1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những văn bản có hiệu lực…. “trên trời”

Hết chuyện ghi tên cha mẹ trong chứng minh nhân dân mẫu mới, chuyện cấm nghe điện thoại ở cây xăng, chuyện phạt xe chính chủ, chuyện thực phẩm không được để quá 8 tiếng đồng hồ…, nay lại đến chuyện “cấm” để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài...

Những chuyện này làm dư luận nhiều phen "phát hoảng" vì …tính thực tế của văn bản dường như đang ở trên trời.

Mấy người bị phạt vì… nghe điện thoại ở cây xăng?

Câu hỏi xem ra khó có câu trả lời vì chưa có bất cứ thống kê nào về việc này tuy nhiên, điều chắc chắn là vô cùng ít ỏi, thậm chí nhiều thành phố lớn, nơi vi phạm xảy ra hàng ngày, hàng giờ… cũng chưa từng xử phạt với một trường hợp nào.

Những văn bản có hiệu lực…. “trên trời”
Không có chế tài gì để buộc người vi phạm phải nộp số tiền 5 triệu đồng vì người xử phạt không có quyền giữ xe hay giấy tờ vi phạm

Quy định phạt 5 triệu đồng nếu sử dụng điện thoại ở cây xăng thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận từ hồi đầu tháng 8/2012 khi Nghị định 52 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy có hiệu lực.

Thực ra, không phải đến khi Nghị định 52 được ban hành thì mới cấm, trước nay người ta vẫn chăng biển cấm nghe điện thoại hay cấm hút thuốc ngay tại các cây xăng. Nhưng, quan trọng là việc nghe điện thoại có thể gây cháy nổ như thế nào thì chưa có những kết luận chắc chắn khiến dư luận “bán tin bán nghi”. Có lẽ cũng chưa có vụ cháy nổ nào xảy ra vì nghe điện thoại nên người dân vẫn nghe “vô tư” dù biết có thể bị phạt tới 5 triệu đồng.

Quy định như vậy, nhưng thực tế người có thẩm quyền vẫn chẳng phạt được ai bởi lẽ họ không có lực lượng (muốn phạt phải túc trực ở hiện trường, phải “bắt tận tay, day tận mặt”, trong khi vi phạm diễn ra rất nhanh và không để lại dấu vết).

Hoặc, nếu “bất đắc dĩ” có phạt đi nữa thì cũng không có chế tài gì để buộc người vi phạm phải nộp số tiền 5 triệu đồng vì người xử phạt không có quyền giữ xe hay giấy tờ vi phạm. Thế nên, theo nhiều lãnh đạo ngành cảnh sát phòng cháy chữa cháy thì “quy định phạt cao như vậy để giáo dục ý thức, phòng ngừa vi phạm” và giải pháp trước mắt “vẫn tuyên truyền là chủ yếu”.

Bán thịt sao chỉ trong 8 tiếng đồng hồ?

Thông tư 33 của Bộ NN&PTNT cũng ban hành trong thời điểm tháng 8/2012 có quy định “Thịt và phụ phẩm bảo quản ở nhiệt độ bình thường chỉ được bày bán trong vòng 8 giờ kể từ khi giết mổ…”. Quy định này cũng gây tranh cãi trong dư luận bởi tính không khả thi và vấn đề khó kiểm soát được chất lượng thịt bày bán sau khi giết mổ.

Thực tế, việc siết chặt quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm cách nào nhận biết thịt đang bày bán còn trong thời gian 8 giờ kể từ khi giết mổ, có kiểm soát, quản lý được chất lượng thịt của các hàng quán vào buổi tối… vẫn còn là thắc mắc của nhiều người dân. Nhiều tiểu thương cho biết, họ không hiểu sao cơ quan quản lý lại đưa ra một quy định như vậy.

Thực tế hiện nay, sau khi giết mổ, thịt lợn tiêu thụ nhiều khi không thể hết trong một buổi. Số còn thừa, người đi chợ thường cất vào tủ lạnh, để chiều bán tiếp. Các tiểu thương cho rằng nếu thực hiện đúng yêu cầu của cơ quan quản lý, người kinh doanh phải thay đổi quy trình lấy hàng, các lò giết mổ cũng phải chia làm hai lần, một lần vào sáng sớm để bán buổi sáng, một lần vào trưa để bán buổi chiều. Mà việc này rất khó, đòi hỏi mất thời gian và tốn kém. Hơn nữa, nếu bán thịt quá 8 tiếng, ai sẽ là người xử lý, và phải làm thế nào để biết thịt đó đã ở chợ bao lâu?

Phạt xe không chính chủ: lỗi là hiểu không đúng?

