1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Những “thận trọng” sau khi ký lại vốn vay ODA

(Dân trí) - Lễ ký kết hiệp định 4 dự án vốn vay ODA là lễ ký kết đầu tiên từ khi Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam vào cuối tháng 2/2009. Ông Tsuno Motoroni - trưởng Văn phòng đại diện JICA Việt Nam đã có cuộc trao đổi với báo giới.

Theo kế hoạch mà JICA công bố, dự án tuyến đường sắt ngầm đầu tiên tại Hà Nội, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo đi vào trung tâm thành phố sẽ được thực hiện sau dự án xây dựng tuyến đường sắt nội đô TP Hà Nội. Xin ông cho biết, công trình này khi nào sẽ triển khai và hoàn thành?
 
Theo kế hoạch, dự án sẽ bắt đầu xây dựng vào khoảng giữa năm 2011 và hoàn tất vào năm 2014. Sau đó sẽ có một thời gian chạy thử và dự kiến đưa vào vận hành từ tháng 1/2016.
 
Những “thận trọng” sau khi ký lại vốn vay ODA  - 1
JICA sẽ giám sát chặt chẽ các dự án vốn vay ODA

Ông dự đoán thế nào về những cản trở có thể xảy ra trong quá trình triển khai dự án?

Với cách nhìn nhận của chúng tôi, để phục vụ cho việc xây dựng công trình đường sắt ngầm đầu tiên này thì khâu giải phóng mặt bằng đóng vai trò rất quan trọng. Khâu giám sát thi công cũng vậy vì việc xây dựng tàu điện ngầm đòi hỏi phải có kỹ thuật rất cao.

Để có cơ chế vận hành khai thác thích hợp, dự kiến, chúng tôi sẽ có dịch vụ tư vấn để hỗ trợ vận hành khai thác trong thời gian đầu và hỗ trợ kỹ thuật nếu thấy cần thiết.

Dư luận rất quan tâm đến các biện pháp chống tham nhũng mà hai nước đưa ra. Xin hỏi, chúng sẽ được triển khai như thế nào trong quá trình thực hiện các dự án?

Vào tháng 11/2008, hai nước đã thành lập Ủy ban phòng chống tham nhũng và lập ra các biện pháp như: thành lập đường dây nóng, công khai thông tin liên quan đến đấu thầu, tăng cường giám sát đấu thầu... JICA sẽ xem xét phía Việt Nam có thực hiện các cam kết một cách đầy đủ không.

Trước khi tiếp tục cho Việt Nam vay vốn ODA với tổng giá trị lên tới 900 triệu USD, phía Nhật Bản có kiểm tra xem Việt Nam đã thực hiện các cam kết đó chưa?

Các biện pháp về phòng chống tham nhũng vừa mới bắt đầu. Trong tương lai, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ để thực hiện những biện pháp này.
 
Liệu PCI có bị cấm tham gia các dự án vốn vay ODA cho Việt Nam lần này không?

Thực chất công ty PCI không còn tồn tại. Không chỉ PCI, đối với những doanh nghiệp có hành vi tham nhũng bị phát hiện, chúng tôi sẽ không cho tham gia trong một thời gian nhất định tùy thuộc vào mức độ vi phạm.

Được biết, một số dự án ODA hiện nay vẫn có sự tham gia của những người làm trong PCI...?

Những chuyên gia đã làm cho PCI nhưng bây giờ chuyển sang công ty khác thì việc họ tham gia, nếu điều đó không xung khắc với những quy định, cam kết thì cũng không vấn đề gì.

Vì sao đơn vị thứ ba giám sát đấu thầu lại thuộc Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) của Việt Nam?

Thông thường, cơ quan thực thi trong việc đánh giá đấu thầu là phía Việt Nam. Vì vậy, để đảm bảo kết quả trong việc đấu thầu, bên thứ ba phải là một đơn vị có tính chuyên môn cao. Vì vậy, Trung tâm hỗ trợ đấu thầu tại bộ KHĐT có ý nghĩa rất lớn trong việc đánh giá này. Phía JICA sẽ giám sát hiệu quả thực hiện và sẽ có những đề xuất khi thấy cần thiết.
 
Những “thận trọng” sau khi ký lại vốn vay ODA  - 2

Ông Tsuno Motoroni - trưởng Văn phòng đại diện JICA Việt Nam

Có một thực tế là việc giải ngân vốn ODA tại Việt Nam trong thời gian qua có những hạn chế nhất định. Phía JICA có biện pháp gì không?

Để giải ngân được, các công trình phải được thực hiện. Cho đến nay, chúng tôi nhận thấy rằng trong việc xây dựng các công trình thì vấn đề GPMB, tái định cư và các thủ tục chi trả sau xây dựng xong thường tốn nhiều thời gian hơn so với dự tính.

Vẫn có những công trình tại các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM có nhiều khó khăn, mức độ tiến triển tương đối chậm hơn so với những nơi khác.

Ông đánh giá thế nào về mức độ giải ngân đối với vốn vay ODA dành cho Việt Nam trong thời gian qua?

Trong năm vừa qua, đã có 67,4 tỷ yên được giải ngân, gần đạt được mục tiêu chúng tôi đã đề ra trong tài khóa năm. Con số ấy bao gồm cả các công trình tại TPHCM. Mặc dù trong bối cảnh có nhiều bất trắc nhưng vẫn giải ngân được, và chúng tôi đánh giá rất cao việc này.

Để không xảy ra những việc tương tự như gián đoạn vay vốn ODA vừa qua, xin ông cho biết, liệu có quy trình mới nào trong việc thực hiện các dự án?

Quá trình thực hiện các dự án cũng không có gì khác trước, nhưng việc kiểm tra trước và sau các giai đoạn, việc công khai thông tin sẽ được nâng cao nhằm tạo tính minh bạch trong tuyển chọn tư vấn và nhà thầu.

Giả thiết nếu ông Huỳnh Ngọc Sỹ không bị buộc tội hối lộ hoặc mức độ xử lý phía Việt Nam chỉ là mang tính hình thức thì quan điểm của Nhật Bản sẽ thế nào?

Quá trình điều tra xét xử sẽ có ảnh hưởng tới việc chúng tôi xem xét về vốn vay đối với các dự án trong tương lai. Trong nhiều sự kiện trước đây, tôi được biết Đại sứ Nhật tại Việt Nam có nói rằng “Chúng tôi rất quan tâm đến việc xét xử vụ án này” vì dù thế nào thì vấn đề này cũng thuộc phạm vi của Chính phủ hai nước.

Xin cảm ơn ông!

Lan Hương (ghi)