Những thủ đoạn “rút ruột” dự án kho cảng Thị Vải
Nhiều đối tượng của các đơn vị tham gia xây dựng công trình đường ống, kho, cảng khí hóa lỏng Thị Vải - từ tổng thầu, thầu phụ thiết kế, thầu phụ thi công cho đến cả đại diện chủ đầu tư - đã tìm mọi cách “rút ruột” công trình này để chia chác, hối lộ và chi tiêu trái phép.
Thiết bị Tây Âu xuất xứ từ... Ấn Độ
Công ty Thương mại dầu khí (Petechim) được Tổng công ty Dầu khí VN (Petro VN) giao nhiệm vụ đứng ra nhập khẩu toàn bộ trang thiết bị cho công trình đường ống, kho, cảng Thị Vải (gọi tắt là công trình Thị Vải). Trong số các hợp đồng đơn vị này thực hiện, đáng lưu ý có hợp đồng số 28 ký với nhà thầu Virgo về việc cung cấp gói van (gói số 6) cho công trình Thị Vải.
Thực hiện hợp đồng 28, tháng 6/1999, Hãng Virgo đã vận chuyển sáu lô hàng chính vào cảng Vũng Tàu. Các lô hàng này gồm 2.071 van đóng ngắt khẩn cấp và van tay, tổng trị giá 1.981.265 USD. Số van nói trên được đơn vị tổng thầu là Công ty Đầu tư xây dựng dầu khí (PVECC) cho lắp ráp tiền chạy thử và chạy thử nhưng phát hiện có 500 van bị hỏng, chủ yếu là van đóng ngắt khẩn cấp và van tay ghi xuất xứ từ Hãng Sferova.
PVECC đưa thêm một số van bảo quản trong kho ra thử thì tiếp tục phát hiện có một số van bị rò rỉ khí, do vậy đã đề nghị Petro VN cho mở rộng hợp đồng 28 với nhà thầu Virgo để mua bổ sung số vật tư, phụ kiện thay thế và bảo trì.
Được Petro VN chấp thuận, PVECC đã giao phó giám đốc Nguyễn Xin trực tiếp đàm phán và theo dõi việc mua lô hàng bổ sung. Ông Xin còn cùng chuyên gia của Virgo lên danh mục hàng hóa và chấp nhận giá từng danh mục do phía Virgo đưa ra, sau đó PVECC mới gửi công văn đề nghị Petechim đứng ra mua số hàng này.
Tuy nhiên, khi 14 chuyến hàng được đưa về VN qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất, trong quá trình làm thủ tục, Nguyễn Lê Minh - cán bộ Phòng nhập I của Petechim - phát hiện một số chuyến hàng có xuất xứ từ Ấn Độ và Singapore, trong khi tiêu chuẩn kỹ thuật đặt ra phải là thiết bị sản xuất tại các nước Tây Âu, Bắc Mỹ.
Nguyễn Lê Minh đã báo cáo việc này với Nguyễn Văn Thủy, trưởng Phòng nhập I. Có điều thay vì báo cáo lãnh đạo Petechim xử lý chi tiết bất thường này, Thủy lại vẫn đồng ý cho nhập hàng. Cụ thể, trong đó có 7/8 lô hàng xuất xứ từ Ấn Độ và cả tám lô hàng không có chứng chỉ xuất xứ hàng hóa nhưng vẫn được thanh toán 109.000 USD.
Theo cơ quan điều tra, với việc làm ngơ trên, Nguyễn Văn Thủy đã được chủ hãng Virgo “lại quả” 2.000 USD thông qua một Việt kiều Mỹ. Tuy nhiên, hậu quả không chỉ có thế. Do nhiều thiết bị nhập về không đúng yêu cầu, khi vận hành gây ra hư hỏng, Petro VN đã phải bỏ tiền mua thiết bị thay thế với tổng giá trị 732.550 USD và 1,4 tỉ đồng.
Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng này, cơ quan chức năng chỉ rõ trách nhiệm chính thuộc về các ông Ngô Thường San - nguyên tổng giám đốc, ông Nguyễn Hiệp - phó tổng giám đốc, ông Nguyễn Văn Thủy - trưởng Phòng nhập I Petechim.
“Ăn” cả... bêtông!
Tháng 2/1998, tổng thầu PVECC ký hợp đồng với thầu phụ Công ty Công trình đường thủy để thi công hạng mục cảng xuất khí hóa lỏng số 1 và số 2 của công trình Thị Vải. Thầu phụ này thành lập một ban điều hành dự án do phó giám đốc công ty Nguyễn Văn Bình làm trưởng ban.
Khi triển khai thi công, Bình ký hợp đồng mua bêtông của Công ty bêtông Mê Kông (Vũng Tàu). Trong quá trình này, Bình đã móc nối với tổng giám đốc Công ty bêtông là Nguyễn Văn Hiển. Hai bên thỏa thuận mỗi mét khối bêtông bán được thì Hiển chi lại cho Bình 50.000 - 70.000 đồng, tổng cộng Bình đã cầm 160 triệu đồng của Hiển. Bình và Hiển còn cùng nhau lập chứng từ giả nâng khống khối lượng bêtông bền sunphat mác 350 lên thêm 50m3 so với khối lượng quyết toán, qua đó Bình được “lại quả” 40 triệu đồng.
Trong quá trình thi công hạng mục cảng Thị Vải, Nguyễn Văn Hiển đã tự ý cắt giảm lượng ximăng trong bêtông bền sunphat mác 350 từ 445kg/m3 xuống còn 370kg/m3. Với tổng số 1.910m3 bêtông do công ty Hiển tự cung cấp ximăng, Hiển đã gây thiệt hại công trình cảng Thị Vải xấp xỉ 195 triệu đồng.
Nguyễn Văn Bình cũng không kém, Bình đã chỉ đạo rút bớt 74kg ximăng/m3 bêtông (từ 445kg/m3 xuống còn 371kg/m3). Với tổng số 2.864m3 bêtông do Công ty Công trình đường thủy cung cấp ximăng, Bình rút được gần 474,4 triệu đồng. Để che đậy việc thiếu hụt ximăng trong mỗi mét khối bêtông, Bình yêu cầu cấp dưới làm giả bốn hóa đơn mua ximăng với số lượng 270 tấn để qua mặt và quyết toán với chủ đầu tư, bỏ túi tới hai lần trên mỗi mét khối bêtông.
Vẫn chuyện “ăn” bêtông, Đội Xây lắp dầu khí tại TPHCM - một đơn vị khác cùng tham gia thi công công trình Thị Vải, do Nguyễn Khắc Ngư làm đội trưởng - đã yêu cầu phía Công ty bêtông Mê Kông “giúp” nâng giá bán và giá bơm bêtông, đồng thời nâng khống khối lượng bêtông để “rút ruột” công trình gần 365,5 triệu đồng.
Khai với công an, Nguyễn Khắc Ngư cho biết đã phải chi rất nhiều cho cả chủ đầu tư, tổng thầu và giám sát trong các dịp Tết Nguyên đán từ năm 2000 - 2003. Cụ thể, Ngư đã đưa ông Đậu Hồng Lạc (phó giám đốc Ban Quản lý dự án) 55 triệu đồng, đưa ông Bỳ Văn Tứ (giám đốc Ban Quản lý dự án) 20 triệu đồng, đưa Nguyễn Văn Sẻ (cán bộ giám sát của chủ đầu tư tại công trường) 35 triệu đồng, đưa cho Nguyễn Trọng Nhưng và Nguyễn Xin (giám đốc và phó giám đốc PVECC) mỗi người 25 triệu đồng, chi cho các lực lượng giám sát 30 triệu đồng...
Ở công trình Thị Vải còn có hàng loạt các thầu phụ khác đã sử dụng những thủ đoạn tương tự như nâng khống khối lượng vật tư, nâng giá bán, sử dụng không đúng chủng loại vật tư để “rút ruột” công trình này. Tất nhiên là các thầu phụ phải chi “tiêu cực phí” cho những bên liên quan, trong đó chủ yếu là đại diện chủ đầu tư, tổng thầu và giám sát.
Theo N.V.Hải, V.H.Quỳnh
Tuổi Trẻ