1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nơi “Hạnh Phúc” chỉ có ở tên gọi

Một cán bộ tâm huyết của tỉnh Cao Bằng, khi cùng tôi đến thăm cộng đồng người điên ở xã Hạnh Phúc, huyện Quảng Uyên, chị đã khóc, thở dài rồi choáng váng. Oái oăm thay, tên xã miền núi này là Hạnh Phúc, thiên nhiên quá đẹp giữa núi non xanh thắm, núi lại núi cùng vút lên vạm vỡ với các cung đường đèo thật dễ đắm say; nhưng những người tâm thần ở đây lại quá đông và quá bất hạnh.

Hơn 20 người điên bị xích, nhốt, trần truồng hò hét trong một xã, con số mang tính kỷ lục ở cả nước Việt Nam. Ai đó bảo, họ điên là bởi ông trời, bởi số phận; nhưng cái cách họ bất hạnh và bị xiềng xích không mảnh vải che thân rồi gây bao hãi hùng này thì không gì có thể ngụy biện nổi. Thật quá bất nhẫn. Chị bạn tôi thở dài: Nếu không thay đổi cách ứng xử, thì nơi này, Hạnh Phúc chỉ có ở trong tên gọi mà thôi.

Tận mắt thấy những thảm cảnh khó tin

Khi làm việc với chúng tôi, Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Phúc, ông Đàm Chiến Hữu, đúng như tên gọi, đã rất hào hiệp và cởi mở. Suốt nhiều năm người đàn ông Tày này trăn trở với nỗi đau bệnh “điên” tai quái của bà con mình và ông cũng chẳng giấu diếm gì những hệ lụy mà lắm người quy vào loại “tai tiếng” cần giấu kín ở địa phương.

Ông Hữu bảo: Cứ để hơn 20 người tâm thần sống chung trong cộng đồng thôn bản cùng lúc như thế này sợ lắm. Nhiều vụ người thân bị bệnh nhân tâm thần giết chết khi đang hết lòng chăm sóc anh ta. Như anh Vi Văn Thành: Sau khi lên cơn cuồng nộ dùng chày đập chết vợ, anh ta bị gia đình xích chân lại, thả vào một căn nhà sàn ọp ẹp tách biệt ngoài góc vườn hoang. Gần hai chục năm qua, anh ta vẫn điên rồ, lải nhải, chửi bới, đập phá khiến gia đình và bản làng bao phen sợ mất mật.

Đàm Văn Tài, nhà ngay gần ủy ban xã, đẹp trai, khỏe mạnh, phát bệnh tâm thần lúc nào chẳng ai hay. Thú tính nổi lên, anh ta chặn đường dùng dao, dùng gậy giết chết người trưởng xóm. Công an bắt, đi giám định thì Tài bị tâm thần thể nặng. Anh ta cười hỉ hả múa võ đi vào trại tạm giam rồi được thả đi chữa bệnh, thế là hết chuyện.

Chúng tôi từng gặp Tài trong những lần vào thăm khu vực quản lý người tâm thần ngoài Thành phố Cao Bằng. Tài múa võ duỳnh duỵch, đấm đá lung lay cả bờ tường “buồng cách ly” suốt ngày khiến cán bộ quản lý cũng thất điên bát đảo. Hết tìm cách tán tỉnh trêu ghẹo phụ nữ, anh ta lại đi nhặt dây thừng, vải vụn về làm các hình nộm, chăng dây tứ phía để múa võ. Một mình bị “biệt giam” một phòng, Tài vẫn leo lên cửa sổ, thò chân ra bật các công tắc điện ở hành lang để trêu ghẹo, cợt nhả với cán bộ nữ. Tài thường quỳ lạy bất cứ ai mà anh ta trông thấy, rồi nhặt đất đá, cúc áo, rác rưởi, kính cẩn dâng lên họ, nói rằng “con xin được tặng ông bà vàng bạc châu báu”...

