1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nỗi lo hoa Tết ở đồng bằng sông Cửu Long

Mỗi năm khi gió bấc kéo về se lạnh cũng là lúc các làng hoa kiểng ở ĐBSCL tất bật vào vụ hoa tết, vụ làm ăn chủ lực trong năm. Nhưng năm nay những lo toan hiện rõ trên gương mặt những nông dân khi hoa mất mùa nặng nề vì thời tiết diễn biến bất lợi.

Mất mùa vì thời tiết

 

Đến Chợ Lách, những ngày này đi đâu cũng thấy hoa kiểng, hoa trồng quanh nhà- hoa khắp các cánh đồng- hoa tràn ra sát tỉnh lộ… Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra không vui vì năm nay tỷ lệ hoa thiệt hại khá cao.

 

Anh Nguyễn Văn Đặng, chủ vườn cúc mâm xôi rộng 3 công ở xã Vĩnh Thành chua chát: “Mưa kéo dài khiến cúc không làm bông được, mấy tháng nay tôi ngắt đọt 5- 6 lần nhưng hổng ăn thua gì. Tình hình này, chắc chắn cúc sẽ nở muộn, Tết này biết lấy cúc đâu mà bán?”.

 

Ngoài nỗi lo nở muộn, thì vườn cúc mâm xôi của anh Đặng đang đối mặt với tình trạng bệnh “vàng lá chân” làm khô héo hàng loạt. Những chậu cúc bị vàng lá, không phát triển được, thân cây èo uột, tàn co lại và tỷ lệ đơm bông rất thấp. Nhiều vườn lân cận cũng tương tự, có hộ tỷ lệ thiệt hại lên đến hàng ngàn chậu.

 

Chị Lê Thị Lan, xã Long Thới lo lắng: “Cả nhà sống nhờ vườn cúc trên 900 chậu, vậy mà cây bệnh chiếm gần 1/3. Tiền phân thuốc, nhân công… đổ vào bạc triệu, trị mãi không dứt; cúc xấu thế này, trúng chợ mới mong gỡ vốn, còn rớt giá coi như lỗ trắng”.

 

Tại làng hoa kiểng Sa Đéc, nhiều người cũng canh cánh âu lo. Ông Nguyễn Quốc Việt, chủ vườn mai rộng 2,5 công ở phường Tân Qui Đông nói: “Mấy tháng nay tôi tập trung o bế 2.000 gốc mai Tết. Mai nhỏ lớn gì cũng có, giá từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng/mỗi cây. Tất cả đang áp dụng quy trình chặt chẽ như tưới nước, cắt cành, thay đất… Dù vậy, trồng mai năm nay rất khó khăn do thời tiết thay đổi thất thường, nhất là mưa nhiều sẽ dẫn đến tình trạng chết cây và ảnh hưởng mai ra hoa”.

 

Hiện tại, những hộ trồng mai khắc phục bằng cách hạn chế bón phân hóa học và giảm xịt thuốc. Điều này dẫn đến cây không xanh tốt nhưng hạn chế được thiệt hại. Mặt khác, theo dõi thường xuyên mai ra nụ để chủ động lặt lá, lấy bông ngay Tết. Tuy nhiên, ai cũng lo tỷ lệ ra hoa năm nay sẽ không đạt.

 

Nghịch lý... làng hoa

 

Mấy năm gần đây, diện tích trồng hoa kiểng ở ĐBSCL tăng vọt. Tại làng hoa kiểng Sa Đéc hiện có 177 ha, sản lượng trên 10 triệu chậu các loại; bình quân mỗi năm tăng 10 ha. Ở Chợ Lách có 100 ha hoa kiểng, kế hoạch đến năm 2010 tăng lên gấp đôi. Các nơi khác, người dân mở rộng diện tích trồng hoa. Trong khi diện tích tăng thì giá hoa kiểng lại giảm.

 

Anh Lê Văn Tài, làng hoa kiểng Sa Đéc nhìn nhận: “Nghề trồng hoa Tết bây giờ khó ăn lắm, lơ mơ là lỗ nặng- bán đất như chơi. Chú nghĩ coi, năm nay giá vật tư, chậu, phân hữu cơ, bọc ni-lông… đều tăng cao, nhưng giá hoa thì ngược lại. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa đã đến Tết mà giá sứ 1 năm tuổi chỉ 15.000 - 20.000 đồng/chậu; mười giờ Thái có 1.500 đồng/chậu; mười giờ Úc 2.000 đồng; hồng 3.000 đồng; cúc Đài Loan 5.000 đồng; châm ổi 1.000 đồng; thu hải đường 2.000 đồng… bình quân giảm khoảng 500 đồng/chậu so với năm ngoái. Riêng sứ và mười giờ Úc sụt 5.000 - 8.000 đồng/chậu…”.

 

Hoa mất giá, dẫn đến thu nhập giảm mạnh. Nếu như trước đây, 1 ha hoa kiểng cho thu nhập vài trăm triệu đồng, nay ai trồng giỏi chỉ được 100 triệu đồng/ha/năm; trung bình 30 – 50 triệu đồng/ha.

 

Chị Huỳnh Thị Lan, ở làng hoa kiểng Sa Đéc thở dài: “Dân làng hoa trót vương cái nghiệp vào thân thì cố phải theo, chớ nghề trồng hoa thì bạc bẽo lắm. Như tui nè, trồng 7.000 chậu hoa Tết phải vay nợ gần 30 triệu đồng, chờ đến ngày giáp Tết, mẹ con chia ra tứ phía, thậm chí ra tận miền Trung để bán. Năm nào hút hàng cũng hết ngày 30 Tết mới xong, còn ế thì sang mùng 1 Tết, nhà cửa bỏ thí đâu ai lo chuyện vui xuân”.

 

Ông Lê Phước Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách bức xúc: “Hiện tại, sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ không tập trung. Đến nay, chưa xây dựng được thương hiệu và thiếu hẳn những doanh nghiệp lớn đứng làm đầu mối mở thị trường tiêu thụ… Những yếu kém này, tới đây phải khắc phục thì làng hoa mới phát triển được”.

 

Nhiều người cho rằng, những làng hoa kiểng ở ĐBSCL hiện nay chưa tương xứng với tiếng tăm vốn có, thậm chí đang thụt lùi về công nghệ, giống, tay nghề… Tuy nhiên, các ngành chức năng thiếu sự quan tâm đầu tư đúng mức, còn người dân thì mạnh ai nấy “trồng hoa kiếm sống theo mùa”.

 

Tại Chợ Lách, có ông Nguyễn Văn Công, chủ động tìm hướng đi cho mình. Ông mạnh dạn đầu tư trồng kiểng thú như rồng, nai, hươu, khủng long, voi… nhất là kiểng uốn nắn hình 12 con giáp rất đẹp, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện tại, ông đang làm 90 chú chó ngộ nghĩnh bán vào dịp Tết Bính Tuất, với giá 750.000 đồng/ con cao 1,5 mét. Xuân năm ngoái, 80 con gà bán trong nháy mắt hết sạch. Ông Công cho rằng: “Kiểng thú được làm bằng cây si sử dụng lâu dài không chết. Đây là mặt hàng mới bán rất chạy, không sợ ế…!”.

 

Theo Huỳnh Phước Lợi
Sài Gòn Giải Phóng