1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nỗi hàm oan của “cua trinh nữ” độc nhất vô nhị

Thời gian gần đây, miền quê hẻo lánh thuộc xã Ngọc Sơn (Lạc Sơn, Hòa Bình) bỗng được nhiều người biết đến bởi loài “cua trinh nữ”. Mới chỉ nghe qua tên loại cua này, ai cũng cảm thấy tò mò, muốn tận mắt chiêm ngưỡng.

Nhưng khi lặn lội về tận nơi, chúng tôi mới hay xung quanh loài cua “có một không hai” này tồn tại rất nhiều câu chuyện kỳ lạ và bên cạnh đó, là cả những lời đồn thổi khiến cho người dân nơi đây hoang mang, lo lắng. Để giải mã loại cua lạ, PV đã theo chân “người rừng” đi mục sở thị “đặc sản” của xã Ngọc Sơn.

 
Loại cua “có một không hai”

 

Tìm đến xã Ngọc Sơn, hỏi thăm về loại cua đặc biệt này, chúng tôi được biết, thời điểm này đầu tháng 8, vì trời nắng to nên rất khó bắt “cua trinh nữ”. Thường thì trong một năm, tháng 3, tháng 4 mới thời cơ “vàng” để những người tò mò mục sở thị cua lạ.

 

Thoáng chút thất vọng, nhưng theo chỉ dẫn của một số người dân Ngọc Sơn, chúng tôi vẫn tìm đến nhà anh Bùi Văn Mao (SN 1967, ở xóm Cha, Ngọc Sơn, Lạc Sơn, Hòa Bình), người được mệnh danh là khắc tinh của “cua trinh nữ” của vùng đất xứ Mường này. Do suốt ngày lặn lội chốn thâm u, người dân nơi đây còn gọi anh với cái tên “người rừng”.

 

Ở mảnh đất Lạc Sơn, khi hỏi đến cái tên Mao, người dân biết ngay đến tài nghệ bắt cua điệu nghệ. Hơn 40 tuổi, nhưng tay nghề bắt cua của anh khiến ngay cả những người quanh năm suốt tháng làm bạn với chiếc chum, vó phải thán phục.

 

Ngôi nhà sàn của gia đình anh Mao nằm trên một ngọn đồi. Phải rất vất vả, chúng tôi mới đến được chỗ ở của người đàn ông này. Gặp phóng viên, anh niềm nở đón tiếp và nói về loại cua “độc nhất vô nhị” trên quê hương mình.
 
Cận cảnh “cua trinh nữ”. Ảnh: T.G
Cận cảnh “cua trinh nữ”. Ảnh: T.G

 

Anh Mao cho biết: “Đối với loài cua này, mọi bộ phận trên cơ thể đều trắng đục như sữa. Chính vì thế, người ta gọi là “cua trinh nữ”. Ở Ngọc Sơn, chỉ có ba nơi “cua trinh nữ” xuất hiện đó là rừng Bẩy Mý, rừng Bà Già và Bãi Nhạ. Còn lại, quanh nơi dân cư sinh sống thỉnh thoảng cũng xuất hiện, nhưng số lượng không nhiều”.

 

Cũng theo người đàn ông này, “cua trinh nữ” sống tập trung ở những nơi khô cằn, không hề có sông suối hay gần nguồn nước. Nơi ở của chúng là những cái hang to, có thể luồn cả cánh tay vào được, thường thì những hang này sâu 1 - 2m,  nhưng có hang sâu đến 3 - 4m.

 

Vào tháng ba hoặc tháng tư, người dân mới rầm rộ đi bắt chúng. Bởi thời điểm này, cua chui ra khỏi hang rất nhiều. Khác với cua bình thường, muốn bắt “cua trinh nữ” phải dùng biện pháp câu. Thông thường, con to nhất cũng chỉ nặng chừng một lạng.

