Bình Định:
“Nín thở” qua cầu tạm xuống cấp nghiêm trọng
(Dân trí) - Nhiều năm qua, hàng chục hộ dân xóm 3, thôn Diêm Vân (xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) “đánh cược” mạng sống khi qua cầu tạm bằng gỗ đã xuống cấp nghiêm trọng.
Theo phản ánh của người dân xóm 3 (thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận) thì nhiều năm qua người dân phải tự tay sửa chữa, gia cố cầu tạm bằng gỗ đã xuống cấp trầm trọng để qua lại. Cây cầu tạm này chính là cầu nối của người dân 2 hai bờ bắc và bờ nam và cũng là cầu nối để các em học sinh trong xóm được đến trường mỗi ngày.
Tuy nhiên, theo chứng kiến của chúng tôi, cây cầu đã hư hỏng nghiêm trọng. Các trụ cầu xiêu vẹo, có trụ cầu bị gãy phần xi măng chỉ còn dính vài cây sắt nhỏ. Trong khi đó, nhiều trụ khác bị gãy được người dân dùng cây gỗ để “bó bột” tạm bợ.
Cây cầu cũng rộng chỉ chừng 1m, mặt cầu được lót bằng những tấm gỗ nhưng đã mục nát, hai bên cầu không có lan can bảo vệ. Chỉ cần một người đi bộ trên cầu cũng bị rung lắc mạnh như muốn sập xuống sông.
Ông Nguyễn Thanh Minh (51 tuổi, ở xóm 3, thôn Diêm Vân) cho biết: “Mấy chục năm qua, người dân ở phía bờ nam muốn lên xã và ngược lại đều phải đi qua cây cầu tạm này. Đã có nhiều người đêm tối nhưng vẫn liều mạng chạy xe máy qua cầu bị rơi xuống sông bị thương, nhưng may chưa có ai mất mạng. Lo nhất là các em học sinh đến trường phải qua cầu này nên các em nhỏ đi học phải có người lớn đưa qua. Người dân ở đây bức xúc lắm, kiến nghị lên xã, huyện và xã có về đo đạc nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nếu xây cầu thì cũng phải xây sớm trước mùa mưa lũ, vì một ngày qua cầu tạm này là một ngày tính mạng người dân bị đe dọa”.
Còn chị Lê Thị Hiền Lan (xóm 1, thôn Diêm Vân) cho hay: “Người sống đã khổ khi qua cầu thì người chết lại còn khổ hơn. Do nghĩa địa nằm ở phía bờ nam nên khi có người ở bờ bắc mất thì phải khiêng quan tài qua cầu rất nguy hiểm. Nhất là từ khi cầu xuống cấp nên khi có người mất phải dùng ghe (thuyền) để đưa qua sông. Nhiều năm qua, người dân mòn mỏi chờ xây một cầu kiến cố để người dân đi lại cho thuận tiện nhưng đó vẫn chỉ là mơ ước”.
Cũng theo người dân phản ánh, từ năm 2012 đến đầu năm 2018, Ban nhân dân thôn Diêm Vân và UBND xã Phước Thuận đã 2 lần tổ chức đấu giá ngòi (còn gọi là lạch Ân Thuận) để làm cầu dân sinh nối liền 2 khu dân cư ở bờ bắc và bờ nam của thôn, với số tiền 90 triệu đồng. Tuy nhiên đến nay, cầu đã hư hỏng nặng và có nguy cơ sập bất cứ lúc nào nhưng chính quyền vẫn chưa có động thái gì để xây cầu.
Về việc này, ông Phan Thế Khoa (Chủ tịch UBND xã Phước Thuận) cho biết: “Giai đoạn từ năm 2012 - 2017, Ban nhân dân thôn Diêm Vân tự đấu giá ngòi Ân Thuận và giữ số tiền 63,5 triệu đồng là sai quy định nên xã đã thu lại. Đến đầu năm 2018, UBND xã đứng ra tổ chức đấu giá và thu được 26,5 triệu đồng của một chủ đầu tư tại địa phương. Hiện, tổng cộng thu được 90 triệu đồng, trong khi đó việc xây cầu mới dự toán khoảng 250 triệu đồng”.
Ông Khoa cho biết thêm: “Kinh phí của địa phương còn đang khó khăn nên chưa thực hiện, chứ không phải cố ý kéo dài việc xây cầu cho bà con. Bà con đi lại trên cầu xuống cấp chúng tôi cũng sốt ruột lắm chứ. Trong thời gian tới, cùng với tổng số tiền có được từ việc đấu giá ngòi Ân Thuận, UBND xã sẽ cố gắng bố trí kinh phí để triển khai xây dựng cầu trong khoảng cuối năm 2018, tạo điều kiện thuận lợi, an toàn cho người dân địa phương qua lại”.
Một số hình ảnh cầu tạm ở xóm 3, thôn Diêm Vân xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được xây mới:
Doãn Công