Nghệ An:

Nỗi lo sông “ngoạm” đồng

(Dân trí) - Từng mét đất bị nước cuốn trôi, lòng sông ngày càng rộng ra trong khi đó đất sản xuất bị thu hẹp lại. Hàng chục hộ dân đang đứng trước nguy cơ mất đất sản xuất, mất đất ở khi sông vẫn tiếp tục “ngoạm” sâu vào bờ.

Hàng chục km bờ sông đang bị sạt lở khiến diện tích đất sản xuất cùa người dân bị thu hẹp lại.
Hàng chục km bờ sông đang bị sạt lở khiến diện tích đất sản xuất cùa người dân bị thu hẹp lại.

Mấy năm gần đây hàng chục hộ dân bản Lè (xã Châu Quang, Quỳ Hợp, Nghệ An) đứng ngồi không yên trước nguy cơ bị “ly nông” ngay trên quê mình. Không phải bà con tìm được hướng đi mới cho phát triển kinh tế mà do diện tích đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp hoặc bị cát vùi lấp không thể sản xuất được. Dòng sông Nậm Tôn trước là nguồn sống của bà con thì nay đang trở thành “tội đồ” khi mỗi năm lại “ngoạm” một phần đất trồng lúa của người dân nơi đây

Gia đình anh Lữ Văn Lý (SN 1965, trú bản Lè) trước có 5 sào lúa, hai vợ chồng làm thuê làm mướn cũng đủ ăn. Nhưng năm qua năm, diện tích trồng lúa ngày càng bị thu hẹp lại, đến nay hai vợ chồng anh chỉ còn 2 sào đất. Trước hai vợ chồng anh Lý cũng cố sắm cái máy tuốt lúa liên hoàn để phục vụ bà con nhưng giờ cũng phải trùm bạt lại bởi nhiều hàng xóm của anh không còn trồng lúa hoặc trồng diện tích ít, không bõ tiền thuê tuốt.

“Trước đây đất màu mỡ lắm, trồng lúa cũng được năm mấy tạ. Nhưng giờ số thì bị lở xuống sông, số thì bị cát lấp không trồng được lúa mà phải chuyển sang trồng ngô. Mang tiếng là dân nông nghiệp mà phải đong lúa để ăn. Sợ rằng vài năm nữa “ngoạm” hết đồng, nó (sông Nậm Tôn – PV) lở vào tận vườn nhà mất thôi”, anh Lý cho biết.

Số khác lại bị cát bồi lấp không thể trồng lúa mà phải chuyển qua trồng ngô.
Số khác lại bị cát bồi lấp không thể trồng lúa mà phải chuyển qua trồng ngô.

Bà Lữ Thị Hương cũng đứng ngồi không yên khi lòng sông ngày càng mở rộng, “lấn” hết vào vườn. Không khỏi lo lắng, bà Hương cho biết: “Trước đây nhà tôi cách bờ sông cả trăm mét nhưng mỗi năm bờ sông cứ lở thêm một một ít, giờ thì lở vào tận vườn rồi, sợ vài năm nữa kéo cả nhà xuống sông. Không hiểu sao mấy năm gần đây tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng nghiêm trọng. Vào mùa lũ, cứ sau mỗi trận mưa lớn lại thấy sông lấn vào bờ cả thước”.

Trước tình trạng sông “nuốt” đồng, lấn vào làng, cơ quan chức năng đã có kế hoạch di dời, tái định cư cho người dân yên tâm sinh sống. Tuy nhiên khi triển khai thì không nhận được sự đồng thuận của người dân do chi phí hỗ trợ quá thấp. Anh Lý cho biết: “Nhà tôi 3 gian kiên cố, mới xây dựng xong nhưng khi di dời chỉ được hỗ trợ 20 triệu đồng. Ở đây thì lo mà từng đó tiền thì không đủ để để thuê dỡ nhà và chở đi đến nơi mới. Mà có đồng ý chuyển cũng chưa biết chuyển đi đâu”.

Toàn huyện Quỳ Hợp có tổng chiều dài 46,5km bờ sông; gồm sông Dinh và các nhánh sông Nậm Chỏng, Nậm Tôn, Huổi Tiềm chảy qua các xã Châu Thành, Châu Cường, Châu Quang, Châu Thái. Do ảnh hưởng của mưa lũ nên có đến 24,4km bờ sông bị sạt lở, ảnh hưởng tới 490 hộ dân và 55,7ha đất sản xuất, đất ở.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp, do ảnh hưởng của sạt lở bờ sông Nậm Tôn và sông Dinh, có 94 hộ dân thuộc diện phải di dời đến nơi ở mới. Tuy nhiên, do khó khăn từ nhiều phía nên việc di dời các hộ dân này đến nay vẫn chưa thực hiện được. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Ngọc Bình – Cán bộ Phòng Nông nghiệp huyện Quỳ Hợp cho biết: “Chi phí hỗ trợ mỗi hộ dân thuộc diện di dời 20 triệu đồng là căn cứ theo Quyết định 1776 của Chính phủ. Hiện tại do khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng vẫn chưa có nên người dân chưa di dời được”.

Bên cạnh mất đất sản xuất, ông Lý đang đứng trước nỗi lo sạt lở vào vườn nhà.

Bên cạnh mất đất sản xuất, ông Lý đang đứng trước nỗi lo sạt lở vào vườn nhà.

Chưa đáp ứng được cơ sở hạ tầng tại nơi tái định cư, kinh phí hỗ trợ thấp nên dân chưa đồng ý di dời, bởi vậy chính quyền huyện Quỳ Hợp đang tính đến phương án đầu tư xây bờ kè, ngăn sông sạt lở vào sâu hơn. Hiện tại, do không có kinh phí nên địa phương này đã khảo sát và quyết định lựa chọn một số điểm có nguy cơ sạt lở cao trong số 22km sạt lở hai bên bờ sông Nậm Tôn và sông Dinh để làm bờ kè. “Ngoài ra, chúng tôi đang huy động người dân đóng cọc, trồng tre để hạn chế sạt lở tại các khu vực trọng yếu”, ông Bình cho biết thêm.

Trong khi chính quyền khó khăn về kinh phí triển khai phương án di dời, tái định cư cho các hộ dân thì người dân vẫn phải “nhắm mắt” sống chung với sạt lở. Đất sản xuất bị thu hẹp, đất ở bị đe dọa, hàng chục hộ dân đang ở trong tình trạng đi không nỡ, ở không xong.

Hoàng Lam