1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Cần Thơ:

Nỗi lòng mấy chục năm nuôi con người khác

(Dân trí) - “Mấy chục năm chăm sóc biết bao nhiêu trẻ sơ sinh, điều chúng tôi thấy sung sướng nhất là được nghe mấy đứa nhỏ gọi mình là mẹ” - những phụ nữ làm ở Trung tâm uôi trẻ mồ côi và nhiễm dioxin Cần Thơ chia sẻ.

Nằm khuất sau dãy phố trên con đường Tầm Vu, Trung tâm nuôi trẻ mồ côi và nhiễm chất độc dioxin Cần Thơ là nơi nương tựa của biết bao đứa trẻ bị bỏ rơi. Có lẽ do hoàn cảnh hay vì lý do nào đó, có những người mẹ đã từ chối chính đứa con mà mình đứt ruột sinh ra. Và có những người phụ nữ chưa một lần được làm mẹ lại là những người cưu mang, chăm sóc các bé.

Các chị em phụ nữ với công việc tại Trung tâm nuôi trẻ mồ côi.
Các chị em phụ nữ với công việc tại Trung tâm nuôi trẻ mồ côi.

Tại căn phòng của các em bé bị bệnh bại não, hình ảnh của chị Trần Thị Ngọc Xinh chầm chậm đút từng muỗng thức ăn cho các em khiến ai chứng kiến cũng thấy xúc động. Chị Xinh cho biết, chị làm ở Trung tâm đã được 34 năm. Từng ấy năm, chị đã trải qua biết bao khó khăn, thậm chí có những nỗi sợ, nhưng đến nay chị đã thật sự gắn bó với những đứa trẻ này bằng tình yêu thương.

Chị Xinh tâm sự, hồi sau năm 1975, cuộc sống của gia đình chị rất khó khăn và để tìm được một công việc cho mình không phải dễ dàng. Sau đó nhờ có các sơ nhà thờ giới thiệu nên chị được vào làm ở Trung tâm từ đó đến nay. Chị cho biết, hồi mới vào làm chứng kiến hình ảnh các bé bị bệnh bại não chị thấy sợ lắm. Rồi việc chăm sóc cho các em này rất khó, do đó có lúc chị thấy nản định bỏ việc nhưng vì cuộc sống nên chị cố gắng làm tròn nhiệm vụ.

“Và rồi cái sự cố gắng đã giúp cho tôi không chỉ làm tốt công việc mà còn nhận ra rằng, giữa tôi và các em có sự gắn bó bằng tình yêu thương như người thân ruột thịt trong nhà”, chị Xinh bộc bạch.

Chị Xinh cho biết, chăm sóc cho các bé bị bại não rất vất vả vì phải làm tất tần tật từ vệ sinh tắm rửa cho đến ăn uống ngủ nghĩ. “Các em hầu như không nhận thức được gì nên mình phải lo hết”, chị nói.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Xinh cho biết, để chăm sóc các em, trong lòng chị phải luôn có tình yêu của một người mẹ. Chị Xinh vẫn chưa có gia đình nhưng là người phụ nữ, đôi khi bản năng làm mẹ đã có sẵn nên với chị dù khó khăn, cực nhọc đến mấy chị cũng lo lắng các em bằng tình yêu thương này. 34 năm qua là một khoảng thời gian đủ để chứng minh điều đó.

Chị Xinh đang cho các bé bị bệnh bại não ăn chiều.
Chị Xinh đang cho các bé bị bệnh bại não ăn chiều.

Hơn 20 năm là khoảng thời gian mà chị Dương Thị Đào gắn bó với trách nhiệm “nuôi con người khác” ở Trung tâm. Chúng tôi gặp chị Đào khi chị đang cho các bé sơ sinh bú sữa bình với một sự chăm sóc hết sức ân cần.

Chị Đào cho biết, việc chăm sóc các bé sinh sơ từ 1- 3 tuổi cũng gặp nhiều khó khăn. Những lúc các cháu bệnh, nhiều khi không phải một mà là vài cháu, thì việc thức khuya dậy sớm là không tránh khỏi. Rồi khi các cháu đồng loạt khóc, việc dỗ dành cũng khiến chị bở cả hơi tai.

Tâm sự với chúng tôi, chị nói, hồi mới vào làm còn trẻ nên nhiều lúc chị thấy tủi thân, bởi cho đến bây giờ chị vẫn chưa có gia đình. “Là người phụ nữ nhưng chưa một lần được làm mẹ đúng nghĩa cũng thấy có gì đó xót xa lắm”, chị bùi ngùi nói. Dầu vậy, chị cho biết, hơn 20 năm qua, niềm vui của chị là được làm "mẹ" của hàng trăm đứa con bị bỏ rơi vào đây.

Chia sẻ với chúng tôi, chị Đào cho biết, những đứa trẻ bị bỏ rơi vào đây thường là những đứa bị bệnh. Là trẻ sơ sinh nên có biết bao thứ bệnh vô hình không thể biết được, chị nói, lúc đầu biết thế cũng sợ nhưng làm lâu dài rồi quen. “Mình chăm sóc bằng tất cả tình yêu thương dành cho các bé nên dường như đã bị chai với những nỗi sợ bệnh tật này”, chị chia sẻ.

Chị Đào có hơn 20 năm chăm sóc các bé bị bỏ rơi. (Ảnh: Huỳnh Hải)
Chị Đào có hơn 20 năm chăm sóc các bé bị bỏ rơi. (Ảnh: Huỳnh Hải)

Nói về các chị em phụ nữ làm công việc chăm sóc trẻ bệnh tật, mồ côi, ông Bùi Đức Trung- Giám đốc Trung tâm Nuôi trẻ mồ côi và nhiễm chất độc dioxin Cần Thơ- chia sẻ: “Dù chăm sóc các trẻ ở đây phải phục vụ 24/24 và rất khó khăn vất vả nhưng các chị đều làm tốt công việc của mình. Thu nhập của các chị ở Trung tâm rất thấp nên có thể nói rằng, thật sự các chị phải có lòng yêu nghề, không ngại khó khăn cực khổ mới làm được”.

                                                                                                            Huỳnh Hải