1. Dòng sự kiện:
  2. Thảm họa lũ quét Làng Nủ
  3. Mưa lũ lớn ở miền Bắc

Nỗi lo từ vùng "rốn" lũ Cát Tiên

Ủy ban nhân dân huyện Cát Tiên (Lâm Ðồng) cho biết, đến sáng 17/8, mực nước ở đỉnh lũ đã vượt mức báo động ba là 1,03 m. Tại các xã Gia Viễn, Nam Ninh, Mỹ Lâm, Tư Nghĩa và Quảng Ngãi nước tiếp tục dâng cao.

So với ngày 16/8, đến sáng 17/8 đã có thêm hơn 800 căn nhà bị ngập nước, đưa tổng số hộ bị ngập và phải di dời lên 3.003 hộ tại 11/12 xã trong huyện. Vào hồi 7 giờ ngày 17/8, đã có một người chết tại khu vực thị trấn Ðồng Nai. Thiệt hại về vật chất chưa được thống kê một cách chính xác song ước tính là rất lớn. 

 

Ðồng thời với việc bảo đảm an toàn tính mạng cho hơn 48.000 dân đang ngập chìm trong nước, chính quyền địa phương lại phải gồng mình để đối phó với nguy cơ dịch bệnh đã xuất hiện. Theo thống kê từ Ðội Y tế dự phòng của huyện, đến sáng 17/8, tại các xã ngập nước đã có 140 người bị mắc chứng sốt - viêm họng, sáu ca bệnh ngoài da, hai ca sốt xuất huyết. Trung tâm Y tế Cát Tiên đã phải khoanh vùng và xử lý môi trường tại xã Phước Cát 1 để đề phòng sốt xuất huyết lây lan trong những ngày còn ngập nước.

 

Anh Vũ Văn Thành, một trong mười gia đình đang tránh lũ tại khu tập kết thôn 1, xã Quảng Ngãi, nói rằng: Ðã bốn ngày trôi qua, người dân trong vùng phải dùng phèn chua xử lý nước lũ tràn vào giếng để sinh hoạt. Ðây cũng là tình cảnh chung của hơn 4.000 hộ dân khác tại các xã ngập lũ ở Cát Tiên. Nhu cầu nước sinh hoạt hiện đang là nhu cầu bức thiết hàng đầu của gần 50.000 con người vùng "rốn" lũ.

 

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế Cát Tiên, cho biết, ngành đã phát 1,5 tấn phèn chua và 270 kg clloramin B cho tất cả các thôn, buôn thuộc 11 xã ngập lũ để xử lý nước sinh hoạt và môi trường nhưng nỗ lực này chưa mang lại hiệu quả cao vì không thể xử lý môi trường khi bốn bề đang ngập trắng trong biển nước. Nếu không làm tốt công tác phòng dịch trong và sau lũ thì đây sẽ là nguy cơ bùng phát các bệnh đường ruột tại địa phương...

 

Thị sát và trực tiếp chỉ đạo chống lũ tại Cát Tiên và Ðạ Tẻh, đồng chí Nguyễn Văn Ðẳng, Bí thư Tỉnh ủy Lâm Ðồng, đã chỉ đạo: Phải bằng mọi giá bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản cho người dân. Ưu tiên cứu dân là số một và kiên quyết không được để dân đói. "Nếu để dân bị đói thì trước hết sẽ kỷ luật chủ tịch và bí thư các địa phương!".

 

Lũ lụt cũng đã gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với hệ thống các trường học tại huyện Cát Tiên. Báo cáo nhanh của ngành giáo dục địa phương cho biết: Tính đến 17/8, có 25/30 trường học các cấp trong toàn huyện bị ngập nặng, nhiều trường trong số này có nguy cơ sập do xuống cấp lâu ngày và áp lực nước chảy rất mạnh trong những ngày qua.

 

Ngay trong buổi họp khẩn cấp tại trụ sở Huyện ủy Cát Tiên giữa bốn bề ngập nước, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Ðẳng cũng đã đồng ý chủ trương cho lùi ngày khai giảng năm học mới 2006 - 2007 tại huyện Cát Tiên.

 

Theo Nhân Dân