1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Niềm an ủi cuối đời của nhà nghiên cứu lãnh thổ quốc gia

(Dân trí) - Ngày 27/3, tại Hà Nội, Quỹ Văn hóa Phan Chu Trinh đã tiến hành trao giải thưởng nghiên cứu đầu tiên của Quỹ cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, người đã dành trọn cả đời nghiên cứu lãnh thổ quốc gia..

Niềm an ủi cuối đời của nhà nghiên cứu lãnh thổ quốc gia - 1
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và những tấm bản đồ treo đầy nhà ông.
 
Cả đời nghiên cứu lãnh thổ quốc gia

 

Chúng tôi đến phỏng vấn ông vào ngày 24/3, ngày hôm sau là ông bay ra Hà Nội nhận giải thưởng nghiên cứu. Ở cái tuổi 90, ông vẫn còn đủ mạnh khỏe tiếp chuyện chúng tôi hàng tiếng đồng hồ.

 

Ông khoe với chúng tôi tác phẩm mới nhất của mình, đó là bài báo “Phát hiện một bản đồ cổ Việt Nam” đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 32 (tháng 3/2009). Ông cho biết: “Ngày 28 Tết (23/1/2009), tôi nhận được tập san The Portolan, cơ quan của Hội Bản đồ Washington, trong đó có bài giới thiệu về bản đồ cổ khá độc đáo của Việt Nam. Kèm theo đó là bức thư của tác giả Harold E.Meinheit và Chủ tịch hội Howard Lange đề nghị cho ý kiến về tấm bản đồ này”.

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu sinh năm 1920, đã tốt nghiệp trường Bách nghệ Hà Nội (1939-1941); Cử nhân Khoa học (Licence ès Sciences Sociales – 1953). Ông từng là Bí thư Bộ Kinh tế trong Chính phủ Hồ Chí Minh năm 1945; Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sử học Việt Nam; Ủy viên UBMTTQVN Thành phố Hồ Chí Minh. 

 

Ông là tác giả của hàng trăm công trình (sách đã xuất bản và bài báo bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh), trong đó nổi bật là các công trình nghiên cứu về địa bạ và bản đồ. Ông được giới nghiên cứu đánh giá là một nhà khoa học nghiêm túc, tận tụy và có nhiều cống hiến quan trọng cho khoa học nước nhà.

Tấm bản đồ này có tên là Việt Nam toàn tỉnh dư đồ. Năm 1982, Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ mua được tấm bản đồ này từ một nhà buôn đồ cổ, nhưng chẳng ai biết thêm tin tức gì liên quan và xuất xứ của tấm bản đồ này.

 

Theo ông, đó là một bản đồ rất đặc sắc vì nó được vẽ bằng bút lông, mực tàu nhưng có khổ rất lớn (152cm x 98cm). Đây là khổ giấy mà vào những năm trước thế kỷ 20, chỉ có người Âu, Mỹ mới dùng. Truyền thống Việt Nam và Trung Hoa chưa vẽ bản đồ nào lớn vậy.

 

Sau một tháng dài nghiên cứu, tra tầm sử liệu và hàng trăm tấm bản đồ Việt Nam cổ mà mình có được, ông đã tìm ra lai lịch tấm bản đồ lạ này. Đó là tấm Đại tổng đồ đính kèm cùng tác phẩm Đại nam cương giới vựng biên gồm 7 quyển do Thị lang Bộ Lại Hoàng Hữu Xứng chủ trì biên soạn theo đề nghị của Toàn quyền Paul Bert, hoàn thành vào năm 1887.

 

Dựa vào tấm bản đồ này có thể thấy cương vực nước ta thời ấy rất rộng lớn. Nước Chân Lạp cũ (Campuchia) là trấn Tây Thành thuộc Việt Nam và chưa có nước Ai Lao. Do vậy, trước kia người Pháp còn gọi lãnh thổ nước ta là Đông Dương thuộc An Nam (Indochine Annamite); sau khi chiếm toàn bộ nước ta, họ mới đổi thành Đông Dương thuộc Pháp (Indochine Francaise) và tự phân định thành 3 nước như hiện nay.

 

Đó là tác phẩm mới nhất, tấm bản đồ cổ gần nhất mà ông nghiên cứu. Không phải là tấm cuối cùng, càng không phải là tấm đầu tiên. Cả cuộc đời ông tính ra đã nghiền ngẫm cũng phải hàng vạn tấm bản đồ. Hiện riêng lượng bản đồ cổ mà ông sưu tập cũng đã đến 3.000 chiếc. Ngoài ra ông còn cả một tập 16.000 bản đồ địa chính của 16.000 thôn xã từ thời nhà Nguyễn. 

