1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Ninh Thuận dốc toàn lực chống đại hạn

(Dân trí) - Tỉnh Ninh Thuận đang huy động cả hệ thống chính trị vào công tác chống hạn với quyết tâm không để dân đói, dân khát. Hàng ngàn tấn gạo, hàng vạn xe nước đã được trao đến dân trong vùng bị hán hạn nặng nề…

18 tháng trời không mưa

Nhiều cánh đồng đang bỏ hoang tại Ninh Thuận
Nhiều cánh đồng đang bỏ hoang tại Ninh Thuận

Ninh Thuận đang hứng chịu đợt hạn hán nặng nề nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Nhiều vùng tâm hạn đã có đến 18 tháng chưa có mưa, hàng ngàn ha đất bỏ hoang vì thiếu nước. Theo thống kê mới nhất của UBND tỉnh Ninh Thuận, tính đến hết ngày 14/5, toàn tỉnh có 1.508 gia súc chết, trong đó có 1.398 con dê, cừu và 110 trâu, bò. Đối với đất sản xuất, 10.229 ha đất bị đang bỏ hoang vì không có nước. Người dân Ninh Thuận đang “gồng mình” để chống chọi với đợt hạn hán kỷ lục này.

Đánh giá về mức độ thiệt hại do đợt hạn hán lần này, ông Phan Quang Thựu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Đây là đợt hạn hán khốc liệt, gây thiệt hại lớn cho người dân và địa phương. 31 xã trên tổng 47 xã, 6 huyện trên tổng số 7 huyện của tỉnh Ninh Thuận bị ảnh hưởng trực tiếp từ đợt hạn hán này”.

Ông Thựu cũng cho biết thêm: “Phương châm của tỉnh là không để cho dân đói và thiếu nước uống. Hạn đến đâu tìm biện pháp giải quyết, khắc phục đến đó. Nhất quyết không để cho dân đói, dân khát”.

Nước được đưa đến người dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái
Nước được đưa đến người dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái

Với quyết tâm đó, tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ gạo, nước cho người dân. Hiện toàn tỉnh Ninh Thuận có 19 thôn của 8 xã thuộc 4 huyện bị ảnh hưởng hạn hán nặng nề nhất được cấp nước sinh hoạt đều đặn. Cụ thể là có hơn 22 nghìn nhân khẩu (gần 6.000 hộ) được cấp nước sinh hoạt hàng ngày. Tính đến hôm nay (15/6), UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đã cấp phát hoàn tất 3 đợt cứu trợ gạo của Chính phủ đến với người dân vùng bị ảnh hưởng bởi hạn hán.  

Ông Trần Đức Nam, Chánh văn phòng UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: “Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, việc cấp phát gạo đợt 3 phải hoàn tất trước ngày 15/6. Hiện tại, đợt 3 đã cấp phát hoàn tất, gạo đã đến tay người dân vùng hạn hán vào ngày 11/6 vừa qua. Tổng cộng 3 đợt phân bổ gạo, 2.832 tấn gạo đã được cấp phát đến tận tay người dân”.

“Xã đã phân bổ gạo đầy đủ cho dân trong xã và tiếp tục cung cấp nước sinh hoạt hằng ngày với 1 xe chở nước 70 m3. Mới đây, Quân khu 5 điều về thêm một xe, tiếp thêm 20 m3 nước hằng ngày, nâng tổng số nước cung cấp hằng ngày lên 90 m3, đủ dùng cho người dân địa phương” - Ông Trần Quý Dương, Chủ tịch UBND xã Phước Trung (huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), một trong những xã bị ảnh hưởng hạn hán nặng nề nhất, cho biết. 

Chị Pi Năng Thị Phanh hồ hởi nói: “Nhà mình bây giờ không lo đói, lo khát vì nhà nước đã phát gạo, cấp nước cho rồi. Chỉ lo không có thức ăn thôi!”.

Bà Ka Tơ Thị Núi, ngụ tại thôn Rã Trên, cũng cho biết: “Nước giờ đã đủ để ăn uống hằng ngày và nuôi gia súc. Còn gạo thì nhà nước phát cho mình 3 đợt rồi. Hộ mình có 6 người được 90kg mỗi tháng, vậy là đủ ăn!”.

