1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nỗi lòng người tảo mộ Bình Hưng Hòa

(Dân trí) - Năm nào cũng vậy, cứ gần tết, hàng trăm người dân lại đổ về các nghĩa trang chăm sóc phần mộ của những người thân đã khuất; đó cũng là dịp làm ăn của những người làm nghề tảo mộ.

Nỗi lòng người tảo mộ Bình Hưng Hòa - 1

Cần mẫn chăm sóc những ngôi mộ. (Ảnh: Trung Kiên)
 
Năm nay, nghĩa trang Bình Hưng Hoà (quận Tân Phú, TPHCM) vẫn tấp nập người đến tảo mộ, nhưng người làm nghề tảo mộ lại kém vui, vì người thuê quá ít.

 

Đã 20 năm nay, bà Nguyễn Thị Thu (52 tuổi) sống sát cạnh nghĩa trang Bình Hưng Hoà, đều đặn hàng ngày thực hiện công việc chăm sóc 140 phần mộ. Công việc của bà là cứ sáng sớm và sẩm tối lại tới quyét dọn, lau chùi, hương khói cho các ngôi mộ. Bà tâm sự: “Cái nghề này khó giàu lắm chú, nhưng mình cảm nhận được cái tình người. Tui năm nay cũng đã lớn tuổi khó làm được việc nặng nên làm cái này cũng đủ sống”.

 

Vừa làm bà Thu vừa cho biết: Nghề này thường khá vào dịp cuối năm, khi các chủ mộ về thăm mộ, thuê quét dọn và đắp lại mộ cho người thân. Nhưng năm nay có lẽ do kinh tế khó khăn, các chủ mộ cũng hạn chế các khoản chi, họ thường tự tay chăm sóc mộ. Thu nhập của những người như bà Thu giảm đi nhiều. Cũng vì lẽ đó mà nhiều người gần tết đã phải chuyển sang làm công việc khác để có được một cái tết khấm khá hơn. Chỉ có những người già, không biết đi đâu, làm gì như bà Thu mới tiếp tục bám lấy cái công việc lặng thầm mà ít “màu mỡ” này.

 

“Trước đây Nghĩa trang Bình Hưng Hoà chưa đóng cửa thì hay có các phần mộ mới, mới có thu nhập ổn định. Nay nghĩa trang đóng cửa, số mộ không tăng mà kinh tế thì thay đổi liên tục. Một tháng tôi nhận được 50 ngàn cho 1 phần mộ được thuê, chỉ gần tết ai nhờ quét thì kiếm thêm được khoảng 30-50 ngàn cho một lần quét dọn. Tuy nhiên số mộ được thuê rất ít”, anh Minh làm nghề này tâm sự.

 

Anh Nguyễn Đăng Tiến, người có thâm niên gần 10 năm làm nghề tảo mộ, cho biết thêm: “Trước đây thường có các đội khoảng vài chục người thường xuyên túc trực để thực hiện việc chôn cất, đào huyệt, xây mộ… cho các gia chủ khi cần. Nhưng bây giờ số đó đã chuyển qua làm làm thêm nghề sửa xe máy ở gần nghĩa trang để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, chứ nếu cứ làm nghề này không đủ tiền để lo cho gia đình”.

 

Những người “sống nhờ người chết” này tuy nghèo, nhưng tâm niệm của họ là “làm vì cái tình với người đã khuất”. Thế nên dù không ai thuê, nhìn những khu mộ tiêu điều, không người hương khói, họ lại tự nguyện dọn dẹp, chăm sóc, không đòi hỏi người trả ơn.

 

“Đến với nghề trông coi mộ thì phải có cái tâm, nếu có chủ ý lừa gạt thì khó làm lắm. Anh nhận chăm sóc mộ mà không thường xuyên làm, chỉ đợi khi gia chủ gần ra rồi mới làm thì khó có thể thực hiện lâu dài. Gạt người sống thì dễ chứ không lừa được người đã khuất đâu”, bà Thu chia sẻ. 

 

“Bên cạnh những ngôi mộ có chủ thì cũng có nhiều phần mộ ít có người đến thăm viếng. việc chăm sóc cũng không được quan tâm, cỏ dại mọc lên um tùm, nếu cứ để vậy thì mình không chịu được”, anh Tiến cho biết. Ngày nào cũng vậy cứ rãnh giờ nào là anh lại vác cuốc đi quét dọn cho những ngôi mộ vô danh. Khi thắp nén hương cho phần mộ được thuê, anh cũng không quên những phần mộ ít người lui tới.

 

Nghĩa trang Bình Hưng Hòa, khi những chủ mộ đã ra về, lại chìm trong sự im lìm của cõi âm, bất chấp cái tấp nập của đất trời đang vào xuân. Nhưng mùa xuân không bỏ quên nơi đây, bởi vẫn có những con người, dù nghèo, vẫn sống vì người khác bằng cái tâm sáng trong.

 

Hoài Lương - Trung Kiên