1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nỗi lo từ những cánh diều

(Dân trí) - “Khi xe đổ xuống chân cầu vô tình vướng vào dây diều là xảy ra tai nạn liền. Có khi nó cứa vào cổ, vào mặt người ta; có người vì giật mình mà ngã xe, cũng có người phản ứng nhanh, dừng xe gấp thì bị người đằng sau tông vào…”.

Nỗi lo từ những cánh diều - 1

Người dân vô tư thả diều mà không nghĩ đến những tai nạn nguy hiểm có thể xảy ra
 
Gần đây, khi nhiều khu vực lân cận nội thành TPHCM xuất hiện những khoảng không trống trải từ các công trình “treo”, phong trào thả diều cũng theo đó phát triển. Dù đây là một thú giải trí lành mạnh, nhưng đằng sau đó là nhiều mối hoạ...

 

Mấy năm trước, phong trào thả diều chỉ thường thấy ở những khu vực ven đô như Bình Chánh, Củ Chi, Cần Giờ... Một thời gian sau, thú chơi này lan đến các quận như Đồng Diều (quận 8), ven khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7), khu hồ đá (Thủ Đức)... Chơi thả diều tại các khu vực này cũng khá an toàn vì vắng vẻ, không có dân cư sinh sống, cũng như không có đường điện đi qua.

 

Gần đây, khu vực lân cận nội thành lại xuất hiện một số công trình đã gần hoàn tất, mặt bằng đẹp, không gian trống trải nhưng vì chưa hoàn chỉnh nên chưa đưa vào sử dụng được. Tận dụng khoảng không này, người dân TP biến nó thành những bãi diều mà không nghĩ đến những hiểm hoạ có thể xảy ra.

 

Trong các bãi diều lân cận nội thành, lớn nhất phải kể đến khu vực chân cầu Thủ Thiêm phía quận 2 và đường dẫn từ cầu Thủ Thiêm đến Đại lộ Đông Tây. Do hai công trình này vẫn còn “treo” (cầu Thủ Thiêm vẫn còn cấm xe ôtô từ 9 chỗ ngồi trở lên và xe tải trên 1,5 tấn; đường dẫn cũng chưa có xe qua lại vì chưa kết nối với Đại lộ Đông Tây) nên khu vực này rất trống, trở thành bãi diều lý tưởng.

 

Tuy nhiên, việc người dân vô tư thả diều ngay dưới chân cầu đã gây cản trở giao thông và nhiều nguy hiểm cho người đi xe máy qua cầu, đặc biệt là hướng lưu thông từ quận Bình Thạnh sang quận 2.

 

Bà Hoa, ngụ tại phường An Khánh (quận 2) cho biết: “Khi xe đổ xuống chân cầu vô tình vướng vào dây diều là xảy ra tai nạn liền. Có khi nó cứa vào cổ, vào mặt người ta. Có người vì giật mình mà ngã xe, cũng có người phản ứng nhanh, dừng xe gấp thì bị người đằng sau tông vào. Tuy tai nạn nhỏ nhưng xảy ra thường xuyên lắm”.

 

Đó là chưa kể đến việc diều vướng trên các đường dây điện, chủ diều hay giật dây để kéo diều xuống, rất dễ xảy ra nguy cơ chập điện, gây ra cháy nổ. Trong năm qua, tại TPHCM đã xảy ra 2 sự cố chập điện làm hỏng mạng lưới điện trung thế do diều.
 
Nỗi lo từ những cánh diều - 2

Chỉ một đoạn chưa đầy 500m trên đường dẫn từ chân cầu Thủ Thiêm đến Đại lộ Đông Tây đã có gần 10 chiếc diều mắc trên cột điện

 

Với điều kiện thời tiết đặc thù như mưa, không khí ẩm, khi diều mắc vào dây điện cũng có thể gây ra phóng điện, nguy hiểm cho người chơi diều. Dù tại TPHCM chưa xảy ra tai nạn chết người nào như trên, nhưng tai nạn như thế tại các tỉnh thành lân cận cũng không hiếm.

 

Trong khi đó, người dân vẫn không ý thức được nguy hiểm, phong trào chơi diều vẫn phát triển rầm rộ. Các bãi diều vẫn phát triển ngày càng sát nội thành, ngay các khu vực dân cư đông đúc như khu bờ kênh gần cửa xả ngăn triều Bình Triệu (gần Bến xe Miền Đông). Khu vực Đại lộ Đông Tây, chân cầu Phú Mỹ chưa đi vào hoạt động cũng đã lác đác có người thả diều bất chấp những hiểm nguy luôn rình rập.

  

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm