Hà Nội:
Nỗ lực nâng cao an toàn giao thông xe buýt
(Dân trí) - Sau hàng loạt vụ xe buýt gây tai nạn, vi phạm an toàn giao thông, ngày 29/9, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã tổ chức hội nghị bàn về “Các giải pháp nâng cao an toàn giao thông xe buýt”.
4 yếu tố ảnh hưởng đến an toàn giao thông xe buýt
Phát biểu tại hội nghị, ông Bùi Xuân Dũng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Vận tải Hà Nội - cho biết, từ hiện trạng của giao thông Hà Nội là giao thông phức hợp nên các nhà điều hành, quản lý buýt thành phố đã tìm ra được “thủ phạm” gây mất an toàn. Đó là 4 yếu tố: lái xe - phương tiện - hạ tầng, đường sá - môi trường giao thông.
Cụ thể, có tới trên 60% lái xe buýt hiện nay có những hạn chế về ý thức chấp hành luật giao thông.
Trong khi đó, hệ thống đường sá Hà Nội hiện nay khá chật hẹp với nhiều giao cắt đồng mức, thiếu đường dành riêng cho xe buýt, các điểm đỗ dừng xe buýt vẫn chưa hợp lý, thiếu không gian để xe buýt vào đón trả khách, dẫn đến tình trạng xe buýt tạt đầu các phương tiện khác để vào điểm đỗ. Số lượng phương tiện xe buýt liên tục tăng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện vẫn còn một số xe buýt cũ phải hoạt động chở khách.
Bên cạnh đó, sự phát triển “nóng” của xe buýt với số tuyến, xe và lượng hành khách đi xe buýt tăng liên tục đã gây khó khăn cho công tác tổ chức vận hành cũng như bảo đảm chất lượng phục vụ và an toàn giao thông.
Tất cả những yếu tố trên đã ảnh hưởng không nhỏ tới công tác vận hành của xe buýt và đã là nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông do xe buýt gây ra trong thời gian vừa qua.
Cần tuyển chọn kỹ đội ngũ lái xe
Đó là ý kiến mà lực lượng cảnh sát giao thông đưa ra trong hội nghị. Theo Trung tá Nguyễn Văn Tòng - Đội trưởng đội CSGT số 1, Phòng CSGT TP Hà Nội - khi tuyển chọn lái xe buýt, cần tuyển chọn kỹ về trình độ, đạo đức và phải kiểm tra sức khoẻ định kỳ.
Để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, Tổng Công ty cần tính toán điểm dừng đỗ hợp lý, việc chuyển xe phải tuyệt đối an toàn, không gây ùn tắc, nghiên cứu kỹ giờ cao điểm để từ đó bố trí hợp lý mật độ xe.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Dư - Chuyên gia tư vấn Dự án an toàn giao thông của JICA - cho hay, TP nên có ngay một trung tâm cứu nạn (hoặc cứu hộ) cho xe buýt với khả năng ứng trực khi có tai nạn có thể điều động xe, giải quyết cho khách đi ngay. Đồng thời còn làm nhiệm vụ ứng cứu cho những xe gặp sự cố trên đường.
Theo lái xe Nguyễn Tuấn Phương, Xí nghiệp xe buýt Thăng Long, do đặc thù chuyến lượt phải bảo đảm giờ chạy theo biểu đồ, khi gặp phải tắc đường, phân luồng giao thông phải chuyển hướng, có thể bị chậm giờ, ảnh hưởng đến chuyến sau nên nhiều anh em lái xe muốn chạy cố cho kịp.
Ông Trần Danh Lợi - Phó Giám đốc Sở GTCC Hà Nội - lại cho rằng, với đặc thù giao thông Hà Nội như hiện nay, Tổng Công ty cần đảm bảo lộ trình, phương tiện an toàn, phối hợp chặt chẽ với Trung tâm điều hành xe buýt để nghiên cứu cải tạo hệ thống biển báo, các điểm dừng đỗ xe buýt chưa hợp lý. Ông Lợi cũng đề nghị Tổng Công ty nên xây dựng thí điểm một tuyến buýt 100% số lái xe là nữ, để phát huy ưu thế của phụ nữ là cẩn thận, điềm đạm, kiên nhẫn... để làm điển hình, nếu tốt thì nhân rộng.
Khẩn trương thực hiện 5 chương trình cấp bách
Để chấn chỉnh hoạt động của xe buýt, bảo đảm an toàn giao thông, nâng cao chất lượng phục vục của xe buýt, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đã đề ra 5 chương trình nâng cao chất lượng xe buýt.
Thứ nhất, đổi mới mô hình tổ chức các xí nghiệp buýt theo tiêu chuẩn, với quy mô 120 - 150 xe. Mô hình này rất phù hợp, thuận tiện cho công tác quản lý và phát huy tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân, từ đó đề cao tiêu chí an toàn chạy xe.
Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo. Cụ thể, từ nay tất cả các lái xe, bán vé khi được hoạt động trên tuyến phải trải qua một khoá đào tạo bắt buộc và phải vượt qua kỳ sát hạch cuối khóa. Ngoài ra, Tổng công ty cũng đang phối hợp với Phòng CSGT tập huấn nâng cao ý thức và kỹ năng về ATGT cho lái xe.
Thứ ba, tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm đối với các lái xe.
Thứ tư, triển khai phong trào thi đua giữ xe tốt, lái xe an toàn, phục vụ văn minh.
Thứ năm, đổi mới phương tiện. Trong năm 2007 sẽ đổi mới mạnh phương tiện, dần thay thế phương tiện cũ.
Đồng thời phối hợp với Sở GTCC HN đề xuất các giải pháp bảo đảm ATGT cho xe buýt như nâng cấp hệ thống nhà chờ, xén hè để tăng không gian đón, trả khách, áp dụng các loại biển báo phản quang, tổ chức tuyến đường, làn đường dành riêng cho xe buýt.
Vẫn biết, bài toán tai nạn giao thông có liên quan đến xe buýt còn nan giải nhưng hy vọng rằng với những cố gắng trên của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, xe buýt sẽ sớm chia tay với cái tên “hung thần đường phố”.
Mạnh Hùng