1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Những tiêu cực, vi phạm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín ngành thanh tra

(Dân trí) - Thanh tra Chính phủ cho rằng việc kiểm soát các hoạt động trong toàn ngành với quy mô rộng lớn như hiện nay là hết sức khó khăn. Những tiêu cực, vi phạm trong quá trình thanh tra xảy ra thời gian gần đây tại một số cơ quan thanh tra bộ ngành, địa phương làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành.

Theo tờ trình của Thanh tra Chính phủ gửi tới Bộ Tư pháp đề nghị thẩm định xây dựng Luật Thanh tra sửa đổi, Luật hiện hành đã bộc lộ nhiều hạn chế, gây khó khăn vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, không còn đáp ứng được yêu cầu của tình hình mới.

“Tổ chức, bộ máy các cơ quan thanh tra nhà nước hiện nay hết sức dàn trải, phân tán và thiếu tính thống nhất. Mặc dù được tổ chức rộng khắp từ trung ương đến địa phương nhưng hoạt động thanh tra thiếu một sự chỉ đạo điều hành thông suốt trong toàn ngành”- tờ trình nêu.

Các cơ quan thanh tra ở bộ ngành, địa phương gần như hoàn toàn lệ thuộc vào cơ quan quản lý cùng cấp: về tổ chức nhân sự, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo cơ quan thanh tra và thanh tra viên, về xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, về kinh phí hoạt động.

Những tiêu cực, vi phạm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín ngành thanh tra - 1

Trụ sở Thanh tra Chính phủ.

Hơn nữa, Thanh tra Chính phủ thừa nhận việc kiểm soát các hoạt động trong toàn ngành với quy mô rộng lớn như hiện nay là hết sức khó khăn và những tiêu cực, vi phạm trong quá trình thanh tra xảy ra thời gian gần đây tại một số cơ quan thanh tra bộ ngành, địa phương làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành.

Sự phân biệt giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, giữa thanh tra chuyên ngành và kiểm tra thường xuyên theo chức năng quản lý Nhà nước khiến cho hoạt động thanh tra, kiểm tra của các ngành trở nên dày đặc, gây bức xúc cho các đối tượng thanh tra kiểm tra, là mối quan tâm lo lắng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước.

Luật Thanh tra quy định cơ quan Thanh tra Chính phủ thanh tra trách nhiệm quản lý của các Bộ và các tỉnh nhưng trên thực tế số cuộc thanh tra trách nhiệm không nhiều. Thanh tra Chính phủ thường tiến hành thanh tra trực tiếp về các lĩnh vực quản lý của các bộ ngành. Chẳng hạn như trong kế hoạch thanh tra có các cuộc thanh tra việc chấp hành pháp luật của công ty thuốc lá, công ty xổ số, việc thực hiện các đoàn công tác nước ngoài hay thanh tra việc quản lý và sử dụng đất nông lâm trường, thanh tra các công ty dược phẩm.... trong khi lẽ ra việc thanh tra, kiểm tra các đơn vị này thuộc về các bộ quản lý ngành, lĩnh vực.

Điều này dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, mặt khác làm giảm trách nhiệm của các ngành trong việc chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, vốn là một yêu cầu tất yếu của cơ quan quản lý trong những lĩnh vực thuộc phạm vi mình phụ trách.

"Sự phân định thẩm quyền thanh tra giữa các cấp cũng không rõ ràng dẫn đến cùng một nội dung có thể xảy ra thanh tra trùng lặp, gây khó khăn phiền hà cho đối tượng thanh tra, nhất là cho hoạt động sản xuát kinh doanh các doanh nghiệp, đang là mối quan tâm lo lắng của Chính phủ”- Thanh tra Chính phủ nêu thực tế.

Bên cạnh đó, sự chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra và hoạt động của kiểm toán nhà nước là vấn đề đã và đang tồn tại rất khó khắc phục. Các cố gắng phối hợp trong quá trình xây dựng kế hoạch cũng như thực tiễn hoạt động chỉ là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ cho vấn đề này…

Chính vì thế, Thanh tra Chính phủ dự kiến trình Chính phủ đưa Luật Thanh tra sửa đổi vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021; dự kiến trình quốc hội cho ý kiến và xem xét thông qua trong năm 2021.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm