Hà Nội:

Niềm vui ngày đặc xá

(Dân trí) - Hơn 17.000 phạm nhân được hưởng đặc xá năm 2010. Có mặt tại trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) sáng 29/8, chúng tôi ghi lại hình ảnh những giọt nước mắt vui sướng, hạnh phúc của các phạm nhân được đặc xá cũng như những người thân đến đón.

Quên đi quá khứ lầm lỗi

5h sáng, chị Hà Thị Hương (ở thị xã Sơn Tây) đã có mặt tại trại tạm giam Thanh Xuân để đón con. Con chị, phạm nhân Nguyễn Duy Tùng (SN 1985), phạm tội cướp tài sản, chịu án phạt 4 năm tù giam, là một trong số các phạm nhân được tha tù trước thời hạn đợt này.
 
Niềm vui ngày đặc xá - 1
Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng trao quyết định đặc xá cho các phạm nhân tại trại giam Thanh Xuân được hưởng đặc xá năm nay.

Hành trang của chị Hương chỉ là một chiếc ba lô nhỏ đựng áo quần và giày dép cho cậu con trai. “Từ ngày nghe tin con được đặc xá tôi mừng lắm. Suốt đêm cứ đi ra đi vào không ngủ được, thao thức vì mong ngóng con. Không vui sao được, con tôi nó phạm tội, bây giờ được đặc xá, nó lại có cơ hội làm lại cuộc đời mình” - chị Hương chia sẻ.

Cùng với chị Hương, hàng nghìn ông bố, bà mẹ, người con, người cháu, anh em họ hàng của hàng trăm phạm nhân được đặc xá cũng có mặt trước cổng trại giam từ rất sớm. Gặp lại người thân, mọi hoài nghi, băn khoăn, lo lắng đã phải nhường chỗ cho niềm vui khôn xiết sau bao ngày xa cách.

Phạm nhân Vũ Thu Thủy (SN 1973, ở Phúc Tân, Hoàn Kiếm) không giấu nổi sự xúc động. Chị bị bắt giam vì tội danh mua bán trái phép chất ma túy, án phạt 16 năm tù giam, bị bắt vào trại từ năm 1999 đến nay. Nước mắt lăn dài trên đôi gò má trắng trẻo, chị bộc bạch: “Những tháng ngày sống ở trại giam, được các đồng chí cán bộ chăm nom, dạy dỗ em mới cảm nhận được thế nào là cuộc sống có ích. Em biết mọi người vẫn quan tâm, chăm lo cho em lắm. Ra tù rồi em sẽ cố gắng trở thành người lương thiện”.
 
Niềm vui ngày đặc xá - 2
Niềm vui khi gặp lại người thân.

Biết mình được tha tù trong dịp đặc xá lần này, phạm nhân Nguyễn Hải Yến (SN 1983, ở phường Hàng Bài, Hoàn Kiếm; bị kết án 7 năm tù giam về tội cướp tài sản) tâm sự: “Suốt mấy ngày hôm nay, em đứng ngồi không yên. Cứ mong ngóng được về với gia đình, về với bố mẹ và anh chị em trong gia đình. Em đã biết mình sai rồi, giờ em chỉ muốn quên đi quá khứ những tháng ngày lầm lỗi để làm lại từ đầu”.

Hướng về một tương lai tươi sáng

Chăm chú theo dõi tên mình trong danh sách được đặc xá, phạm nhân Đỗ Quyết An (SN 1988, ở Ngọc Tảo, Phúc Thọ) vui vẻ tâm sự: “Chỉ vì ham chơi, cờ bạc và bị bạn bè rủ rê lôi kéo mà em phạm vào tội danh cướp tài sản và phải chịu án phạt 7 năm tù giam. Được đặc xá lần này, em quyết tâm sẽ học nghề thợ mộc, tự làm giàu nuôi sống bản thân và bố mẹ. Lần này ra tù, chắc chắn em sẽ không bao giờ quay trở lại đây nữa”.
 
Niềm vui ngày đặc xá - 3
Những cảm xúc vui mừng, hồi hộp đan xen.

Chia sẻ về những năm tháng sống trong trại giam, phạm nhân Vũ Huy Đoàn (SN 1975, ở Tiên Phương, Chương Mỹ) nói: “Ở trong trại giam em được cán bộ dạy học nghề. Lúc ra trại còn được cấp chứng chỉ nghề. Em chỉ mong sao xã hội, cộng đồng tiếp nhận chúng em như những người lương thiện chứ không phải là một kẻ tù tội”.

Không kịp đội chiếc mũ tránh mưa, phạm nhân Lê Thị Thu (SN 1960, quê Điện Biên) đã đã chạy ra sân trại ôm chặt lấy cô con gái yêu quý của mình sau hơn 10 năm chịu án phạt. Chị siết thật chặt vòng tay, vừa xoa đầu con vừa khóc nức nở. Đã lâu lắm rồi, chị lại mới được ở bên cô con gái yêu quý của mình. Giờ đây, mong ước lớn nhất của chị là cùng cô con gái mở một quán cơm nho nhỏ để tạo lập cho mình một cuộc sống mới bên người thân.
 
Niềm vui ngày đặc xá - 4

Chia vui với hạnh phúc của các bậc làm cha, làm mẹ và người thân của các phạm nhân được tha tù trước thời hạn lần này, Đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2010, nhấn mạnh: “Với các anh chị được hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước, tôi tin rằng các anh chị có thể vượt qua được những cám dỗ, lôi kéo, xúi giục, thậm chí đe dọa của kẻ xấu, kẻ ác. Từ đó đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xã hội. Đối với các anh chị chưa được hưởng đặc xá năm nay, mong rằng các anh chị sẽ tiếp tục phấn đấu chấp hành tốt nội quy, quy chế của trại giam, cải tạo tốt để sớm được hưởng lượng khoan hồng của Đảng và Nhà nước”.

Thượng tá Phan Trọng Hà - Phó giám thị trại giam Thanh Xuân, cho biết: “Lễ đặc xá năm 2010, trại giam Thanh Xuân có 303 phạm nhân được đặc xá, trong đó có 21 đối tượng người nước ngoài. Năm nay, ngoài việc mở lớp tái hòa nhập cồng, các phạm nhân còn được giáo dục những kỹ năng, lối sống trang bị kiến thức, giúp họ tự tin, xáo bỏ mặc cảm, hiểu được quyền và nghĩa vụ của bản thân để phấn đấu vươn lên làm lại cuộc đời trở thành người có ích cho xã hội”.

 

Ngày 30/8, tại trại giam TP Hạ Long, Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ công bố Quyết định đặc xá năm 2010 của Chủ tịch nước cho 89 phạm nhân.

 

Niềm vui ngày đặc xá - 5
Phạm nhân Phan Tiến Dũng tràn đầy niềm vui trong ngày hội ngộ với vợ con, gia đình

 

Nhận quyết định đặc xác, phạm nhân nào cũng xúc động nghẹn ngào, hứa với các quản giáo khi về gia đình, địa phương sẽ cố gắng hết mình để làm một công dân tốt, cống hiến cho xã hội.

 

Đón con trong niềm vui hội ngộ sau nhiều năm xã cách, ông Nam, bố của phạm nhân Phan Tiến Dũng, trú tại Minh Thành (Yên Hưng, Quảng Ninh) xúc động nói: “Gia đình tôi có con được đặc xá tha tù trước thời hạn, không biết nói gì hơn, xin cám ơn Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có chính sách khoan hồng, nhân đạo mang tính nhân văn cao cả đối với người phạm tội”.

 

Niềm vui ngày đặc xá - 6
Phó giám đốc công an tỉnh Quảng Ninh trao Quyết định đặc xá cho các phạm nhân

 

Phát biểu tại lễ đặc xá, Đại tá Nhâm Ngọc Tám - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh - khẳng định: Quyết định đặc xá năm 2010 tiếp tục khẳng định chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với những người phạm tội.

 

Tiến Nguyên - Anh Đô - An Bình