Những trăn trở về môi trường của người duy nhất nhận Giải Đặc biệt Nhân tài Đất Việt
(Dân trí) - Say mê kinh doanh nhưng khát vọng xây dựng mô hình bảo vệ môi trường còn lớn hơn. Là tác giả của 7 đầu sách viết về đề tài này đồng thời cũng là thí sinh được trao Giải thưởng Nhân tài đất Việt về Môi trường năm 2014. Đó là đôi nét về doanh nhân Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Shinec – Chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền.
Nhân ngày môi trường Thế giới (05/06), PV Dân trí đã có cuộc trò chuyện với doanh nhân yêu môi trường này.
- Khu công nghiệp thường được coi là “thủ phạm” gây ô nhiễm môi trường. Là doanh nghệp với khu công nghiệp hàng trăm ha, tại sao ông lại “đi ngược”, xây dựng khu công nghiệp xanh?
- Quan niệm nhà máy, xí nghiệp của các khu công nghiệp là "thủ phạm" gây ô nhiễm môi trường là không sai. Thực tế cho thấy, nhiều nhà máy, khu công nghiệp hàng ngày thải ra một khối lượng khổng lồ chất thải công nghiệp đủ mọi hình thức như chất thải rắn, chất thải lỏng, chất thải khí… Và chính vì ý thức về điều đó nên chúng tôi quyết tâm xây dựng một khu công nghiệp xanh – Khu công nghiệp sinh thái với hình thức Kinh tế tuần hoàn…
- Cụ thể mô hình khu công nghiệp xanh - Khu công nghiệp sinh thái (KCNST) đó là gì? Tại sao lại “Kinh tế tuần hoàn”?
- Tôi được biết trên thế giới người ta định nghĩa KCNST là tập hợp các cơ sở sản xuất và dịch vụ tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường và hiệu quả kinh tế bằng cách phối hợp quản lý môi trường và tài nguyên.
Bằng cách làm này, các nhà máy trong cùng KCNST sẽ thu được những lợi ích chung lớn hơn nhiều so với tổng lợi ích mà từng nhà máy đạt được khi tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của riêng cơ sở mình. Mục tiêu của KCNST là cải thiện hiệu quả kinh tế của tất cả các nhà máy tham gia vào KCNST đồng thời giảm thiểu các tác động của chúng đến môi trường.
Để thực hiện điều này, cần có mô hình thiết kế mới của các nhà máy trong KCN với mục đích ngăn ngừa ô nhiễm, sử dụng năng lượng một cách có hiệu quả và hợp tác cộng sinh giữa các nhà máy. Bằng cách làm như vậy các nhà máy trong KCN sẽ trở thành “Hệ sinh thái Công nghiệp”.
- Cụ thể Khu công nghiệp nam Cầu Kiền của ông, mô hình hoạt động như thế nào?
- Ở đây mô hình hợp tác cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong KCNST mà KCN Nam Cầu Kiền đang hướng tới, đó là trao đổi các sản phẩm phụ; tái sinh, tái chế, tái sử dụng sản phẩm phụ tại nhà máy này với các nhà máy khác và theo hướng bảo toàn tài nguyên thiên nhiên; các nhà máy hướng tới sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường (sản phẩm sạch); xử lý chất thải tập trung. Như vậy, hiểu một cách đơn giản “tự sản, tự tiêu” là chất thải của doanh nghiệp này sẽ là nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp khác trong “Hệ sinh thái công nghiệp cộng sinh”.
- Các nhà đầu tư có phản ứng gì về những quy định có phần khắt khe của ông?
- Đối với KCN Nam Cầu Kiền chúng tôi, việc lựa chọn các doanh nghiệp đầu tư ngay từ đầu vào cũng có nhiều khắt khe, doanh nghiệp phải đảm bảo đủ các yếu tố về Quy hoạch vùng, quy hoạch ngành mà KCN đã được các cơ quan quản lý nhà nước phê duyệt và đặc biệt phải đảm bảo đủ điều kiện đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt về xử lý môi trường.
KCN Nam Cầu Kiền có bộ Nội quy quy định các yêu cầu về xử lý chất thải, nước thải, khí thải... để đảm bảo các doanh nghiệp phát triển không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn đảm bảo an sinh xã hội và phát triển phải bền vững.
Các doanh nghiệp khi mới tìm hiểu về KCN Nam Cầu Kiền đều đắn đo nhiều về các quy định nghiêm ngặt trong phát triển đảm bảo yếu tố môi trường cao, song khi hiểu ra được lợi ích của doanh nghiệp mình trong “Hệ sinh thái công nghiệp cộng sinh” thì họ đều tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các nguyên tắc, quy định về môi trường để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.
- Được biết đến nay, ông đã xuất bản 7 cuốn sách về môi trường. Cụ thể đó là những cuốn gì và nó đã được cộng đồng đón nhận ra sao?