Trong khi chuyện về nghe điện thoại ở cây xăng bị phạt 5 triệu, thịt bán trong 8 tiếng… chưa kịp lắng dịu thì hồi tiếp đến chuyện phạt xe không chính chủ cũng lại gây ồn ào dư luận. Những người tham gia giao thông cũng hoang mang vì bản thân mình đang sử dụng những chiếc xe mang tên người khác.Hiện nay, ở nước ta, tình trạng đi xe không chính chủ rất phổ biến, ước tính có đến khoảng 40% người tham gia giao thông, mà chủ yếu tình trạng không sang tên đổi chủ rơi vào xe máy, loại phương tiện nhiều nhất ở Việt Nam hiện nay.

Từ trước đến nay, việc lưu hành xe không chính chủ cũng là chuyện hết sức bình thường, thậm chí khi người tham gia giao thông mắc lỗi, bị cảnh sát giao thông tuýt còi thì lỗi không chính chủ cũng dễ dàng được bỏ qua. Tuy nhiên, kể từ ngày 10/11 (khi Nghị định 71/CP sửa đổi Nghị định 34/CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ) có hiệu lực thì việc phạt đi xe không chính chủ ở mức rất cao mới làm cho dư luận đặc biệt quan tâm.

Trước những phản ứng của dư luận, Bộ Công an đã xây dựng một thông tư về vấn đề này, trong đó có những quy định thuận lợi hơn cho người dân khi sang tên đổi chủ cho phương tiện. kể cả phương án giảm phí trước bạ cũng được tính đến.

Vấn đề xe chính chủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng thừa nhận “quản lý được xe chính chủ thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng khi thực hiện quy định thì cơ quan tổ chức thực hiện không đúng bản chất của quy định dẫn đến việc lực lượng thi hành hiểu không đúng, nên truy người đang điều khiển phương tiện có phải là chính chủ không. Điều này là không đúng bản chất của nghị định và cũng không đúng bản chất của luật.

Chính vì thế, Chính phủ đã giao Bộ Công an nghiên cứu ban hành thông tư để đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Trong khi thông tư chưa ban hành thì lực lượng cảnh sát giao thông không được xử lý hành vi  đi xe không chính chủ…”

Sao cấm để ô kính trên nắp quan tài?

Đây là quy định gây nhiều tranh cãi về tính khả thi, sự “kỳ quặc” của nó ngay sau khi Nghị định 105/CP về tổ chức lễ tang cán bộ, công chức, viên chức được công bố.

Theo quy định của Nghị định này, “linh cữu người từ trần quàn tại nhà tang lễ hoặc tại gia đình không để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài”.

Tại buổi họp báo công bố Nghị định, theo đại diện của Bộ VH-TT&DL có ba lý do để đưa ra quy định nói trên, trong đó có lý do tránh việc nhìn vào thi thể có thể đã để mấy ngày sẽ làm ảnh hưởng môi trường, sức khỏe người dự tang lễ. Các lý do này bị dư luận cực lực phản đối vì nó thiếu tính khả thi, vì không nên dùng biện pháp hành chính để cấm đoán một hành vi văn hóa mang tính truyền thống trong khi nó chẳng ảnh hưởng đến ai.

Hơn nữa việc quy định quá cụ thể như vậy là không thiết thực, là “thừa thãi”. Cùng với quy định cấm để ô cửa có lắp kính trên nắp quan tài, nhiều quy định cấm khác của Nghị định như không rắc vàng mã, không đốt đồ mã tại nơi an táng, quy định cụ thể số vòng hoa…cũng bị dư luận phản ứng vì dù có quy định nhưng không có chế tài xử lý, hoặc không thể xử lý vì những yếu tố tâm linh…

Vấn đề nói trên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Tư pháp về những vấn đề “cần bàn về tính hợp lý và tính khả thi”.

Như vậy, chỉ trong một thời gian, hàng loạt những quy định bị dư luận chỉ trích nặng nề về tính khả thi của nó trong đời sống. Ai cũng biết, một chính sách mới ban hành bao giờ cũng có hai mặt, được và chưa được. Tuy nhiên, vấn đề là cần phải đầu tư, quan tâm nhiều hơn cho khâu “gác cửa” văn bản (thẩm định).

Quan trọng hơn, khi triển khai thấy có bất cập thì cần phải thẳng thắn nhìn nhận tiếp thu và chỉnh sửa. Nói như Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, “có nhiều vấn đề khi quy định chi tiết chưa được xã hội đồng tình thì cần tuyên truyền thuyết phục. Nhưng các cơ quan của Chính phủ cũng cần căn cứ vào ý kiến phản hồi của nhân dân để xem xét nghiêm túc văn bản ban hành ra có đúng không. Nếu đúng để tuyên truyền thực hiện, nếu sai thì sửa; nếu chưa đủ cụ thể thì phải hướng dẫn; nếu tổ chức thực hiện sai thì phải nhận và điều chỉnh lại cho đúng”.

Theo Thu Hằng

PLTPHCM