Tìm mọi cách giúp dân

Xã Phước Nam, huyện Thuận Nam cũng là 1 trong những xã bị ảnh hưởng nặng nhất trong đợt hạn khốc liệt này. Toàn xã có 320 ha đất đang bị bỏ hoang vì không có nước cho sản xuất. Theo ghi nhận của Dân trí, nhiều ban ngành của tỉnh đang nỗ lực hỗ trợ chống hạn tại đây.

Ông Thiên Sanh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Phước Nam, cho biết: “Xã hiện có 737 hộ với gần 4.200 khẩu chủ yếu sống dựa vào trồng trọt và chăn nuôi. Hạn hán năm nay kéo dài quá lâu, đảo lộn cuộc sống của người dân. Đặc biệt là thiếu nguồn nước trong sản xuất, gây ảnh hưởng trực tiếp đến canh tác và sản xuất của người dân”.

“Trước thực trạng trên, Chi đoàn khối doanh nghiệp của tỉnh đã hỗ trợ cho xã 1 giếng khoan trị giá 100 triệu đồng và mũi khoan đầu tiên bắt đầu từ tháng 5 vừa qua. Tuy nhiên, khoan đến 80 mét rồi nhưng vẫn chưa có giọt nước nào” - ông Tuấn cho biết thêm.

Dù rất nỗ lực, chính quyền vẫn chưa tìm được nguồn nước hỗ trợ sản xuất nông nghiệp cho người dân. Nhưng theo ông Tuấn, nước sinh hoạt và gạo ăn của người dân đều được cấp phát và chính quyền nỗ lực không để dân rơi vào tình trạng thiếu đói, thiếu khát.  

Ông Tuấn chia sẻ: “Chi đoàn khối doanh nghiệp cơ quan tỉnh Ninh Thuận đã hỗ trợ cho xã Phước Nam 5 bồn chứa nước với dung tích mỗi bồn là 500 lít. Mỗi ngày xe của xã chở 2 khối nước cho 43 hộ ở thôn Tam Lang đang thiếu nước sinh hoạt”.

Những cánh đồng còn nước đang chuyển đổi cây trồng để bảo vệ đàn gia súc còn lại
Những cánh đồng còn nước đang chuyển đổi cây trồng để bảo vệ đàn gia súc còn lại

Chia sẻ cùng PV Dân trí, ông Phan Quang Thựu khẳng định tỉnh Ninh Thuận đang tìm mọi cách để giúp dân vượt qua đợt hạn hán kỷ lục này. Ông nói: “Tỉnh Ninh Thuận đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, chỉ đạo các ngành, các địa phương, vận động các doanh nghiệp chăm lo và đảm bảo an sinh cho xã hội, giúp người dân vượt qua đợt hạn hán khốc liệt này”.

Để chỉ đạo sát sao công tác chống hạn, UBND tỉnh Ninh Thuận đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống hạn do ông Trần Xuân Hòa, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh làm Trưởng ban. Ban cũng thành lập 3 tổ công tác chỉ đạo công tác chống hạn tại địa bàn từng huyện do 3 vị Phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng. Nhiệm vụ của các tổ công tác này là kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo công tác phòng, chống hạn nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại gây ra cho người dân.

Tính đến nay, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư 40 tỷ đồng để triển khai hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân, mở rộng các công trình cấp nước, sửa chữa giếng khoan để cung cấp thêm nguồn nước cho dân… Để chăm sóc đàn gia súc của người dân, tỉnh tìm cách hỗ trợ thức ăn, đào thêm ao để kiếm nước cho đàn gia súc... 

Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cũng đang triển khai nạo vét các lòng hồ, khai thông dòng chảy, áp dụng khoa học công nghệ để triển khai các biện pháp giúp người dân trồng trọt trong mùa hạn như: giàn phun tiết kiệm, chuyển đổi cây trồng trong thời điểm hạn hán kéo dài (giảm tối đa diện tích lúa, chuyển sang những cây trồng khác sử dụng ít nước và có thể cung cấp phụ phẩm cho đàn gia súc)…

 Quốc Phan