Khánh Hòa:
Nỗi khổ của cư dân Mường Thanh Viễn Triều
(Dân trí) - Tổ hợp Mường Thanh Viễn Triều là căn hộ du lịch, không phải chung cư nhưng chủ đầu tư đã bán cho nhiều hộ dân vào ở. Từ đó, cư dân phải sử dụng giá dịch vụ đắt đỏ, không được đăng ký hộ khẩu, tạm trú.
Tòa nhà xảy ra cháy từng bị đình chỉ hoạt động
Ngày 19/12, một lãnh đạo Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn cứu hộ (CNCH) Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết lực lượng chức năng đang điều tra nguyên nhân vụ cháy xảy ra ở căn hộ tầng 25 thuộc tòa nhà OC3, tổ hợp căn hộ và khách sạn Mường Thanh Viễn Triều (phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang).
Căn hộ trên bị cháy vào đêm 17/12 gây náo loạn cả tòa nhà 40 tầng. Sau gần 2 giờ đồng hồ, đám cháy được lực lượng chức năng dập tắt, rất may không gây thiệt hại về người.
Tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Mường Thanh Viễn Triều gồm 4 tòa nhà cao 40 tầng và một khách sạn.
Riêng tòa nhà OC3 vào năm 2021 đã bị đình chỉ hoạt động do vi phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định về PCCC theo quy định pháp luật.
"Vừa qua, tòa nhà OC3 đã được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH Bộ Công an nghiệm thu về công tác PCCC, tuy nhiên chưa bàn giao hồ sơ về Công an tỉnh Khánh Hòa", vị lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC cho hay.
Tổ hợp Mường Thanh Viễn Triều không phải chung cư
Theo hồ sơ, khu đất rộng hơn 22.000m2 ở Bãi Dương (hiện trạng là tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Mường Thanh Viễn Triều) trước đây thuộc Nhà nghỉ Tỉnh ủy Khánh Hòa.
Sau đó, tỉnh Khánh Hòa điều chỉnh quy hoạch, đến năm 2012, giao cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thiên Triều thực hiện dự án bất động sản. Sau nhiều lần đổi tên, nay được gọi là tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Mường Thanh Viễn Triều.
Đến năm 2014, dự án này được chuyển sang Công ty Cổ phần Đầu tư Viễn Triều Nha Trang và cuối cùng sáp nhập vào tập đoàn Mường Thanh.
Toàn bộ khu đất là đất thương mại, dịch vụ (không phải đất ở) được thuê trong vòng 47 năm (từ 2015 đến 2062) với giá thuê hơn 9,2 triệu đồng/m2, mục đích xây căn hộ cao cấp và khách sạn.
Theo giấy phép xây dựng đã cấp, dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Mường Thanh Viễn Triều sẽ gồm 5 tòa nhà cao tầng, có tổng cộng khoảng 2.500 căn hộ du lịch và khách sạn, không phải là chung cư.
Một văn bản của Sở Xây Dựng vào cuối năm 2019 cũng nêu rõ, 5 tòa nhà của tập đoàn Mường Thanh tại Bãi Dương (Nha Trang) là dự án bất động sản du lịch.
"Bất động sản du lịch không phải là nhà ở, không được điều chỉnh bởi luật đất đai năm 2014", văn bản này nêu.
Dân khổ sở khi ở "khu chung cư" nhưng không phải chung cư
Anh T., một cư dân sống tại tổ hợp Mường Thanh Viễn Triều, cho biết gia đình anh mua một căn hộ tại khối nhà OC2 rộng gần 60m2, với giá 1,45 tỷ đồng vào năm 2018.
"Hợp đồng mua, bán đều thể hiện đây là căn hộ để ở/lưu trú, không có nội dung nào liên quan đến căn hộ du lịch hay condotel. Nếu biết condotel, người dân không dại gì mua", anh T. nói.
Ngoài ra, trong điều khoản hợp đồng có nội dung: "Hỗ trợ bên B (người mua - PV) làm thủ tục theo quy định để cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ cho bên B theo quy định", điều khoản hợp đồng ký giữa khách và Công ty CP tập đoàn Mường Thanh thể hiện.
Theo cư dân sống tại Mường Thanh Viễn Triều, mặc dù các điều khoản đều thể hiện căn hộ mua để ở và được cấp quyền sở hữu, tuy nhiên 5 năm trôi qua, người dân vẫn chưa nhận được bất kỳ giấy tờ nào liên quan đến "quyền sở hữu" mà trong hợp đồng đã nêu.
Không có quyền sở hữu, lại là loại hình căn hộ du lịch nên người dân muốn thực hiện các quyền cư trú để có cơ sở hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước như y tế, giáo dục, an sinh đều khó khăn.
"Bỏ tiền ra mua nhà mà chúng tôi không khác gì người vô gia cư. Muốn đăng ký hộ khẩu, tạm trú đều không được. Như tôi muốn mua một thẻ bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh phải vào nơi ở trước đây là TPHCM để đăng ký. Còn nhà có con em đến trường phải chạy hộ khẩu, tạm trú mới đi học được", ông T. bức xúc nói.
Ngoài ra, vì là căn hộ du lịch nên người dân phải đóng tiền nước trên 16.000 đồng/m3 gấp 2, 3 lần so với giá nước sinh hoạt hộ gia đình.
Ông Q., sống tại tòa nhà OC1, cũng thừa nhận việc không được đăng ký hộ khẩu, tạm trú, người dân mất đi quyền lợi vốn phải được hưởng.
Văn bản của TP Nha Trang ban hành tháng 11 vừa qua, một lần nữa, khẳng định Mường Thanh Viễn Triều không phải là chung cư. Từ đó, các tòa nhà không được thành lập ban quản trị, chỉ sử dụng căn hộ để lưu trú, nghỉ dưỡng.
Văn bản này cũng cho biết, dự án của tập đoàn Mường Thanh ở Bãi Dương là dự án cấp I được Sở Xây dựng cấp phép, đến nay chưa được cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác nghiệm thu hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng.
9 cựu lãnh đạo Khánh Hòa bị đề nghị truy tố do sai phạm liên quan Mường Thanh Viễn Triều
Kết luận điều tra đã chỉ ra 5 sai phạm tại dự án Mường Thanh Viễn Triều gồm các sai phạm trong cấp phép đầu tư, phê duyệt quy hoạch, công tác giao đất, xác định giá đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Các sai phạm trên đã làm thất thoát tài sản nhà nước tại thời điểm tháng 10/2015 là hơn 5,6 tỷ đồng.
Người có chức vụ từng giữ cao nhất bị đề nghị truy tố là ông Nguyễn Chiến Thắng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa; 8 bị can còn lại là cấp dưới của ông Thắng.