Ông Đàm Chiến Hữu bảo, tôi cho cán bộ đưa nhà báo về các bản mà... thăm người điên. Toàn những hoàn cảnh không tài nào tưởng tượng nổi đâu. Vừa đến đầu sàn nhà ông cụ Đàm Văn Ky, mùi xú uế đã bốc lên kinh khủng. Tiếng hát khê đục, tiếng chửi tục tĩu ngân nga. Hát hay chửi, cứ đều đều mà diễn, hai mươi năm nay, cứ đều đều thế, bà con trong xóm Bó Huy đã quen cả rồi. Riêng có nỗi đau thì ở với nó mãi chẳng ai quen nổi. Chưa kể chuyện, ông Ky (gần 80 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Bảy đã nhất tề khóc ngặt. Đấy, chúng tôi già quá, không đè được nó ra mà trói vào để cắt tóc cắt râu cho nó được. Giờ tóc và râu dài, hàng nghìn ngày qua nó lột bỏ quần, cứ ngồi nồng nỗng thế. Mà chân nó bị xích thì cũng chẳng biết xỏ ống quần vào chỗ nào mà mặc. Thế là gã đàn ông 46 tuổi với 20 năm bị xích cứ ngồi trên nhà sàn mà phóng uế xuống dưới, khỏi phải cởi quần khi đi vệ sinh.

Đàm Văn Phi ngày trước khỏe mạnh và đẹp trai có tiếng trong xã Hạnh Phúc. Anh ta còn theo cán bộ đi triệt phá nương thuốc phiện của kẻ xấu. Ông Ky bảo, Phi phá dính đám thuốc phiện bị người ta yểm bùa nên phát điên. Phi thì bảo, vì người nước ngoài có thù hận với anh ta, trong khi anh ta yêu thương cả thế giới này. Chẳng biết yêu thương ở đâu, nhưng cơn lên, Phi đâm thủng bụng ông chú ruột, bố mẹ già gần đất xa trời cơm bưng nước rót, hót dọn phân nước tiểu cho Phi 20 năm qua, Phi cũng đánh tất. Vác cả xích sắt quật người thân. Ông Ky khảng khái, không ai quản lý thế này, chắc chắn Phi sẽ giết người, vì nó “quyền võ” và hung hãn vô cùng.


Đàm Văn Phi bị xích đã gần 20 năm.

Đàm Văn Phi bị xích đã gần 20 năm.

Anh ta nói lảm nhảm chuyện Tây Tàu, gì cũng làu thông như “giáo sư biết tuốt”, nhưng nghe kỹ, chuyện của Phi lặp lại như cái máy, môi miệng và cơ thể anh run bần bật như lên cơn động kinh. Một bức ảnh panorama (ảnh toàn cảnh) chụp gia đình Phi đã ám ảnh chúng tôi rất nhiều: Bố mẹ già ngồi bên đống vỏ ngô mục, ngơ ngác, tuyệt vọng mong “nhà nước đem thằng bé đi, cho nó ăn uống và tháo xích cho nó sống làm người”; Phi thì ở truồng, râu tóc lõa xõa bạc; mái và vách nhà gỗ bốn bề hổng hoác, sàn nhà vỡ tan hoang, Phi ngồi như làm xiếc trên thanh ván có sợi dây xích sắt hoen gỉ lạnh ngắt.

Bản Nà Luông kế bên, có anh chàng Lý Văn Cải (33 tuổi) còn thảm hơn. Trời nắng to, Cải không một miếng vải che thân. Anh ta nằm thuồi luồi trong góc cái “ổ lợn” được cơi nới bằng gạch ba-banh. Chỉ có mái dốc và hai bức tường chạy song song. Không cửa, cổng. Không giường chiếu. Bà mẹ già kê vài viên gạch, bắc ván gỗ mục cho Cải nằm.

