Nỗi niềm người nghèo trong cơn “bão giá”
(Dân trí) - Sau Tết, vật giá tăng cao; xăng lên giá, giá cả thị trường càng được dịp “phi nước đại”. Bộ phận bị ảnh hưởng nhiều nhất là những lao động nghèo, bữa cơm trưa vội cũng “nghẹn ngào” vì giá; bó củi của bà con miền núi cũng nặng vai hơn…
Cơm bình dân nghẹn ngào vì giá
Sau Tết, đặc biệt là từ ngày xăng lên giá, bữa cơm bình dân đã khiến nhiều người phải giật mình. Khái niệm “ăn no” giờ đã không còn là điều đơn giản.
Quán ăn nào cũng tăng giá nhưng khẩu phần ăn lại giảm đi rõ rệt để theo kịp với “cơn bão giá” đang hoành hành dữ dội. Sinh viên và người lao động nghèo chịu ảnh hưởng nhiều nhất, muốn ăn một bữa no cũng khó, ăn ngon miệng lại càng khó hơn.
Anh Chiến làm nghề đạp xích lô ở chợ Đông Ba (Huế) cho biết: “Trước đây đĩa cơm 5 ngàn là no căng, chừ phải trả 8 ngàn mà cũng chỉ được lưng bụng. Đạp xe một vòng là đã thấy cồn cào nhưng chẳng dám ăn thêm vì vợ con ở nhà cũng tằn tiện lắm chứ có no đủ chi mô”.
Chủ quán cơm cũng chẳng sung sướng hơn. Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một quán cơm ở TP Huế than thở: “Thức gì cũng đắt. Cá từ 15.000 đồng/kg tăng lên 40.000 đồng, thịt heo tăng 20.000 đồng/kg, bắp cải tăng gấp đôi… Tui bán cơm đã hơn 10 năm nhưng chưa thấy khi mô giá cả lại tăng nhanh như mấy tháng ni”.
Xót lòng bữa cơm bụi thời tăng giá! (Ảnh: Lê Hải - Huỳnh Linh)
Nhiều quán cơm sau khi tăng giá không giữ được khách đành phải đóng cửa. Muốn giữ nguyên giá là bớt khẩu phần ăn. Đó là quy luật tất yếu của cơm bụi trong những ngày giá cả tăng cao.
Nhưng với một vài người, cơm bụi lại là phương án tối ưu trong những ngày “bão giá”. Hai mẹ con chị Lành hơn một tuần nay ăn cơm hộp ở quán cơm cạnh nhà. Chị nhẩm tính: “Cầm 3 chục ngàn đi chợ chẳng biết mua chi, tui với con bé một ngày ăn cơm hộp cũng chừng đó mà bớt được tiền ga, tiền mắm muối”.
Nỗi lòng người lái xe ôm
“Khổ lắm. Mấy bữa ni anh em đói lắm rồi”, người lái xe ôm Lê Văn Liên ở TP Hà Tĩnh than thở. Kiếp mưu sinh của các anh đang trải qua cơn khủng hoảng vì giá xăng dầu.
Những năm trước, khi giá xăng dầu còn “dễ thở”, mỗi ngày chạy xe, ông kiếm được không dưới 50 ngàn đồng, hôm nào may mắn kiếm được hàng trăm. Bây giờ thì khác rồi, xe ôm đang lâm vào chuỗi ngày “chết đói”. Ông Liên tặc lưỡi liệt kê ra một loạt nguyên nhân: ít khách, giá thấp, taxi quá nhiều và nhất là giá xăng tăng quá cao.
Trung bình mỗi ngày ông cho “con ngựa sắt” “uống” 30 ngàn đồng tiền xăng, trong khi tiền chở khách chỉ nhỉnh hơn chút đỉnh, có hôm không may còn lỗ vốn.
Những ngày này, cánh tài xế xe ôm ở đâu cũng chung một tâm trạng buồn chán. Họ than, giá xăng dầu đang biến nghề của họ thành một nghề nghiệt ngã.
Anh Thân Văn Tuấn, một tài xế xe ôm ở Hà Tĩnh kể, có hôm anh đã suýt “ăn thua” với khách vì ông này không chịu trả đủ tiền chạy xe, trong khi anh đang xót ruột vì tiền mua nhiên liệu. Ông khách lại cãi lý rằng mấy hôm trước, ông ta đi chỉ mất chừng ấy tiền.
Ở đâu, cánh tài xế xe ôm cũng chung một nỗi lo về giá xăng. (Ảnh: VD-MS)
Anh Tuấn than: Trăm thứ đổ xuống đầu, khách lại không hiểu cho nỗi khổ giá xăng. Thế này thì chỉ có nước bỏ nghề!
Bà con dân tộc quay cuồng vì “bão giá”
Từ sáng 26/2, chợ Thương mại Lao Bảo (Quảng Trị) đồng loạt tăng giá các loại mặt hàng. Đây là một “cú sốc” lớn đối với hàng ngàn đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô sống tập trung ở các bản gần đó.
Chợ Thương mại Lao bảo là trung tâm mua bán lớn. Nơi đây thường diễn ra cảnh trao đổi hàng hoá của đồng bào dân tộc bản Ktup, Katang, Ha-Lệt, Khe Đá... Từ sáng sớm cho đến chiều tối, họ mang đến đây gánh củi, bó rau, cái chổi,… bán để kiếm tiền đong gạo mưu sinh qua ngày.
Bà Hnhing, một hộ dân sống bằng nghề lấy củi ở thị trấn cho biết, giá củi, giá chổi không thay đổi, trong khi giá gạo, giá thực phẩm lại tăng cao. Bà con dân tộc muốn có cái ăn lại phải kiếm gánh củi to hơn, bện nhiều chổi hơn.
“Nếu tụi tui tăng giá củi, họ sẽ lấy củi của người khác. Mà chúng tôi không bán củi thì không có tiền đong gạo”, một người bán củi than thở. Tại chợ Lao Bảo, nhiều bà con dân tộc cầm trên tay vài ngàn đồng tần ngần đứng trước các gian hàng thực phẩm. Với số tiền hàng ít ỏi, họ đang băn khoăn, bữa cơm chiều nay cả nhà sẽ ăn thức gì cho no bụng.
Đồng bào dân tộc ở bản Hà-Lệt lâu nay mưu sinh nhờ chiếc chổi, “choòng” măng, bó rau cũng “méo mặt” vì vật giá leo thang. Do bản nằm khá xa chợ, nên hầu hết họ phải vận chuyển hàng bằng xe máy, sợ giá chổi không bù được giá xăng, nhiều bà con đành chấp nhận cuốc bộ đến chợ.
Với đồng bào dân tộc ở bản Katang, cuộc sống càng khó khăn hơn. Gần 100% số hộ dân bản này làm nghề cửu vạn, kéo xe bò. Anh Trần Nam, một hộ dân ở đây, lo lắng: “Bữa ni cái chi cũng tăng giá hết chú a! Đi làm về đói lả mà một gói mì cũng không dám ăn. Mì bữa ni cũng lên 1.900đ rồi chứ có ít mô!”.
Một thực tế là những đồng tiền chắt chiu ít ỏi của đồng bào dân tộc ở đây không chống chọi nổi trước sự tấn công của cơn “bão giá”.
Ông Hồ Tao - trường bản Hà-Lệt - trăn trở: “Đời sống của người dân vùng biên vốn đã khó khăn này càng chật vật hơn. Mong sao chính quyền giúp đỡ để người dân sớm cải thiện đời sống”
Nhóm PV Miền Trung