1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

“Nín thở” đi ngang các công trình xây dựng

(Dân trí) - Thi công vào giờ cao điểm, không biển báo, không hàng rào bảo vệ, những thanh bêtông nặng vài tấn lơ lửng trên đầu người tham gia giao thông bất ngờ tuột móc đã gây hàng loạt vụ tai nạn thương tâm.

Tai nạn “từ trên trời rơi xuống”

 

Vụ tai nạn liên quan đến cần cẩu tuột móc mới nhất ở TPHCM xảy ra vào ngày 23/10, tại công trình thi công Showroom - văn phòng làm việc (số 161F, đường Dạ Nam, phường 3, quận 8) do Công ty Không gian xanh và Công ty Nhà Thép thi công.
 
“Nín thở” đi ngang các công trình xây dựng - 1

Hiện trường vụ tai nạn do cần cẩu tuột móc đổ vào bức tường làm 2 người trọng thương

 

Khi đang di dời thanh đà hình chữ I (mỗi thanh dài hơn 10m, nặng 3-4 tấn), bất ngờ móc cần cẩu bị tuột, cả khối sắt lao thẳng xuống làm sập đoạn tường gạch dài hơn 20m, đè phải 2 người đi xe máy, khiến cả hai bị thương nặng.

 

Trước đó, vào chiều 30/9, cả gia đình anh Mai Xuân Thịnh (30 tuổi) đã bị thanh cừ bê tông dài 10,7m, nặng khoảng 4 tấn rơi xuống đè nát cùng chiếc xe ô tô Civic khi họ đang lưu thông qua công trình hầm chui cầu Phú Mỹ.
 
“Nín thở” đi ngang các công trình xây dựng - 2

Chiếc xe Civic bị thanh cừ bê tông đè bẹp rúm, làm 1 người tử vong, 2 người bị thương nặng

 

Tai nạn xảy ra khi thanh cừ bê tông đang được nâng lên theo phương thẳng đứng thì bất ngờ sợi dây xích bị tuột khỏi điểm chốt, khối bê tông rơi thẳng xuống lòng đường đè bẹp chiếc xe hơi của anh Thịnh. Vợ của anh Thịnh, chị Phan Ngọc Đức Thảo đã tử vong, còn anh Thịnh và đứa con 2 tuổi bị thương nặng.

 

Vào thời điểm xảy ra tai nạn, tại công trình hầm chui cầu Phú Mỹ còn nhiều thanh cừ bê tông cùng kích cỡ nằm ngay sát bên đường. Dù đang thi công liên tục nhưng chúng tôi không thấy biển báo nào từ đơn vị thi công, Công ty How Yu.
 
Ông Võ Duy Thật, làm nghề xe ôm trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) nói: Mỗi lần đi ngang các công trình xây dựng, tôi gần như “nín thở” chạy thật nhanh, sao cho qua được những nơi cần cẩu đang nâng vật liệu lên cao. Có lần tôi bị cục đá nhỏ rơi vào nón bảo hiểm mà giật bắn mình, toát mồ hôi”.
 
“Nín thở” đi ngang các công trình xây dựng - 3

Người người dân phải nín thở mỗi khi đi qua những công trình thi công không được che chắn, bảo hộ

 

Cùng với ông Thật, hàng triệu lượt người lưu thông mỗi ngày ở TPHCM vẫn phải phó thác mạng sống cho sự “hên - xui”. Họ vẫn phải “nín thở” chạy qua nhiều công trình xây dựng tại góc đường Võ Thị Sáu - Đinh Tiên Hoàng, tuyến đường Võ Văn Tần, Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 3), Lý Tự Trọng (quận 1), Hoàng Văn Thụ (quận Phú Nhuận)… khi “mối họa” là những chiếc cần cẩu nâng bêtông lừng lững quay ra đường và có thể tuột móc bất cứ lúc nào.

 

Bảo hộ lao động chỉ theo… thói quen

 

Hiện nay TPHCM không có quy định về việc chiếm dụng không gian tạm thời của các cần cẩu này. Không có quy định không gian bao nhiêu để cần cẩu hoạt động an toàn nên mỗi công trình quản lý cần cẩu mỗi kiểu như: quay khối bêtông hoặc vật liệu nặng hàng tấn treo lơ lửng trên cao ra đường giao thông, đông người qua lại…
 
“Nín thở” đi ngang các công trình xây dựng - 4

Một dàn giáo bị xô nghiêng khiến hàng tấn sắt thép có thể đổ sập xuống đường bất cứ lúc nào

 

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Thanh tra Sở Lao động Thương binh xã hội TPHCM cho biết: Nguyên nhân xảy ra tai nạn liên tục trong thời gian qua là công tác bảo hộ lao động tại các công trình cao tầng rất kém, chủ yếu làm theo thói quen. Nhiều dàn giáo tại các công trình lớn chỉ làm theo tính toán còn công tác nghiệm thu, thử tải theo quy định hầu như không có.

 

Với thực trạng cần cẩu gây ra nhiều tai nạn đáng tiếc, ông Việt đề nghị các chủ đầu tư công trình nên thi công vào thời gian thấp điểm trong ngày như ban đêm và đặt hàng rào và biển cảnh báo người dân.

 

Trung Kiên