1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nổ bùng tranh luận tại Quốc hội về luật Biểu tình

(Dân trí) - Luật Biểu tình - một dự luật nằm mới chỉ nằm trong “danh sách dự bị” bất ngờ “gây nổ” trong phiên thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội hôm nay, 17/11. Có ý kiến “bác” thẳng thừng, cũng có ý kiến “bênh”… sắc lẹm.

Quyền biểu tình lớn hơn quyền kiếm sống?

Nổ bùng tranh luận tại Quốc hội về luật Biểu tình - 1
Ông Hoàng Hữu Phước: "Luật Biểu tình là khuôn vàng thước ngọc để đo độ tự do dân chủ?".

Đại biểu Hoàng Hữu Phước (TPHCM) đề nghị thẳng bỏ luật Lập hội và luật Biểu tình khỏi chương trình làm luật suốt nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Lý do ông Phước đưa ra là khái niệm “biểu tình” là cuộc tụ tập của người dân để chống lại Chính phủ nước mình hoặc chủ trương của Chính phủ nước mình. Biểu tình chưa là hình thức bày tỏ chính kiến chống lại một nước khác ngay cả khi nước đó đang xâm lược nước mình.

Tập hợp đông người để bày tỏ sự ủng hộ nước mình hay ủng hộ một chủ trương của Chính phủ nước mình, gián tiếp biểu thị sự không đồng tình đối với Chính phủ nước khác, ông Phước gọi là “đức tin” hoặc cuộc tuần hành biểu dương lực lượng.

Ông Phước đặt câu hỏi: “Người Việt Nam có cần biểu tình chống Chính phủ, chống các chủ trương, chính sách của Chính phủ không? Nếu không, tại sao phải đưa ra luật Biểu tình và xem đó như “khuôn vàng, thước ngọc” để đo chiều cao, chiều rộng, chiều dài, chiều sâu của cái gọi là tự do dân chủ?”.

Ông Phước phán đoán, cái Việt Nam cần hiện tại có thể là quy định về đức tin, về tuần hành đông người nhưng khuyến cáo, Quốc hội có nên dành 2 năm và nhiều tiền của ra để soạn thảo luật này.

Dẫn chuyện những cuộc tập hợp đông người gân đây tại TPHCM để chống quan điểm “đường lưỡi bò”, ông Phước kể, đã nghe những người bị kẹt xe lớn tiếng nguyền rủa những người đang tập hợp gây tắc đường. Sự giận dữ đó, đại biểu cảnh báo, có thể sẽ biến thành gây hấn, bạo loạn, đánh nhau giữa nhóm người biểu tình và chống biểu tình. Những cuộc tập hợp đông người ngoài trời này cũng xâm hại quyền tự do di lại của nhiều người, cản trở hoạt động buôn bán kinh doanh, thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng trong những trường hợp bệnh nhân cần cấp cứu, sinh nở mà xe cứu thương không thể di chuyển vì tắc đường.

“Liệu cái gọi là quyền biểu tình ấy có lớn hơn quyền được kiếm sống của người dân, quyền được ra đời của con cái của người dân, quyền được sử dụng công lộ của người dân… Đa số công dân sẽ không ủng hộ Luật biểu tình vì bản chất dễ bị tổn thương và dễ bị lợi dụng gây ra biến loạn” – ông Phước quả quyết.

Dẫn chứng hậu quả để lại từ nhiều cuộc biểu tình tại London (Anh), NewYork (Mỹ) gây nên tình trạng mất vệ sinh, ẩu đả, trộm cắp… xảy ra làm ô danh những địa phương này, đại biểu gay gắt kết luận “Việt Nam chưa phải là siêu cường kinh tế để có thể đài thọ cho một sự ô danh”.

Những phân tích thẳng thừng, mạnh mẽ của ông Phước nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu. Đại biểu Nguyễn Thanh Tùng (Bình Định) cho rằng, nói biểu tình là có 2 mặt ủng hộ và phản đối nhưng thường chỉ nghĩ đến chống đối là chính. Tự do dân chủ không phải là biểu tình, không phải cứ cho biểu tình mới là có tự do dân chủ, cơ bản phải là chăm lo đời sống cho người dân.

Ông Tùng khẳng định, dù Hiến pháp 1992 có ghi nhận công dân có quyền biểu tình theo pháp luật, bản thân ông cũng không phản đối luật Biểu tình nhưng đến giờ chưa cần thiết ban hành đạo luật rất nhạy cảm này trong tình hình hiện nay.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) “hiến kế” tăng cường đối thoại trực tuyến về những vấn đề bức xúc như tình hình biển Đông để người dân bày tỏ chính kiến, cơ quan quản lý nhà nước trao đổi giải thích thay vì làm luật Biểu tình. Ông Nghĩa lo lắng, luật Biểu tình vô hình chung có thể thành chống chế độ.

Phủ nhận là tự biến mình thành ốc đảo dị thường

Nổ bùng tranh luận tại Quốc hội về luật Biểu tình - 2
Ông Dương Trung Quốc: "Không phải tự nhiên chính Thủ tướng đề nghị xây dựng luật này".

 “Phản pháo” những phân tích, lý lẽ trên, đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) lần lượt đưa ra những kiến giải lật lại ý kiến phát biểu trước đó. Ông Quốc trích sắc lệnh 31 của Hồ Chủ tịch ban hành 11 ngày sau khi tuyên bố thành lập nước tháng 9/1945 để khẳng định, đây là sắc lệnh về biểu tình.

Thuật ngữ "biểu tình" cũng trở thành khái niệm chính văn trong Hiến pháp 1959.

Quá trình hội nhập thế giới hiện nay, việc biểu tỏ thái độ của người dân, ông Quốc cho là cần thiết. Việc tụ tập đông người, theo đó, nên gọi đúng tên là “biểu tình”.

“Chính vì không có luật nên việc tụ tập như vậy mới dẫn đến tình trạng hỗn loạn. Người dân rất mong muốn những tình cảm và cách thể hiện tình cảm của mình đúng lúc, đúng chỗ. Luật biểu tình là một công cụ để điều chỉnh, bảo đảm những yếu tố tích cực, bảo đảm quyền con người. Không phải tự nhiên mà chính Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ động đề nghị đưa luật Biểu tình vào chương trình lập pháp” – ông Quốc lập luận.

Ông Quốc trách khéo những phát biểu không thiện chí về những người biểu tình: “Đó là những người yêu nước. Cách biểu thị của họ không thích hợp trong hoàn cảnh này vì chúng ta chưa có luật. Phát biểu như thế là xúc phạm đến người dân”.

Ông Quốc thừa nhận, đây là luật rất nhạy cảm, khó khăn, phải có lộ trình xây dựng thích hợp, thận trọng, nhưng “không vì thế mà phủ nhận để biến chúng ta thành một ốc đảo dị thường trong thế giới hiện nay”.

P.Thảo