luận, bất bình trong nhân dân và đề nghị cần có chế tài xử phạt mạnh mẽ hơn quy định trong luật. Ông Tam chỉ rõ, các đối tượng trốn tránh nghĩa vụ quân sự như trốn khám tuyển, làm sai lệch hồ sơ khi bị gọi nhập ngũ… đều cần xem như hành vi đào ngũ.
Chia sẻ ái ngại về thực tế chỉ có con em nông dân trình độ phổ thông vào quân đội, đại biểu Cù Thị Hậu (Hưng Yên) đặt vấn đề, phải làm sao huy động được lực lượng đã học qua đại học, nhưng người không cần học cả 24 tháng trong quân ngũ mà chỉ cần 3 tháng rồi chuyển sang các lĩnh vực chuyên sâu.
Vì thế bà Hậu đồng tình kéo dài tuổi tuyển quân đối với người đi học lên 27 tuổi.
Đồng tình với cách đặt vấn đề có những người tốt nghiệp đại học phục vụ trong quân đội là tốt nhưng Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an – Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến cũng cho rằng, xét góc độ nào đó thì đối tượng này cũng cần cho xã hội, phục vụ mục đích phát triển kinh tế.
Từ đó, các đại biểu cũng bày tỏ những lăn tăn xung quanh quy định về các đối tượng được miễn, hoãn gọi nhập ngũ.
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) cho rằng, những người đang học phổ thông và đại học mới được miễn, hoãn là chưa đủ, nên tạo điều kiện cho cả những người đang học cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, tại chức... học xong rồi mới gọi nhập ngũ cũng chưa muộn.
P.Thảo