Thấy người lạ đến trao quà, bà Ma Thị Dính, tuổi ngoại thất thập, vội vơ một miếng chăn bông cáu bẩn, quánh kịt mồ hôi và phân gà, đắp lên cho Cải. Cải vẫn cười hiền, anh ta giả vờ ngủ, hé mắt nhìn khách một cách rất nhí nhảnh. Hơn mười năm trước, tự dưng Cải phát điên, cứ ở truồng đi lang thang hết xã nọ đến huyện kia. Cu cậu hiếu động toàn bị người ta đánh, có lần thập tử nhất sinh. Cải không đánh người, nhưng thả xích ra là anh ta đi mất luôn. Trong cái góc tệ hơn cả chuồng gà chuồng lợn ấy, lũ gà cứ trèo nhem nhẻm lên đầu, lên mặt, lên tấm chăn mốc xì Cải đang đắp. Lũ gà chui lích rích dưới các tấm ván kê bẩn thỉu để tìm giun, gián, sâu bọ. Bốn bề phân gà, Cải chơi với gà, dường như anh ta không biết mình là người.

Bữa đến, qua một cái lỗ to bằng đĩa Tây, bà Dính đưa thức ăn từ nhà ngoài vào cho Cải. Vách nhà bằng tre đắp đất, trộn rơm. Lỗ mới khoét lăm răm lồm xồm toàn rơm băm rối. Thỉnh thoảng, Cải hú hét vén lũ rơm bám bùn chui cả đầu vào nhà trong mà cười khà khà hít hít. Anh ta hút thuốc lá rồi phả hơi qua lỗ ấy vào trong nhà với vẻ khoái chí khôn tả. Chúng tôi ngồi thăm hỏi, Cải trần truồng dòm qua cái lỗ đó, thỉnh thoảng góp vào một tràng cười man dại như hăm dọa.

Chiều về, tôi chứng kiến bà Ma Thị Dính tháo xích, cưng nựng rủ con trai 33 tuổi ra suối tắm rửa. Hôm nay vừa uống thuốc điều trị bệnh “điên”, nên Cải hạ hỏa. Biết dạ vâng nghe lời. Anh ta nồng nỗng, cầm dây xích dài ngoằng, một đầu xích vẫn bám ở cổ chân, cứ bước thấp bước cao theo mẹ ra suối. Bà Dính cầm một cái chai nước suối cũ, trong đó đựng bột giặt Ô-mô. Bà ngồi xa xa sợ con đánh và dìm mình xuống suối như các trường hợp phát bệnh “điên” từng xảy ra trong xã. Bà rắc bột xà phòng lên đầu và dỗ dành bảo Cải tự gội đầu đi con. Bà cầm miếng giẻ kỳ cọ cho Cải.

“Giá mà nhà nước đem nó đi, chứ tôi già sắp không còn đi lại được nữa, sắp không sống nữa rồi. Ai sẽ chăm con tôi?”, bà Dính khóc. Bà không biết phải làm sao. Bà không muốn con mình như thế này. Nhưng bà không còn cách nào khác. Bà thấp thểnh đi bộ ra trạm y tế xã lấy thuốc cho con uống. Có thuốc thì Cải bớt phá. Gần đây thuốc không chuyển về trạm, mà phải mất hai chục cây lên huyện lấy. Bà chịu không đi nổi nữa. Thế là Cải lại lên cơn.

Phản nhân văn

Đáng buốt lòng hơn, ở xóm Bản Hoản, nhà ông Vi Văn Lợi còn cùng lúc phải trói, xích, hầu hạ hai người con điên dại. Vi Thị Át tuổi ngoài ba mươi, dung nhan rất khá, vậy mà lên cơn điên thì không giống con người tí nào. Nó đánh người đã sợ, nó ở truồng đi suốt đêm ngày ngoài đường còn đáng sợ hơn. Nhãn tiền, nhiều nữ bệnh nhân điên ở Cao Bằng này, họ đã đẻ trong vô thức, khi khai hoa nở nhụy vẫn chỉ vào con mình đang khóc mà bảo đó là giun. Vi Văn Đôn, anh trai Át, cũng tầm tuổi ấy và cũng bị bệnh ấy. Căn nhà của ông Lợi nó còn bẩn hơn, mục nát hơn cả một cái nhà hoang. Hơn cả một cái bãi rác.