- Đối với các nhà khoa học, viết sách là để truyền thụ lại các kiến thức, công trình nghiên cứu còn là doanh nhân, tôi chỉ viết về những cái gì mình đã, đang và sẽ làm trong thực tế. Khi làm tôi thấy các vấn đề đấy đúng, hiệu quả thiết thực trong phát triển kinh tế bền vững và trải nghiệm thực tế đã giúp tôi đúc kết các kinh nghiệm, bài học hiệu quả... nên tôi đã mạnh dạn viết lại thành sách, mong đóng góp ý kiến nhỏ của mình để cùng cộng đồng chung tay vào bảo vệ môi trường, bảo vệ các thành quả mà mình đã xây dựng cho con cháu muôn đời sau.
Từ năm 2008 đến nay, tôi đã cho xuất bản 7 cuốn sách về môi trường. Đặc biệt trong đó là các cuốn “Sáng tạo trong môi trường bền vững - 2009”; “Môi trường với sự sống - 2017” và năm 2019 này là cuốn tái bản “Phạm Hồng Điệp với sáng tạo trong môi trường bền vững” được thực hiện bằng cả Tiếng Việt và Tiếng Anh...
Cuốn “Sáng tạo trong môi trường bền vững” đã được rất nhiều độc giả quan tâm đến lĩnh vực môi trường đón đọc còn cuốn “Môi trường với sự sống” thì độc giả không chỉ có các nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp, học sinh, sinh viên mà còn có các hộ nông dân, đặc biệt là các hộ nông dân trong khu vực sống xung quanh các Khu công nghiệp, từ cuốn sách các hộ nông dân mất đất nhìn nhận rõ hơn mục tiêu con đường phát triển cộng sinh với doanh nghiệp lấy đất – KCN để phát triển tiến bộ hơn, hiệu quả hơn và bền vững hơn.
- Những cuốn sách đó được bán ở đâu? Ông có sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các đồng nghiệp về ý tưởng bảo vệ môi trường này?
- Sách của Phạm Hồng Điệp không phải để bán và thu lợi về kinh tế mà chủ yếu dành cho những người cùng chí hướng, cùng đam mê về bảo vệ môi trường đọc, nghiên cứu để đưa ra các giải pháp tối ưu trong vấn đề bảo vệ môi trường của doanh nghiệp mình, đơn vị mình... và đặc biệt là của địa phương mình đang có khu công nghiệp.
Đối với tôi, việc cùng mọi người chung tay bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững là mục tiêu cốt lõi của doanh nhân, doanh nghiệp, vì vậy tôi rất sẵn lòng chia sẻ, hợp tác cùng bất kỳ cá nhân, tập thể nào quan tâm và cùng đam mê về môi trường như tôi.
- Giải thưởng Nhân tài Đất Việt có ý nghĩa như thế nào đối với cá nhân ông cũng như đối với Khu công nghiệp do ông là chủ đầu tư?
- Năm 2014, được sự động viên của các nhà khoa học của Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam, tôi có tham gia dự thi Giải thưởng “Nhân tài đất Việt” trong lĩnh vực Môi trường do Hội Khuyến học Việt Nam - báo Dân trí tổ chức. Trong năm này, tôi đã vinh dự được Ban tổ chức trao tặng giải Đặc biệt trong lĩnh vực môi trường dành cho nhà hoạt động môi trường xuất sắc nhất với Đề án “Xây dựng Khu dân cư xanh, làm sạch rác thải nông thôn”.
Thành tích này có ý nghĩa rất lớn đối với không chỉ cá nhân tôi, doanh nghiệp tôi mà cả KCN Nam Cầu Kiền do tôi làm chủ đầu tư. Giải thưởng Nhân tài đất Việt là nguồn động viên, khích lệ tích cực nhất giúp tôi tiếp tục trên con đường phát triển gắn với bảo vệ môi trường mà mình đã lựa chọn – Một lĩnh vực đầy chông gai, khó khăn cả về kinh tế, vật chất lẫn tinh thần.
- Lịch sử Nhân tài đất Việt qua 15 lần trao giải, ông là người duy nhất cho đến thời điểm này được nhận “Giải đặc biệt”. Ông nghĩ gì về vinh dự này?
- Tôi tham gia Giải Nhân tài đất Việt với mong muốn những vấn đề về môi trường mà tôi đang làm, đang áp dụng tại địa phương, tại doanh nghiệp của tôi được nhiều người biết đến.
Đâu đó tại vùng miền nào đó, KCN nào đó có cùng vấn đề về môi trường có thể chia sẻ, trao đổi thêm về biện pháp, hình thức mà đã được áp dụng thành công trong thực tiễn để doanh nghiệp mình, địa phương mình phát triển hơn mà không phải lo lắng về các vấn đề môi trường, cũng như có giải pháp tối ưu để bảo vệ môi trường.
Thông qua giải thưởng Nhân tài đất việt, tôi cũng mong muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình vì cộng đồng, vì xã hội, vì một ngôi nhà thế giới xanh – sạch – đẹp.
- Xin cảm ơn ông!
Bùi Hoàng Tám (thực hiện)