 

Anh Mao cho biết thêm, việc câu “cua trinh nữ” khá đơn giản, chỉ cần một cành cây để nhử chúng. Thấy chúng tôi tỏ vẻ chưa tin tưởng, anh Mao lập tức ngỏ ý sẵn sàng dẫn phóng viên đi mục sở thị tài bắt cua của mình.

 

Trước khi đi, anh Mao cười nói với chúng tôi rằng, mùa này tháng 8 nắng nóng nên bắt cua không dễ như hồi tháng 3. Nói rồi, anh Mao thay bộ quần áo màu xanh, dẫn chúng tôi ra Bãi Nhạ, nơi mà người đàn ông này khẳng định có rất nhiều loại cua đặc biệt sinh sống.

 

Trên đường đi, anh Mao giải thích: “Chỉ cần phát hiện ra hang là có thể bắt được loại cua lạ này. Đứng trước hang, mình sẽ dùng cành cây để câu chúng. Nghĩa là, nhìn cành cây rung rung, “cua trinh nữ” sẽ tưởng có con vật khác xâm phạm lãnh thổ của mình.

 

Ngay lập tức, chúng bò ra khiêu chiến. Khi đó mình chỉ cần thò tay ra là bắt được ngay. Một điều lý thú ở loài cua này là khi nó đã ra khỏi hang thì mình dụ nó đến đâu, nó sẽ bò theo đến đó”.  

 
Anh Mao trổ tài bắt cua. Ảnh: T.G
Anh Mao trổ tài bắt cua. Ảnh: T.G
 

Theo chân “người rừng” săn “cua trinh nữ”

 

Theo chân anh Mao, chúng tôi đến cuối rừng Bà Già, nơi được coi là một trong những vựa “cua trinh nữ” của xã Ngọc Sơn. Vừa ra đến nơi, anh đã chỉ cho chúng tôi từng khu vực có nhiều cua trú ngụ. Ở đây có bao nhiêu hang, hốc, anh Mao đều nhớ rõ.

 

Đi vào được một đoạn, khi đến gần một cửa hang nhỏ bằng cổ tay, sâu hun hút, anh Mao quay lại nói:  “Giống cua này vốn sợ người nên các chú cứ đứng ở đây, đến gần quá, tiếng bước chân động là nó sợ, không ra đâu”. Nghe anh nói vậy, chúng tôi lặng lẽ đứng từ xa quan sát. Cách hang “cua trinh nữ” khoảng 10 mét, người viết vẫn có thể tận mắt chứng kiến tài nghệ bắt cua của “người rừng”.

 

Tiếp đó, anh Mao cầm trên tay cành cây làm mồi nhử, nhẹ nhàng bước đến cửa hang, nơi ẩn náu của “cua trinh nữ”. Tay anh cầm cành cây, liên tục đưa đi đưa lại trên miệng hang. Khoảng 5 phút sau, chúng tôi mới thấy một chú cua bò ra. Anh Mao tiếp tục nhử cua ra khỏi hang, vừa ra khỏi hang cách chừng 10 cm, anh nhanh tay vồ lấy con cua đang cố chạy trốn.

 

Chúng tôi thắc mắc, nếu không có nước thì làm sao mà cua có thể sống được, anh Mao giải thích: “Theo tôi đoán thì loài cua này đào hang sâu đến tận nơi có mạch nước ngầm. “Cua trinh nữ” ăn tạp lắm. Từ giun, dế, côn trùng và cả rong rêu nữa”. Tận mắt nhìn thấy anh Mao bắt “cua trinh nữ”, bao hoài nghi của chúng tôi trước đó đã được giải đáp.

 

Anh Mao tiếp tục rón rén vén những luồng cây rậm rạp để tìm những chiếc hang cua mà từ lâu anh đã định vị được trong đầu. Bình thường, anh chỉ mất khoảng 5 phút để có thể bắt được một con cua, nhưng có hang phải nhử đến 15 – 20 phút, cua mới chịu ra.

