1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Nới” quyền điều tra cho VKS để tăng kiểm soát chéo quyền lực

(Dân trí) - Dự luật tổ chức VKSND sửa đổi được đưa ra thảo luận tại UB Thường vụ QH ngày 13/3 với nhiều điểm mới, tăng thẩm quyền điều tra, thẩm quyền của Cục Điều tra của VKSND tối cao để tăng hiệu quả kiểm soát quyền lực đối với khối hành pháp…

Cụ thể, về quyền hạn điều tra của VKSND, dự thảo quy định theo hướng VKSND có thẩm quyền điều tra trong các trường hợp: Tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của pháp luật, khi xét thấy cần thiết; Viện kiểm sát đã yêu cầu điều tra nhưng yêu cầu đó không được thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ; Vụ án mà Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng xét thấy không cần thiết phải chuyển cho cơ quan điều tra, cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Dự thảo Luật cũng đã bổ sung nội dung về thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của VKSND, trong đó, quy định thẩm quyền điều tra vụ án hình sự của VKSND khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp (Điều 30) và thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra VKSND (Điều 31).

Trong đó, đã xác định rõ các trường hợp VKSND thực hiện điều tra và mở rộng thẩm quyền điều tra của cơ quan điều tra VKSND tối cao phù hợp với phạm vi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Thẩm tra dự án luật, UB Tư pháp tỏ ý tán thành với Ban soạn thảo về sự cần thiết tiếp tục quy định VKS có quyền tiến hành một số hoạt động điều tra, nhưng không giao VKS có quyền điều tra lại toàn bộ vụ án, vì không phù hợp với việc phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan tư pháp.

Tuy nhiên, việc quy định cụ thể các trường hợp VKS tiến hành một số hoạt động điều tra như thế nào, phạm vi và mức độ đến đâu phải được quy định trong Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Vì vậy, đề nghị không quy định cụ thể vấn đề này trong Luật Tổ chức VKSND (sửa đổi).
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình dự án luật trước UB Thường vụ Quốc hội.
Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình trình dự án luật trước UB Thường vụ Quốc hội.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý vẫn thấy “gợn” với hướng quy định VKS được quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Đối chiếu với Bộ luật Tố tụng hình sự, ông Lý cho rằng, theo quy định hiện hành, chỉ có 2 trường hợp VKS được quyền khởi tố. Nếu mở rộng quyền này cho VKS, theo ông Lý, phải sửa cả Bộ luật Tố tụng Hình sự.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì đặt vấn đề, cơ quan soạn cần chú ý đến những quy định mới của Hiến pháp 2013, cần cụ thể hóa những quy định về bảo vệ quyền con người của công dân. VKS phải bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được ghi rõ trong Hiến pháp nhưng theo ông Hiển, trong dự luật còn thiếu nội dung này.

Về tổ chức và thẩm quyền của Cơ quan điều tra của VKSND, Chủ nhiệm UB Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, trong Thường trực UB hiện có 2 ý kiến về vấn đề này. Nhiều ý kiến tán thành đề xuất để Ban soạn thảo tiếp tục tổ chức và quy định về Cơ quan điều tra của VKSND ngay trong Luật. Cơ quan điều tra này chỉ tổ chức ở VKSND tối cao để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Tuy nhiên, phạm vi thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra của VKS điều tra loại tội phạm gì là vấn đề quan trọng phải được quy định trong Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự và Bộ luật TTHS (sửa đổi) đang được soạn thảo.

Hướng ý kiến khác lại đề nghị bỏ Cơ quan điều tra của VKSND, bảo đảm phân định rành mạch chức năng, nhiệm vụ với Cơ quan điều tra và VKS chỉ làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Báo cáo thêm trước UB Thường vụ QH, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hòa Bình giải thích, cơ quan soạn thảo luật theo 3 nhóm vấn đề mới đặt ra trong Hiến pháp lần này.

Trước hết, Hiến pháp nêu nguyên tắc quyền lực giữa các cơ quan nhà nước có sự phân công, phối hợp, kiểm soát lẫn nhau. Vậy nên luật Tổ chức VKSND cũng được thiết kế theo hướng tăng thẩm quyền kiểm soát quyền lực của VKS lên, bằng việc giao cho Cơ quan điều tra của VKS được mở rộng quyền điều tra, xác minh với nhiều vụ án.

Thứ 2, Hiến pháp mới nhấn mạnh các quy định về quyền con người và việc kiểm soát các biện pháp liên quan đến việc hạn chế quyền con người. Quán triệt tinh thần này, dự luật cũng xây dựng các quy định để các cơ quan có quyền ban hành các quyết định hạn chế quyền con người thì đều chịu sự giám sát chặt chẽ của VKS. Các cơ quan này, nếu không chấp hành quy định, sẽ bị xử lý theo tiến trình vi phạm hình sự.

Thứ 3, dự thảo luật tổ chức VKSND sửa đổi cũng chỉnh nhiều nội dung quy định liên quan đến vấn đề tổ chức bộ máy cơ quan kiểm sát như tập trung thống nhất lãnh đạo trong ngành, kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố chỉ tuân theo luật…

Một trong những nội dung mà dự thảo Luật quy định được quan tâm là tăng độ làm việc cho Kiểm sát viên tối cao lên 65 tuổi với nam và 60 đối với nữ.

Không tán thành đề xuất này, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, không nên để cho luật nào có quy định tuổi nghỉ hưu trái với quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức. Trong trường hợp nếu quy định vượt quá tuổi trong Bộ luật Lao động thì cần một quy định riêng và phải làm rõ đó là “tuổi hành nghề” trên cơ sở nhu cầu của cơ quan tổ chức, không nắm chức vụ quản lý, nằm trong tổng biên chế chung và có chuyên môn, kỹ thuật cao…

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cũng tán thành quy định tuổi làm việc của Kiểm sát viên tối cao nên áp dụng chung theo Bộ luật Lao động mới sửa đổi vừa qua, trường hợp vượt tuổi như dự luật thì nên có văn bản riêng, nếu không sẽ “vênh” với các luật khác.

P.Thảo