1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nỗi buồn phía sau một cửa khẩu quốc tế

(Dân trí) - Nằm sát biên giới Việt - Lào, Lao Bảo (huyện Hướng Hoá, Quảng Trị) được xem là một trong những thị trấn có nền kinh tế khá phát triển. Dân ở đây chủ yếu là người dân tộc Vân Kiều, PaCô,... Cuộc sống của họ giống như “góc khuất” của một cửa khẩu quốc tế đang rầm rộ chuyển mình.

Mưu sinh bằng đủ thứ nghề 

 

Chúng tôi tìm đến bản Lệt trong một ngày cuối tháng 8, trời chiều se lạnh. Phía cuối con đường dẫn vào bản là nhà anh Hồ Xăng - một người mà dân trong bản nói nhiều về nghị lực vượt khó, cần cù lao động dù đôi chân bị tật nguyền. Anh tiếp chúng tôi trong căn nhà sàn lụp xụp lợp mái tranh, trống huơ trống hoác.

 

Anh kể trước đây từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia. Trong một lần bị thương, anh đổ bệnh, một bên chân teo dần rồi liệt hẳn. Từ đó, anh Xăng bắt đầu kiếm sống từ hai bàn tay trắng, không vợ con, không người thân thích.

 

Anh chọn nghề đan chổi. Mỗi ngày lao động cật lực cũng được 5, 7 cái, mỗi cái bán khoảng 9 ngàn đồng, chủ yếu bán cho bà con trong bản. Ban đầu bán chổi cũng khó vì dân bản đã quen tự làm chổi bằng đót kiếm được trên rừng. Sau nhờ hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Trị ủng hộ cho chiếc xe lăn, anh tự mình đi lên Trung tâm thương mại Lao Bảo để bán chổi, kiếm cũng khá hơn.

 

Trưởng bản Hồ Vao nói: “Cái bụng nó tốt lắm nên ai cũng yêu! Chỉ tội cái chân tật nguyền không làm được nhiều việc”.

 

Cách bản Lệt không xa có một gia đình đang sống trong cảnh vô cùng khó khăn. Chồng chị Xôm My trước làm nghề đốn củi ở bên sông Sêpôn. Trong một lần trời lụt nước lớn, anh không về với mẹ con chị nữa. Chị một mình nuôi 4 đứa con, đứa lớn mới 12 tuổi nhưng hàng ngày đã phải theo mẹ vượt mười mấy cây số đường rừng để kiếm củi, mang về bán cho những hàng cơm ở Trung tâm thương mại.

 

Cứ mưa to là hai mẹ con lại buồn, lại lo; củi ướt bán cho ai bây giờ? Kiếm củi với mẹ nuôi em, đứa con gái 12 tuổi không được đến trường. “Nhìn mấy đứa trong bản được đi học tui thương nó lắm! Nhưng không đi kiếm củi lấy tiền đâu để nuôi mấy đứa em ăn học”, chị Xôm My rơm rớm nước mắt.

 

Thật ra, ở bản làng nay, người nghèo như chị Xôm My không thiếu. Dân bản sống gần Trung tâm thương mại rực rõ đèn hoa, cửa khẩu quốc tế chuyển mình phát triển, nhưng lại mưu sinh bằng những nghề “chẳng giống ai”. Nhiều người kiếm sống bằng nghề đào dế dọc hai dải đất bên triền sông Sêpôn. Họ bắt dế, bỏ vào bị rồi đem bán cho cư dân nước bạn Lào sống gần biên giới để họ chế biến món ăn. Mỗi ngày như thế cũng kiếm được 10-15 ngàn đồng.

 

Nỗi cô đơn sau những ngôi nhà sàn!

 

Anh Hồ Xăng than thở: “Ngày tui đi bán chổi tới tối mịt mới về, nằm suông một mình nhìn ngọn đèn leo lét. Chao ôi mà buồn”. Anh sống một mình đã gần 20 năm nay trong căn lều ở cuối bản, chỉ “làm bạn” với nỗi buồn và cô đơn. Những lúc trái gió trở trời, vết thương tái phát, lại nhờ sự quan tâm chăm sóc của bà con dân bản.

 

Chị Xôm My, tuy sống cùng 4 con mà lòng không nguôi nhớ về người chồng xấu số. Chị mong có đủ điều kiện để lo cho các con ăn học nên người, để không phải sống cảnh đời như bố mẹ.

 

Rồi những chị em làm nghề đào dế, hầu hết họ đều có hoàn cảnh neo đơn, khó khăn: chị thì chồng mất, chị chồng bệnh tật, ốm đau,...

 

Phần đông đồng bào dân tộc sống trong các bản ở Trung tâm Lao Bảo đều có trình độ dân trí thấp, vẫn giữ những hủ tục lạc hậu, đời sống vô cùng khó khăn. Chia tay họ cũng là lúc lớp học dành cho đồng bào dân tộc vùng cao ở điểm trường Hà - Lệt cất lên tiếng hát tan trường.

 

Nguyễn Khánh - Lê Thị Hà