1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nỗi lo trạm thu phí “bao vây” TPHCM

(Dân trí) - Ngày 1/4, trạm thu phí cầu Phú Mỹ chính thức đi vào hoạt động, dự kiến đầu năm 2011, trạm thu phí Đại lộ Đông Tây cũng bắt đầu “làm việc”. Điều này đang dấy lên lo ngại “vòng vây” các trạm thu phí giao thông đường bộ quanh TPHCM.

Nỗi lo trạm thu phí “bao vây” TPHCM - 1
Trạm thu phí trên địa bàn TP ngày càng nhiều theo các dự án đầu tư dạng BOT.
 
Tất cả các ngõ vào TPHCM đã có trạm thu phí
 
Hiện TPHCM có 5 trạm thu phí giao thông đường bộ. Đây là con số không nhiều đối với 1 thành phố lớn với 7 triệu dân nhưng 5 trạm này đều được các nhà đầu tư “tính toán” lựa chọn đặt ngay các cửa ngõ TP nên hầu như bất cứ xe vận tải nào đến TP đều bị đóng phí, không thể “trốn” đi đâu được.

Chẳng hạn, cửa ngõ phía Đông Bắc có trạm Xa lộ Hà Nội (XLHN). Hầu như tất cả xe tải từ các tỉnh vào TP; dòng xe của người dân đi làm hàng ngày từ quận 9, Thủ Đức đều phải qua trạm này. Do đó, lưu lượng xe qua trạm (không kể xe hai bánh) hàng ngày lên đến hàng trăm ngàn chiếc, doanh thu thu phí hàng năm trên 130 tỷ đồng.

Muốn né trạm XLHN, vào trung tâm TP bằng cửa ngõ phía Bắc thì cũng “đụng” trạm thu phí cầu Bình Triệu 2. Nếu muốn tránh luôn trạm này thì tài xế phải chạy thêm 20km về phía cửa ngõ Tây Bắc, “lợi bất cập hại” tiền xăng so với phí, do đó chẳng xe nào lựa chọn việc “trốn” phí.

Tương tự, các xe từ TP về miền Tây cũng không có con đường nào để “né” phí. Vì tất cả các tuyến đường chính về miền Tây đều bị “phong tỏa”. Theo quốc lộ 1A thì “dính” trạm thu phí An Sương - An Lạc, theo đường Kinh Dương Vương thì “đụng” trạm Kinh Dương Vương - Hùng Vương nối dài, theo đường Nguyễn Văn Linh thì cũng gặp trạm thu phí ở khoảng giữa con đường này.

Một tài xế xe tải 1,5 tấn chuyên chở thuê ở quận Thủ Đức cho biết: Hồi trước khi qua trạm XLHN nhiều lái xe tìm đường nhỏ để né phí ở ngã ba gần trạm nhưng chỉ 1 tháng đoạn này đã bị bít lại. “Cước vận chuyển được chủ thuê khoán một cục nên càng nhiều trạm thu phí thì cánh lái xe tải càng thêm vất vả” - Tài xế này cho biết thêm.
 
“Vòng vây” vẫn ngày càng chặt hơn

Đó mới là tình hình hiện tại vì tương lai mạng lưới thu phí sẽ càng dày đặc hơn. Đặc biệt là tuyến nối miền Đông - miền Tây theo hàng lang phía Đông TP, nơi tập trung hầu hết các kho, cảng hàng hóa lớn.

Tuyến này có 2 đường chính để liên thông giữa miền Đông và miền Tây là: XLHN - Nguyễn Hữu Cảnh - Tôn Đức Thắng - Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Văn Linh - QL1A; hoặc XLHN - liên tỉnh lộ 25B - cầu Phú Mỹ - Nguyễn Văn Linh - QL1A.

Trước đây, khi đi qua cả hai tuyến đường này thì các xe đều phải đóng phí 2 lần cho trạm XLHN và trạm Nguyễn Văn Linh. Từ ngày 1/4, các xe đi theo đường thứ 2 dù đỡ kẹt xe hơn nhưng phải đóng thêm phí cho trạm cầu Phú Mỹ. Trong khi đó, trạm XLHN đã thu phí 20 năm nay vẫn còn đó, phải 50 năm nữa mới dẹp.

Đó là chưa kể, khi Đại lộ Đông Tây hoàn tất, tuyến nối miền Đông - miền Tây sẽ có thêm một đường chính để đi, giúp giao thông thuận tiện hơn. Nhưng đồng thời cũng có thêm 1 trạm thu phí mới án ngữ.

Theo ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, hiện có quá nhiều trạm thu phí giao thông bố trí gần nhau là không hợp lý. Ông giải thích: “Theo quy định của Bộ Tài chính tại thông tư 90/2004/TT-BTC ban hành ngày 7/9/2004, các trạm thu phí phải cách nhau tối thiểu 70km, song thực tế các trạm cách nhau chỉ 30 - 40km”.

Tình trạng bất hợp lý này ngay cả chủ đầu tư công trình theo hình thức BOT (có quyền thu phí để thu hồi vốn) cũng nhận ra. Ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc Công ty CP BOT cầu Phú Mỹ (đơn vị thu phí cầu Phú Mỹ) cũng từng có ý định bán quyền thu phí cầu Phú Mỹ hoặc mua quyền thu phí tại trạm XLHN hiện nay để gom việc thu phí cho hai công trình về một địa điểm. Nhưng đến nay, ý định đó vẫn chưa có tiến triển gì.

Tùng Nguyên