 

Anh Mao bật mí, nếu muốn câu được nhiều cua trinh nữ, người dân địa phương thường chọn những hôm trời mưa, hang bị ngập nước. Khi đó, cua ngộp thở nên bò lên kiếm ăn rất nhiều. Mùa hè, chúng thường ít ra ngoài, còn mùa mùa đông, chúng lấp miệng hang ngủ nên không ai đi câu cả. Thời điểm thích hợp nhất là vào mùa xuân.

 

Nói rồi anh Mao lại tiếp tục thể hiện tài nghệ của mình. Thấy trời nắng to, chúng tôi đánh ý nói với anh ra về. Anh Mao đi lại một lúc, bắt thêm được vài con nữa rồi mới chịu. Vừa về đến nhà, anh cười lớn bảo: “Với số cua hôm nay bắt được, tôi sẽ cho nhà báo thưởng thức vài món ra trò”.

 

Thực hư lời đồn “cua độc” gây chết người

 

Lấy chiếc gáo dừa dội dòng nước giếng mát lạnh rửa tay, anh Mao tâm sự với chúng tôi rằng, gần đây liên tục xuất hiện tin đồn có người ăn “cua trinh nữ” bị ngộ độc đến tử vong. Chính vì thế, người đi bắt loài cua lạ giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Không ai biết cái tin đồn quái ác kia xuất phát từ đâu nhưng nó khiến người dân trong vùng khiếp sợ.

 

Quá trình tìm hiểu sau đó, chúng tôi phát hiện không chỉ mình anh Mao ấm ức với nỗi bức xúc này. Thực tế, nhiều người dân xã Ngọc Sơn khi nghe được những tin đồn về “cua trinh nữ” của quê hương mình cũng tỏ ra hết sức hoang mang.

 

Ông Bùi Văn Nam, một cao niên trong làng chia sẻ: “Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước, nhưng chưa bao giờ thấy loài cua trinh nữ này xuất hiện ở đâu ngoài Lạc Sơn. Trước đây, cũng có một thời gian người dân đồn rằng ăn loài cua này sẽ bị ngộ độc, thậm chí là tử vong”.

 

Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, chúng tôi đến gặp ông Bùi Văn Dương, Chủ tịch xã Ngọc Sơn. Trao đổi về vấn đề này, ông Dương cho biết: “Việc ăn cua bị ngộ độc chết người chỉ là những lời đồn đoán không có cơ sở. Loại cua trắng ở đây hoàn toàn không có độc.

 

Thực tế, người dân ở đây thỉnh thoảng vẫn bắt cua về ăn và chưa thấy ai có biểu hiện ngộ độc cả. Loại cua trắng hay còn gọi là “cua trinh nữ”, nó gần như cua đồng. Ngày trước, loại cua này nhiều lắm. Bây giờ, một phần do người bắt nhiều, phần nữa do ô nhiễm nên chúng ít dần. Ngoài loại “cua trinh nữ”, ở vùng đất Ngọc Sơn này còn có cua đá sống trên núi”.

 

Thực tế đúng như ông Dương khẳng định, tại xã Ngọc Sơn chưa từng chứng kiến bất kỳ trường hợp nào, kể cả trong lẫn ngoại địa phương, bắt “cua trinh nữ” về làm món ăn lại bị ngộ độc. Theo lời lý giải của anh Mao, có thể ai đó không muốn mọi người bắt cua nữa nên mới tung tin đồn như vậy. Trên thực tế, từ trước đến nay, cả ngàn người ăn nhưng chưa thấy ai ngộ độc cả.

 

Cần bảo tồn “đặc sản” Ngọc Sơn

 

Cũng theo ông Bùi Văn Dương - Chủ tịch xã Ngọc Sơn, trước đây, người dân trong xã Ngọc Sơn đi bắt cua ồ ạt khiến số lượng chúng suy giảm nghiêm trọng. Chính quyền địa phương đã tuyên truyền với bà con rằng, loại cua này rất đặc biệt, không phải cùng đất nào cũng có. Nó là “đặc sản” nơi đây nên người dân phải cùng nhau bảo tồn.

 

Theo Tiến Ngọc

Gia đình& Xã hội