Nhà bên suối rất rộng. Nhưng cột và sàn mục hết. Mái tan hoang vì mưa ẩm, sàn nhà vỡ toang. Ba bố con ông Đôn mỗi người cư ngụ một góc mà nắng mưa không xâm lấn tới. Cô con gái thì ông Lợi xích chân nó vào cột nhà, cậu con trai nhốt ở chỗ xưa kia là cái bếp. Trong nhà treo lủng lẳng vố số đùm túm bằng nilon, bằng vải vụn, bằng gỗ và dao kéo ghỉ mục. Đó là sản phẩm của bao năm tháng hai đứa con ông Lợi điên dại đi nhặt về rồi “chơi đồ hàng” trong mộng mị. Sau giây phút chứng kiến xót xa đó, chúng tôi đã đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc và hiện nay hai người con tâm thần của ông Lợi đã được “bứng” ra trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Cao Bằng.

Đáng sợ hơn, bệnh nhân Vi Văn Thành, sau cơn điên giết chết vợ, nay bị xích, nhốt trong căn nhà sàn gỗ bé xíu ở khu vườn hoang. Anh Thành bảo, “tôi giết vợ là do lúc ấy bị mất tính người rồi, không chấp nữa. Tất cả là do trời xui khiến”. Đổ cho trời tất, anh Thành khoe, mình có sức khỏe kỳ lạ để tấn công người. Trời truyền dạy cái gì, cả thế gian này, bao giờ thì Thành là người đầu tiên tiếp nhận được. Trời cao siêu lắm, Thành cũng cao siêu và anh ta phải giết vợ. Vi Thị Thụy, con gái Thành, ngoài 20 tuổi, đã có chồng con, ước ao: Em chỉ ước bố tỉnh lại, không đánh chửi em nữa. Bố giết mẹ lúc em mới 10 tuổi, và đến nay chưa bao giờ em thấy bố bớt điên dại. Nếu không xích chân tay, bố lại giết người khác.

Thật khó có bút mực nào tả xiết sự thê thiết, rách rưới, hoang mang, tuyệt vọng mà các gia đình có người điên bị nhốt, xích, giết người kia đang phải gánh chịu. Bản thân các nhà báo chúng tôi cũng đã chứng kiến quá nhiều thảm cảnh kiểu này ở Cao Bằng. Hiện nay, nhiều người vẫn đang được chúng tôi gửi nuôi, chữa trị ổn định ở các bệnh viện, trung tâm bảo trợ ở tỉnh và trung ương. Ở đó họ được uống thuốc, nuôi ăn uống, chăm sóc bằng tình người.

TS Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc BV Tâm thần Trung ương 1, người 5 năm qua đã liên tục chăm sóc, chữa trị cho chị Triệu Hà Tiến (nhân vật trong phóng sự: “Mẹ không nhớ đường về nhà” trên Lao Động) và nhiều người khác chúng tôi gửi về, sau khi xem các video người tâm thần ở xã Hạnh Phúc, đau đớn đã thốt lên: Để bà con trần truồng, nhốt xích như thế là quá phản nhân văn. Một xã có hơn 20 người điên đang ở trong cộng đồng và đang trong tình trạng ngoài sức tưởng tượng như thế, chính TS Phương, mấy mươi năm trong nghề, trở thành tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam sang tận Pháp nghiên cứu về trầm cảm, ông Phương cũng không thể nào hình dung nổi.

Theo ông, các bệnh nhân cần được cho uống thuốc đều và đúng, cần những đơn thuốc có hiệu quả. Cần có bảo hiểm y tế và được cấp thuốc theo quy định. Đặc biệt là những người “nguy hiểm”, cần được chăm sóc tại các khoa tâm thần hoặc các trung tâm bảo trợ có chức năng quản lý chữa trị cho người “điên”. Việc tỉnh Cao Bằng để quá nhiều người tâm thần phá phách, giết chóc, tự tàn phá cơ thể mình, có nhiều người trần truồng đi lang thang, nhiều bệnh nhân nữ bị hãm hiếp hoặc lạm dụng sinh con vô thức trên địa bàn... theo điều tra của chúng tôi, là một câu chuyện bất nhẫn và rất không bình thường. Đây không còn là câu chuyện cá biệt nữa.

