1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những trạm xá “vô gia cư”

11 năm rồi, chưa một người dân Bình Trị (Bình Sơn, Quảng Ngãi) nào có may mắn được nằm điều trị tại trạm xá; chưa một công dân tí hon nào được ra đời từ trạm xá. Cái được coi là trạm xá ở đây đang được “nhét” trong một ngôi nhà tình nghĩa 30m2 của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Năm 2007 là năm thứ 11 xã Bình Trị chưa có cơ sở hạ tầng y tế chính thống. Nơi chăm sóc sức khỏe cho 6.000 dân sở tại và 4.000 công nhân của Khu kinh tế Dung Quất này đặt tại ngôi nhà tình nghĩa 30m2 của một Bà mẹ Việt Nam anh hùng, kể từ năm 1996.

 

11 năm “vô gia cư”

 

Đến đây, vẫn thường gặp cảnh bệnh nhân đến cấp cứu không có ghế ngồi, phải ngồi bệt dưới đất (nếu còn sức) hoặc nằm “tạm” xuống nền nhà. Y sĩ Nguyễn Công Cảnh, trạm trưởng, bộc bạch: “Đến ngày 20 hàng tháng, ngày tiêm chủng trẻ em, khoảng 100 trẻ em và người lớn dồn lại, bà con phải tản ra khoảng sân nhỏ phía trước, rồi tràn cả ra đường”.

 

Chị Nguyễn Thị Thu là y sĩ sản khoa cho biết: Mỗi năm Bình Trị có khoảng 40 sản phụ lâm bồn, thế mà chị Thu đành chịu cảnh “thất nghiệp” vì cái trạm xá không có chỗ nào cho sản phụ nằm mà nhận họ vào.

 

Mỗi năm trạm tiếp nhận, cấp cứu, điều trị cho 1.000 bệnh nhân. Bệnh nhân dù nhẹ hay nặng, thương tích cỡ nào, đến trạm cũng chỉ được sơ cứu qua loa rồi cho chuyển viện. Cái dụng cụ được dùng đến nhiều nhất của trạm là cái... điện thoại để điện gọi xe cấp cứu, nói đúng hơn là gọi taxi, vì cả huyện Bình Sơn chỉ có một xe cấp cứu.

 

Trong danh mục trang thiết bị y tế dành cho trạm y tế xã (theo tiêu chuẩn của UNICEF) với tất cả 159 loại thiết bị thì Trạm y tế Bình Trị có được 63 cái. Trong đó có 14 cái không dùng, vì đây là thiết bị dành cho đỡ đẻ. Rồi có dụng cụ chưa dùng đã hỏng, có cái không phù hợp...

 

Ông Cảnh thừa nhận, sự thiếu thốn trang thiết bị y tế đã ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng thăm khám, điều trị của trạm. Mỗi năm Bình Trị có trung bình 30 ca bệnh tử vong (năm nhiều nhất đến 38 ca). Ông Cảnh nói rằng, nếu như có đầy đủ trang thiết bị y tế thì số bệnh nhân tử vong sẽ giảm đi rất nhiều.

 

Phụ nữ xã Bình Trị phản ứng gay gắt khi ai nói về trạm xá quê mình. Họ nói, chị em Bình Trị hầu hết là nông dân nghèo khổ, tiền đâu mà mỗi lần đẻ kêu taxi cả đi cả về tốn 400- 500.000 đồng. Đi ra bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh cái gì cũng tốn kém, phải mất thêm 1-2 người nhà đi theo chăm sóc...

 

Lọm khọm các “cụ” trạm xá

 

Ông Hoàng Đông Sơn, Trưởng phòng Y tế huyện Bình Sơn, ngao ngán cho biết: “Ở đây không riêng gì Bình Trị mà còn một loạt xã khác cũng chưa có trạm y tế chính thống”.

 

Bình Trị còn có cái nhà riêng để làm trạm, chứ như Bình Chương, bộ phận y tế tại đây phải “sống” nhờ trong một phòng bé tẹo của UBND xã. Tội nghiệp hơn, xã Bình Trung phải “vào” HTX mà kê đơn, chích thuốc... Có trạm y tế được xây dựng từ năm 1958, nửa thế kỷ rồi mà chưa hề một lần được sửa chữa.

 

Vừa rồi huyện có kiểm kê trang thiết bị y tế tuyến xã, trong 3.300 thiết bị còn lại của 25 trạm y tế xã toàn huyện thì có đến gần 1.000 cái hư hỏng không sử dụng được.

 

Theo ông Sơn, hầu hết cả 25 trạm xá trên toàn huyện đều thiếu dụng cụ chuyên khoa như: răng hàm mặt, tai mũi họng, mắt... Thiếu dụng cụ nhưng những việc liên quan không thể không làm.

 

Chẳng lẽ cả xã không nhổ được cái răng của ai đó bị hư? Đừng nói đến những dụng cụ chuyên khoa, đến cái cân mà nhiều trạm cũng không có cho đàng hoàng. Có trạm đến cái tủ đựng thuốc cũng không đủ, người ta phải cho tất cả các loại thuốc của tất cả các chương trình khác nhau vào chung một ngăn, trừ các loại thuốc độc...

 

Có cái cần thì thiếu nhưng cũng có cái có lại không cần. Chẳng hạn như mỏ vịt inox và ống hút điều kinh thuộc bộ dụng cụ chăm sóc sức khỏe sinh sản là thứ phải dùng nhiều nhất. Không hiểu sao chúng lại được đặt hàng từ châu Âu với kích cỡ hoàn toàn không tương thích với người Việt Nam, dùng mấy cái đó cho chị em có khi là... hại họ.

 

Đến con người cũng thiếu như trang thiết bị. Cả huyện còn 12 xã “trắng” bác sĩ. Thậm chí đến y tá, dược sĩ cũng thiếu. Cán bộ y tế ở đây phải kiêm tất cả các vị trí. Có trạm, nữ hộ sinh phải khám thai, đỡ đẻ như một bác sĩ; rồi tham gia tư vấn dinh dưỡng, tiêm chủng, rồi quét dọn, lau chùi, giặt chiếu cho bệnh nhân... Nhiều y sĩ học đa khoa ra làm “siêu” đa khoa: khám bệnh, khám thai, đặt vòng, đỡ đẻ, thu ngân, bán thuốc, chích thuốc, cấp phát thuốc, đi truyền thông dân số, kế hoạch... Trong đó, có người chỉ trải qua những khóa đào tạo ngắn hạn rồi làm riết... quen tay.

 

Ông Sơn nói rằng, mỗi trạm xá chỉ có 4-5 cán bộ y tế, chia ca mỗi ngày đêm giỏi lắm 2 người, không làm đa khoa, “siêu” đa khoa thì sao cho hết công việc. Thậm chí ở Bình Sơn, có nhiều cán bộ y tế xã tuổi hưu đã lâu mà vẫn phải làm việc vì không có người thay, trong đó có cụ cán bộ sinh năm… 1942.

 

Nghị quyết Huyện ủy Bình Sơn đề ra mục tiêu đến năm 2011 phải “phủ” bác sĩ hết 25 trạm xá. Bây giờ cả huyện có 13 vị, kiếm ra 12 vị nữa, theo ông Sơn cũng chẳng dễ dàng gì: “Năm 2007, tôi có cử một số y sĩ, dược sĩ đi thi học bác sĩ. Vấn đề họ có đậu không để mà học lên bác sĩ. Thậm chí đậu rồi, liệu tất cả có đủ điều kiện để theo đuổi lấy bằng bác sĩ hay không, thật lòng tôi không dám chắc”.

 

Theo Lê Vũ

Công An Nhân Dân