1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Những trò phá giời của con nhà giàu đất Sài Gòn

Qua cả thế kỷ rồi cái thời Bạch công tử xứ Bạc Liêu huy động tá điền san bằng hàng chục héc-ta ruộng để làm chỗ cho máy bay đáp sau khi chở đào đi chơi về, hay như Hắc công tử mang bạc cắc cho người đẹp chọi cá chép dưới ao...

Nhưng, cái chuyện công tử ném tiền mua một trận cười đâu chỉ xuất hiện vào những năm đầu thế kỷ XX?

 

Công tử chạm mặt với công tử

 

“Công tử phố núi” nổi danh từ rất sớm, năm học lớp 12, công tử đã tự lái xe hơi đi học khiến cả trường phát hoảng. Thời điểm ấy, nhà có xe hơi tại phố núi chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

Công tử phố núi mê nhất là tốc độ, thế nên, không ngày nào đường phố thiếu những pha xiếc ngoạn mục thời mà công tử còn ở Việt Nam. Rồi công tử phố núi đi Tây học, đám dân chơi phố núi không có thủ lĩnh, mạnh ai nấy chơi một thời gian rồi cũng tự lánh nhau ra. Thỉnh thoảng công tử về nước, tụ tập vài thằng bạn đua xe cho vui, chỉ vui thôi chứ không cá độ vì thời điểm này, không có chiếc xe hơi nào ở phố núi có thể đọ được với dàn xe hầm hố của công tử. Có chuyện dân chơi đồn với nhau rằng, công tử phố núi sinh năm Nhâm Tuất (1982). Có thể để lấy hên, nên bất cứ khi nào, trong xe hơi của công tử phố núi cũng có… một con chó nhỏ như là vật phò mạng!

 

Khi mới sang Tây, đầu tiên công tử phố núi học ở Mỹ, sau chuyển sang học ở Canada, công tử chơi tài mà nhiều quá nên “rớt” sang Úc và cuối cùng về Việt Nam hẳn. Sau vài năm đi Tây về lại Việt Nam, công tử phố núi đã nhanh chóng leo lên trở thành “ngôi sao sáng” trong giới ăn chơi Việt.

 

Một lần, công tử lái chiếc ôtô thể thao hai cửa đến vũ trường ở quận 1 uống rượu thì vô tình chạm phải chiếc ôtô thể thao cũng loại 2 cửa khác đậu kế bên. Mất cả hứng thú, công tử phố núi yêu cầu đám bạn đi chung với mình điệu cho bằng được “cái thằng đi xe như tao” ra khỏi vũ trường để phân tài cao thấp, phân xe mạnh yếu trên xa lộ Điện Biên Phủ.

 

Không may cho công tử phố núi, kẻ sở hữu chiếc xe ôtô thể thao ấy lại là một công tử Sài Gòn. Sài Gòn có bốn công tử, thì đây là công tử mê xe hơi nhất, nhưng không mê tốc độ được giới công tử đặt cho biệt danh là “công tử ôtô”. Ba công tử còn lại chủ yếu thích… gái đẹp. Câu đầu tiên mà công tử Sài Gòn nói với công tử phố núi là “Thằng trên rừng xuống, muốn gì mày?”. Công tử phố núi không đáp, chỉ tay vào chiếc xe và nói “Của mày hả? Đua cho vui”. Dĩ nhiên, công tử Sài Gòn không thể nào làm ngơ trước cái kiểu “bố láo” ấy của một thằng “mới ở Tây về”.

 

Cuộc đua này về sau gây ầm ĩ trong dư luận thành phố khi cả hai công tử đều bị lực lượng Công an tóm vì vi phạm trật tự giao thông. Sau cái đận thách đố bất thành ấy, công tử Sài Gòn tuyên bố sẽ không “đội trời chung” với công tử phố núi. Và, hàng loạt cuộc “thư hùng” với vũ khí là dollar được hai công tử liên tục tung ra để “đồ sát” nhau.

 

Công tử Sài Gòn vốn là con đầu trong một gia đình kinh doanh ở TP HCM. Có thời điểm, hầu như tất cả các công trình xây dựng trên toàn miền Nam đều là khách hàng của gia đình công tử. Toàn bộ bảo bối trong game online Võ Lâm Truyền Kỳ của công tử Sài Gòn có giá vài tỉ đồng. Không nhân vật nào trong game khi công tử thấy ghét mà không thể đồ sát được. Trước đó, có ca sĩ cũng thuộc dạng tiếng tăm, đánh tiếng muốn mua lại của công tử cây bổng giá hơn 700 triệu đồng. Công tử nghe lời đề nghị xong cười bảo: “Ông rảnh không? Rảnh thì tối kiếm chỗ nào khuất gió, đốt đôla sưởi ấm với tui cho vui, chứ nói chuyện tiền bạc với tui làm gì?”. Nghe xong lời đề nghị ngược của công tử Sài Gòn, ca sĩ tiếng tăm lặn một hơi không sủi tăm.

 

Từ cái đận đua xe bất thành ấy, công tử phố núi và công tử Sài Gòn trở nên hằm hè nhau trong mọi chuyện. Vào vũ trường, công tử phố núi gọi chai rượu giá dăm triệu, thì công tử Sài Gòn bĩu môi, gọi chai đắt hơn để… lau giày. Chạm nhau ở quán ăn khuya trên đường Nguyễn Trãi, vừa nhác thấy bóng công tử Sài Gòn, công tử phố núi lập tức bao hết các bàn trống để công tử Sài Gòn lâm vào thế đi ra thì mất mặt, đi vào thì chỉ biết… cãi nhau với nhân viên. Cứ như là mối thù bất cộng đới thiên.

 

Thiếu gia đốt tiền

 

Con nhà giàu có điều kiện kinh tế hơn những nhà bình thường khác, có tiền sẽ sinh tật nếu không được giáo dục, chỉ dạy đúng, đủ về nhân cách. Các bậc phụ huynh cần uốn nắn ngay từ nhỏ, can thiệp từ rất sớm, chứ để măng đã thành tre thì khó uốn nắn, khắc phục hậu quả gây ra thì đau đầu lắm.

 

(Bà Phạm Nguyễn Hiếu Thảo - Chuyên viên Xã hội học - Chi hội trưởng Hội quán các bà mẹ tại TPHCM)  

Thiếu gia quận 1 này ngay từ thời học THPT đã bắt đầu hít hêrôin. Ban đầu vào vũ trường hít cho sành điệu, sau dần nghiện nặng. Đỉnh điểm là có lần, mẹ của thiếu gia đột ngột mở cửa phòng của con trai và phát hiện thiếu gia đăng nằm “đơ như cây cơ” vì phê thuốc. Khỏi phải bàn sự hoảng hốt của bà mẹ thiếu gia ở thời điểm đó, nhưng làm lớn chuyện thì lại sợ thiếu gia… giận. Vậy là bà âm thầm cho thiếu gia tiền để hít, cho ít thì sợ thiếu gia có thể dính vào phạm pháp để thỏa mãn cơn nghiện, đành phải cho nhiều. Được thoải mái hít, thiếu gia càng hít bạo. Thiếu gia hít đến mức cuối cùng bà mẹ buộc phải đưa con vào trại cai nghiện để thiếu gia khỏi… chết bất đắc kỳ tử.

 

Lần anh bạn tôi vào trại cai nghiện để làm công tác điều tra, gặp được bà mẹ của thiếu gia quận 1 này. Bà nói trong nước mắt vắn dài: “Nói thiệt với chú, nếu nó có hít hết mức thì tui cũng đủ tiền cho nó chơi. Tui tính rồi, nó hít nhiều lắm mỗi năm chừng 50 nghìn USD là cùng, nhưng mà cái đám hít này nghe nói khó sống quá 10 năm kể từ ngày chơi lắm. Vậy là nếu nó hít đến chết thì tui chỉ tốn khoảng 500 nghìn USD chứ mấy? Nhưng mà tui có mỗi mình nó, mất 500 nghìn USD không tiếc, chứ nó mà chết rồi chắc tui chết theo. Buộc phải cho nó đi cai nghiện thôi, chú ạ”.

 

Một thiếu gia khác là con chủ tiệm vàng lớn tại khu vực Bình Chánh. Thiếu gia này ngay từ lớp 11 đã khiến bạn bè hết sức ngưỡng mộ vì dám cắm chiếc Camry của bố lấy 10 nghìn USD ném vào một trận cá độ đá banh. Tốt nghiệp THPT, bố mẹ thiếu gia lập tức tống ông con sang Singapore du học. Đừng tưởng là thiếu gia không có tiền nên đi học ở Đông Nam Á, bố thiếu gia từng “thề” với bạn bè rằng: “Cung trăng mà đi du học được, tao cũng đủ tiền cho con tao đi. Nhưng cho đi học gần để dễ quản lý nó hơn”. Ngày thiếu gia xuất ngoại tầm sư học đạo, ngoài một đống tiền trong tài khoản lẫn tiền trong ví để dành cho thiếu gia tiêu vặt trên xứ người, mẹ của thiếu gia còn cẩn thận ấn vào tay cái nhẫn hột xoàn có giá “chỉ khoảng” 20 nghìn USD để: “Ở bên đó có thiếu thốn gì mà mẹ chưa kịp gửi tiền qua, thì con cứ cầm tạm mà xài”.

 

Ở xứ người, không chịu sự quản lý của bất kỳ ai (mà có thể, nếu có ai thì cũng chưa chắc quản lý thiếu gia được) thiếu gia bắt đầu lao vào những cuộc ăn chơi khiến giới du học sinh tại khu Tai Thong – một trong những khu vực đông du học sinh Việt Nam sinh sống cái thời mới bắt đầu có cuộc đua du học – nhiều phen phải “xanh mặt” vì… kính phục.

 

Ở khu Tai Thong thời đó chỉ có mỗi quán 79 là quán bar do người Việt bán, tiếng Anh của thiếu gia kém, nên thiếu gia chỉ chọn quán này để làm địa điểm đóng đô. Thiếu gia là khách VIP của quán, thay vì tính tiền rượu tại quán, chủ bar ưu ái mỗi tháng gửi hóa đơn tính tiền cho thiếu gia một lần. Tháng nào tiền hóa đơn cho chẵn 30 ngày uống rượu của thiếu gia là 10 nghìn dollar Singapore thì cũng… chẳng có gì làm lớn chuyện lắm. Chuyện cứ như đùa, có lần ba của thiếu gia sang thăm thiếu gia, thấy phụ huynh sang mà mình lại không biết tiếng Anh thì khả năng bị cúp “đạn” là chắn chắn. Thiếu gia bèn mướn một cô bạn gái cùng lớp, giới thiệu là bạn gái. Cô bạn gái này có nhiệm vụ mỗi khi phụ huynh của thiếu gia đi đâu là luôn kèm sát để… phiên dịch. Cái giá của mỗi ngày “nhờ” này là 200 đôla Singapore. So với tiền rượu của mình, thì thiếu gia vẫn… lời chán.

 

Chuyện rượu của thiếu gia Bình Chánh cũng chẳng thấm vào đâu so với thiếu gia quận 3. Thiếu gia quận 3 là con một, ngày thiếu gia sang Thái Lan du học, mẹ thiếu gia khóc hết nước mắt. Thương con, nhưng để ở nhà thì sợ quản không nổi, mà cho đi học xa cũng lo không xong. Cuối cùng, mẹ thiếu gia quận 3 quyết định mỗi dịp cuối tuần, thiếu gia phải bay từ Thái Lan về Việt Nam “trình diện” mẹ. Và cứ chiều Chủ nhật thì bay sang Thái lại. Đều đặn, tuần nào cũng thế. Thiếu gia quận 3 không uống rượu, thiếu gia chỉ thích xài đồ hiệu. Cái cặp để thiếu gia đeo lơn tơn đi học ngoại ngữ ở Thái giá cũng hơn 2 nghìn 500USD. Toàn bộ phục trang của thiếu gia, tính từ mắt kính xuống đến giày, không dưới 10 nghìn.

 

Ở Thái được hơn năm, chắc chán cái cảnh ngồi máy bay mỗi tuần, thiếu gia nằng nặc đòi về Việt Nam. Thiếu gia đòi rất quyết liệt, đòi sống đòi chết. Mẹ của thiếu gia đến mức này đành phải xuống nước cho thiếu gia về. Về nước hôm trước, hôm sau thiếu gia tuyên bố với đám bạn: “Tao sẽ làm ca sĩ”. Nói là làm, thiếu gia yêu cầu mẹ rải tiền mời các nhạc sĩ đến luyện giọng cho mình. Khi mà mẹ thiếu gia đã tốn một đống tiền để thiếu gia nuôi giấc mộng ca hát, thì cũng là lúc thiếu gia phát hiện mình không có năng khiếu ca hát.