Như Lao Động đã viết ở các bài trước đây, thậm chí, trung tâm chăm sóc người tâm thần của tỉnh lại quy hoạch nằm chung với trại cai nghiện. Bệnh nhân nữ với bệnh nhân nam nhốt chung khiến họ quan hệ tình dục vô thức và bừa bãi, nhiều người mang thai, cán bộ phải đều đặn cho bệnh nhân nữ uống thuốc tránh thai.

Qua làm việc chính thức với Khoa tâm thần ở BV tỉnh Cao Bằng, chúng tôi được biết: Họ chữa trị rất vất vả, nhiều người điên loạn đến bị nhốt, khống chế trong các căn phòng kiên cố. Nhưng bệnh thuyên giảm thì phải trả họ về cộng đồng. Bệnh viện không có chỗ và cũng không có chức năng “nhốt” người kéo dài như vậy. Gia đình của họ thường là nghèo khó, thuốc được cho uống tắc bụp, được chăng hay chớ. Thuốc được cấp miễn phí, khi uống lại không hiệu quả, bệnh nhân nằm ngủ li bì rồi tỉnh dậy lại phá phách như cũ. Đã đến lúc chúng ta phải xem lại y tế thôn bản và các điều kiện tối thiểu về thuốc thang, điều kiện chăm sóc để người điên không bị tái phát đáng sợ.

Ý kiến của Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Phúc cũng rất sát thực: Bà con quá nghèo, đưa người bệnh đi chữa trị chăm sóc, thì nhà nước cần đài thọ hết. Chứ bắt thân nhân khánh kiệt của người điên xích nhốt hàng chục năm kia bỏ tiền ra, thì họ không dám… ra khỏi bản đâu. Để như hiện nay thì quá nguy hiểm và vô cùng đáng thương.

Tỉnh chưa có trung tâm chăm sóc người tâm thần, các cơ sở “kiêm nhiệm” lo việc này thì đang quá tải. Cánh cửa rời xích sắt, gông cùm và cảnh sống trần truồng cùng gà lợn của bà con bị bệnh tâm thần kia… rất hẹp. Thân nhân người bệnh thì quá nghèo và cũng chẳng biết đến điều gì khác ngoài làm lụng quẩn quanh trong bản làng. Ai sẽ cứu vô số người bệnh tâm thần kia? Cán bộ địa phương ở đâu, nếu họ bất lực thì họ có thể cấp báo đề nghị lên cấp trên chứ. Tại sao các tỉnh làm tốt điều này, mà Cao Bằng lại bỏ bẵng?

TS Tô Thanh Phương nói rất chí lý. Quá nhiều bệnh nhân tâm thần ở Cao Bằng đã được các nhà báo tháo gông cùm xích sắt sau hàng nghìn ngày tàn lụi vì bị nuôi nhốt rồi đưa đi chữa trị. Hầu hết bà con đã khỏi bệnh trở về. Nếu chúng ta cứ bỏ mặc người bệnh, khi họ giết người khác hoặc tự giết họ, khi họ lâm vào thảm cảnh buốt lòng, thì lỗi và nỗi đau ấy sẽ luôn thuộc về người tỉnh.

Rời Cao Bằng, nếu ai đó hỏi, vì sao một xã có hơn hai mươi người, hơn hai mươi gia đình người đau khổ vì điên loạn, giết chóc, nhốt xích gông cùm… mà lại có tên là Hạnh Phúc, thì tôi còn có thể trả lời được. Chứ ai đó hỏi, vì sao người ta nỡ bỏ mặc đồng loại của mình như thế, thì không tài nào hiểu nổi. Ơn trời, trước khi viết những dòng này, từ kiến nghị của chúng tôi, vài trường hợp đã được “gửi” về các trung tâm của nhà nước để quản lý và chữa trị.

Theo Lăng Quân

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm