Hạt trưởng kiểm lâm bị cắt chế độ:
Nội bộ Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh bất đồng quan điểm
(Dân trí) - Bà Phó Chánh thanh tra Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh nói cắt chế độ hưởng như thương binh của ông Hạt trưởng bị lâm tặc tấn công là đúng. Người trực tiếp tiếp nhận hồ sơ lại cho rằng giải quyết như vậy là không thấu đáo, không bảo vệ quyền lợi cho người bị hại.
Sau khi tiếp nhận đơn thư “đề nghị giúp đỡ để trả lại quyền lợi chính đáng” của ông Nguyễn Xuân Mận cũng như tiếp thu hàng loạt ý kiến bức xúc của những người trong ngành NN&PTNT Hà Tĩnh, PV Dân trí đã có buổi làm việc với Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh về trường hợp ông Mận bị cắt chế độ hưởng như thương binh, để tìm câu trả lời thỏa đáng.
Người đầu tiên làm việc với chúng tôi là bà Lê Thị Thu - Phó chánh Thanh tra, người ký đề xuất Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh cắt chế độ hưởng như thương binh cũng như đề xuất giải quyết chế độ tai nạn lao động (TNLĐ) cho ông Nguyễn Xuân Mận.
Trả lời thắc mắc về trường hợp của ông Mận, bà Thu cho biết: “Việc cắt chế độ hưởng như thương binh của ông Mận là có cơ sở”. Bà Thu đưa ra các lý lẽ: Thứ nhất ông Mận bị thương tích không thuộc diện “Dũng cảm đấu tranh chống lại hoặc ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho xã hội là tội phạm được quy định trong bộ luật hình sự, hoặc dũng cảm làm công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhà nước và nhân dân” như quy định tại khoản 1, 2, điều 19 của Pháp lệnh Ưu đãi người có công. “Lúc bị đánh thì ông không tham gia bảo vệ rừng, mà chỉ ngồi làm việc bình thường như tôi đang ngồi đây thôi” - bà Thu lý giải thêm.
Thứ hai, Chi cục kiểm lâm, Sở NN&PTNT cùng Sở LĐTB-XH tỉnh Hà Tĩnh này áp dụng điều kiện, tiêu chuẩn quy định tại Thông tư liên tịch số 147/2002/TTLT-BNNPTNT-BLĐTBXH ngày 27/12/2002 để lập hồ sơ công nhận ông Nguyễn Xuân Mận hưởng chế độ như thương binh tại thời điểm tháng 8/2008 là không đúng vì văn bản này đã hết hiệu lực và được thay bằng Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ.
Giải thích về đề xuất giải quyết chế độ tai nạn lao động cho một cán bộ kiểm lâm bị lâm tặc tấn công, bà Thu băn khoăn: “Tôi suy nghĩ rất nhiều, thực tế là tôi cũng không đồng ý với đề xuất này, nhưng tôi nghĩ vẫn phải tháo cho ông Mận một con đường khi bị cắt chế độ như thương binh”.
Cũng theo bà Thu, hiện nay theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở LĐTB-XH đang giải quyết khiếu nại lần đầu của ông Mận.
Trái với quan điểm của bà Phó Chánh thanh tra, ông Đinh Viết Quyền - nguyên Phó phòng Chính sách người có công (Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh, hiện đã được điều chuyển làm Trưởng phòng Lao động việc làm), người trực tiếp thẩm định hồ sơ, giải quyết chế độ cho ông Lê Xuân Mận, lại tỏ thái độ phản bác.
Ông Quyền lý luận: “Ông Hạt trưởng đang làm nhiệm vụ thì bị lâm tặc đánh trọng thương, có người làm chứng và biên bản hiện trường do công an lập. Nếu xử lý như thế (cắt chế độ - PV) cá nhân anh Mận chịu quá nhiều thiệt thòi”.
Ông Quyền cũng không đồng tình trước đề xuất giải quyết chế độ TNLĐ cho ông Mận: “TNLĐ hiểu một cách đơn giản là trong quá trình làm việc không may anh bị phương tiện hoặc các vật dụng khác đè lên người gây chấn thương, còn ở đây là cán bộ kiểm lâm bị tấn công trong khi làm nhiệm vụ. Vì thế trong trường hợp này đề xuất giải quyết chế độ TNLĐ cho anh Mận là không được”.
Theo ông Quyền, việc giải quyết chế độ cho ông Mận thuộc về quan điểm xử lý. “Điều cơ bản nhất để giải quyết một vấn đề đó là người thật, việc thật và có hồ sơ rõ ràng. Khi đã có kiện cáo thì buộc cơ quan chức năng phải kiểm tra và khi kiểm tra thì trong hệ thống văn bản sẽ có những từ ngữ không phù hợp. Nếu không căn cứ vào thực tế mà cứ đeo bám vào từ ngữ ấy thì rõ ràng vụ việc nó sẽ khác. Quan điểm của tôi là về mặt hồ sơ nếu chưa đảm bảo về thủ tục, còn thiếu các văn bản hiện hành thì nên bổ sung cho hợp lý để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người bị hại”.
Như vậy chính những cán bộ tại Sở LĐTB-XH Hà Tĩnh cũng có những quan điểm khác nhau trong việc xử lý chế độ cho ông Nguyễn Xuân Mận. Kết quả xử lý thế nào, Dân trí sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.
Văn Dũng - Đặng Tài