 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu tâm sự: “Có nghiên cứu bản đồ, địa bạ mới biết được lãnh thổ nước mình rộng lớn thế nào, con người Việt Nam ta phát triển ra sao”.

 

Nhiều điều nuối tiếc…

 

Để có được bộ sưu tập 3.000 tấm bản đồ cổ về Việt Nam, ông đã dành dụm tất cả thời gian rãnh rỗi đi truy tầm. Những khi có công tác ở nước ngoài, ông cũng dành thời gian lang thang ở các hiệu sách cổ, các thư viện để tìm kiếm. Khi thấy có bản đồ hay, ông đều xin phép photo lại hoặc mua về để nghiên cứu.

 

Nhờ vậy, ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã có bộ sưu tập đầy đủ về những tấm bản đồ Việt Nam do người Việt, người Trung Quốc, người Châu Âu, Châu Mỹ và cả Ai Cập… vẽ. Trong số đó, rất nhiều bản đồ chứng minh quyền sở hữu của nước ta đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. 

 

Tại thời điểm đó, ông đã xin phép công bố những nghiên cứu trên để chứng tỏ chủ quyền nước ta đối với hai quần đảo trên nhưng gặp nhiều trở ngại. Ông nuối tiếc: “Đến nay, khi đất nước đã mở cửa, nhà nước ta mở rộng cho các giới bày tỏ, chứng minh hoàng Sa, Trường Sa là của chúng ta thì tôi đã già, không còn đủ sức để nghiên cứu thêm và công bố rộng rãi những nghiên cứu ấy được nữa”.

 

Tính ra, công trình lớn nhất của ông chính là bộ sách nghiên cứu địa bạ các tỉnh triều Nguyễn. Ông kể, kho tài liệu gồm 16.000 quyển địa bạ triều Nguyễn được chuyển từ Đà Lạt về Dinh Độc Lập (Hội trường Thống Nhất ngày nay) vào tháng 3/1975, sang tháng 4/1975 thì giải phóng. Sau đó, ông có liên hệ với ông Trần Văn Giàu và Trần Bạch Đằng xin được nghiên cứu nguồn sử liệu quý giá này.

 
Niềm an ủi cuối đời của nhà nghiên cứu lãnh thổ quốc gia - 2
Nghiên cứu bản đồ, địa bạ là công việc mà ông đeo đuổi cả đời.
 

Được chấp thuận, ông đã dày công nghiên cứu kho tài liệu đồ sộ này suốt hơn 30 năm. Ông phải vừa dịch từ chữ Hán Nôm sang chữ quốc ngữ, vừa phải chuyển đổi tất cả các giá trị đo lường cũ sang hệ mét. Và từ đó, ông thống kê chi li theo từng tỉnh, từng vùng; theo giới, theo độ tuổi người sở hữu ruộng đất; theo từng loại đất… để hiểu hơn bối cảnh xã hội nước ta thời Nguyễn và cho ra đời hàng chục quyển sách.

 

Để hiểu hết công sức nghiên cứu của ông, chúng ta có thể tưởng tượng: 16.000 quyển địa bạ ấy đặt sát nhau trên kệ thì chiếc kệ ấy dài 100m, nếu trải dài từng tờ sát nhau thì nó dài 300 km. Ông đã phải mày mò nghiên cứu hết chừng ấy dữ liệu, trong khi bắt đầu nghiên cứu công trình này thì ông cũng đã qua tuổi 55.

 

Tuy nhiên, ông cũng nuối tiếc nhiều vì chưa hoàn tất được công trình này. Ông cho biết: “Tôi chỉ mới hoàn tất được khu vực phía Nam. Còn phía Bắc thì chỉ mới nghiên cứu xong Hà Nội và vài phủ lân cận. Nhưng đến năm 1993 thì kho tài liệu địa bạ triều Nguyễn này đã bị chuyển ra Hà Nội và xếp xó từ đó đến nay”.

 

Dù tất cả tài liệu đã được ông dịch và sao chép lại. Nhưng với một nhà khoa học nghiêm túc như ông, ông không thể cho ra những tác phẩm mà sau khi hoàn tất, không có bản chính để điều tra, đối chứng lại. Vì tính ông rất tỉ mỉ và sợ sai sót. Do vậy, đây là công trình lớn nhất mà cũng là niềm nuối tiếc lớn nhất đời ông.

 

Chậm rãi, ông tâm sự: “Quỹ văn hóa Phan Chu Trinh là một Quỹ văn hóa ủng hộ sự tiến bộ, do bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam), cháu gái cụ Phan thành lập nên. Đến cái tuổi 90 như tôi mà được Quỹ trao cho Giải thưởng Nghiên cứu như một sự công nhận về thành tựu suốt đời thì tôi thấy rất vinh dự. Đó là niềm an ủi cuối đời dành cho tôi”.

 

Tùng Nguyên