 

Thiếu gia chấp nhận làm kẻ thất bại trên sân khấu, bà mẹ chưa kịp mừng vì cái tin vui này thì thiếu gia tuyên bố tiếp: “Trước khi chia tay sự nghiệp cầm micro, con muốn làm một live show”. Làm một live show ca nhạc, tiền thì có thể bỏ ra, nhưng với giọng ca như thiếu gia thì đào đâu ra khán giả? Cuối cùng, mẹ của thiếu gia đành chiều con theo cách, bao một phòng trà ca nhạc, cho thiếu gia mời bạn bè đến tham gia, uống rượu và thưởng thức giọng hát của thiếu gia cả một đêm. Có mấy tay “không biết thưởng thức nghệ thuật” muốn bỏ về nửa chừng, mẹ thiếu gia phải cho người giữ lại bằng cách bỏ tiền ra thuê những kẻ “không am hiểu âm nhạc” ấy ở lại nghe đến khi kết thúc chương trình. Nghe đâu, đêm chia tay sự nghiệp ca hát ấy, mẹ của thiếu gia tốn gần cả tỉ đồng.

Trận rượu da người

 

Thiếu gia khác có bố là dân bất động sản có tiếng ở quận 10, đang học đại học thì thiếu gia tuyên bố: “Học cũng chỉ để sau này đi kiếm tiền. Mà tiền nhà mình không thiếu”. Vậy là thiếu gia nghỉ học. Suốt ngày thiếu gia chủ yếu tụ tập bạn bè đi bar uống rượu, đi bar càng khuya chơi càng vui. Mẹ thiếu gia cáu lắm, quyết định tân trang tầng trệt của căn biệt thự thành một quầy bar để thiếu gia chơi tại nhà. Nhà có quầy bar, thiếu gia không được đi đêm nữa, rất chán. Nghe thằng bạn cùng hội chỉ cách, thiếu gia tổ chức một show sex kiểu như bên Thái hay tổ chức cho khách du lịch xem. Bà mẹ chứng kiến show sex này của một đám “nửa người nửa ngợm” hoảng quá bèn cấm cửa bạn bè thiếu gia đến quầy bar gia đình chơi nữa. Thiếu bạn thì buồn, thiếu gia lại tiếp tục đi vũ trường như trước.

 

Một lần ở bar, thiếu gia quận 10 chạm mặt một thiếu gia mới nổi khác. Đã là thiếu gia thì không ưa nhau, thiếu gia quận 10 tìm mọi cách làm đối thủ bẽ mặt. Không để ý gì đến vài cái chuyện vặt ấy, thiếu gia mới nổi sang bàn của thiếu gia quận 10 hỏi khẽ: “Uống rượu da không?”.

 

Uống rượu da là cách gọi của các thiếu gia mỗi khi ngứa mắt với ai đó. Cách đánh đố này đại loại là hai thiếu gia sẽ chọn vài em xinh như mộng trong quầy bar, thiếu gia nào nhấc điện thoại điều được ca sĩ hoặc người mẫu đến càng chứng tỏ đẳng cấp. Sau khi tuyển được “đối tác”, hai thiếu gia sẽ từ từ dùng rượu (dĩ nhiên là loại càng đắt tiền càng tốt) rưới lên vùng da của các “đối tác” và… liếm. Thiếu gia nào say trước thì coi như thiếu gia đó thua. Mà khi đã thua, ngoài chuyện phải trả tiền rượu, thì cách tốt nhất đừng đến quán bar hay vũ trường đó nữa kẻo không lại bị “bọn xấu nó cười cho”.

 

Cái lần ấy thiếu gia quận 10 và thiếu gia mới nổi uống bất phân thắng bại, uống từ khuya đến tờ mờ sáng. Đến khi hoá đơn tiền rượu lẫn tiền dành cho “đối tác” lên đến vài nghìn USD cho mỗi thiếu gia thì cuộc chơi mới bắt đầu hạ nhiệt. Cả hai thanh toán tiền và hẹn đêm sau đấu tiếp. Nhưng, có lẽ thiếu gia mới nổi sau một ngày suy nghĩ, đã hối mà không quay lại như đã hẹn.

 

Từ đó, quầy bar vắng bặt thiếu gia mới nổi.

 

Theo Phan Anh Quang

 Năng lượng mới

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm