An Giang:
Những “tài xế má hồng” trên núi Cấm
(Dân trí) - Cùng với hàng trăm người đàn ông, trên núi Cấm (Tịnh Biên, An Giang) còn hàng chục phụ nữ chạy xe ôm chở khách. Bám núi cả ngày, các chị kiếm được khoảng hơn 100.000 đồng mỗi ngày.
5 giờ sáng, PV Dân trí có mặt tại bến xe dưới chân núi Cấm - thuộc Nghiệp đoàn xe ôm Núi Cấm (NĐXONC). Lúc này đã có hơn 30 phụ nữ sẵn sàng tay lái chở khách lên núi Cấm.
Chị Lê Thị Thúy (36 tuổi, ngụ xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) có hơn 3 năm kinh nghiệm chạy xe ôm cho biết: “Cũng vì chén cơm manh áo nên một số chị em tụi tui mới chọn nghề này. Để tụi nhỏ biết cái chữ với người ta, chị em tui mới phải căng mình bám núi mưu sinh”.
Theo chị Thuý, khi khách đến đây hành hương không chỉ đến đỉnh núi Cấm viếng chùa Phật Lớn, ngắm tượng Phật Di Lặc lớn nhất Châu Á... mà còn muốn tham quan các điểm nằm trên những con đường nhỏ hẹp, độ dốc cao, nhiều chỗ gập ghềnh,… Bởi thế xe ôm mới có "đất dụng võ".
Chị Thuý có 3 năm kinh nghiệm chạy xe ôm trên núi Cấm
Được biết chị Thuý có 3 đứa con, đứa lớn đang học lớp 6, hai đứa nhỏ học tiểu học. Hai vợ chồng chị Thuý bám núi cả ngày chỉ kiếm hơn 200.000 đồng, trừ đi tiền xăng, còn lại 150.000 đồng. Số tiền này giúp các con chị được yên tâm cắp sách tới trường.
Chị Trần Thị Thanh Tuyền cũng có gần 3 năm chạy xe ôm trên núi Cấm chia sẻ: “Hầu hết, các chị chạy xe ôm trong nghiệp đoàn xe ôm núi Cấm đều có con cái đang tuổi đi học. Bởi thế, nếu một con bươi, 3-4 con mổ thì không kham nổi. Chị em tụi tui không tìm được việc làm nào có thu nhập tương đối cao đành phải cưỡi "ngựa sắt” đưa khách lên núi kiếm tiền phụ chồng”.
Chuyện nắng mưa, vượt dốc không khiến các chị sờn lòng, chỉ buồn khi vắng khách như thế này
Sẵn muốn tham quan “nóc nhà đồng bằng”, chúng tôi lên xe chị Thuý, chị Tuyền thẳng tiến lên núi Cấm. Tuy đoạn đường từ bến xe lên đỉnh núi Cấm chỉ khoảng 7km nhưng có nhiều khúc cua, có những đoạn thẳng đứng. Theo chị Thuý, với những người lần đầu tiên đi sẽ có cảm giác chóng mặt, ù tai... Không ngại ngần, chị Thúy khuyên chúng tôi nên ôm chặt tài xế và không được ngoái đầu nhìn phía sau để giữ an toàn.
Từ khi con đường lên núi Cấm được đưa vào hoạt động đến nay đã giải quyết việc làm cho hàng trăm người sống bằng nghề chạy xe ôm, trong đó có hơn 40 “bóng hồng”. Chị Nguyễn Thị Linh chia sẻ, nhiều du khách thích tay lái nữ bởi đa số những du khách cao tuổi thường cho rằng những người đàn ông chạy ẩu. Hơn nữa với khách nữ, họ thích chọn tài xế xe ôm cùng giới vì trên đường lên núi, họ ngại.... ôm đàn ông.
Ông Nguyễn Trung Thành - Đội trưởng đội trật tự bến xe ôm - cho biết: “Tổng số hội viên trong Nghiệp đoàn xe ôm núi Cấm hiện nay khoảng 900 người, trong đó có 40 hội viên là phụ nữ. Hàng ngày, vào lúc 16 giờ, chúng tôi cho anh chị trong nghiệp đoàn bắt số lấy “tài” chạy ngày sau, bởi vậy không có cảnh tranh giành giữa anh em với nhau. Đặc biệt, hội viên phải chạy theo giá do nghiệp đoàn quy định (hiện 35.000 đồng/lượt lên hoặc xuống) và nửa tháng hội viên đi kiểm tra xe một lần là hai nôi qui mà hội viên không thể bỏ qua". |
Nguyễn Hành