Những quái kiệt ở tù: Cứu người để… trả nợ tình
Các cán bộ quản giáo Trại giam số 5, Bộ Công an thừa nhận trong số những phạm nhân không ít người có tài năng hiếm có. Chỉ tiếc chữ tài thường gắn với chữ tật. Và đôi khi, do “tật nguyền” trong lối sống, cái tài của họ chỉ “phát tiết” được khi đã vào tù.
Gây tội
Cái tính tò mò đã làm hại tôi khi cố mon men chụp bức ảnh lao động của phạm nhân phân trại K3 bên chiếc máy tuốt lúa ọc ạch. Vì sơ ý, đám bụi rơm thóc khiến mắt tôi tối sầm không thể mở nổi. Loay hoay dụi, loay hoay nhờ người thổi đến nửa tiếng mà mắt vẫn cứ cồm cộm, đỏ quạch như mắt cá chày. Đang bực mình tính quay về bệnh xá của trại nhờ bác sỹ thì đúng lúc ấy, một giọng nói nhỏ nhẹ bỗng dưng cất lên: cán bộ cứ đứng thẳng người, cúi mặt xuống nhổ một bãi nước miếng rồi chớp vài cái là hết. Như chết đuối vớ được cọc, tôi làm theo ngay. Ơ hay! Bụi ra luôn. Hiệu nghiệm thật. Mẹo chữa của ai mà tài thế nhỉ? Khi ngẩng mặt lên, đứng trước tôi là một bộ quần áo sọc màu xám. Rồi cũng chính bộ quần áo sọc ấy lại cất tiếng: Em là Lê Thanh Đông, tức Đông axit.
Đông nhà ở ngay phố Phan Bội Châu, thành phố Thanh Hóa, đang thụ án chung thân cho tội cố ý gây thương tích. Bấm đốt ngón tay thì Đông đã “chuyển khẩu” vào Trại 5 này hơn chục năm rồi. Đông bảo, em vào đây vì… tình. Thứ tình yêu ghen tuông mù quáng của một tay lái xe chuyên chở sản phẩm cho Nhà máy Xi măng Nghi Sơn 10 năm trước đã kết thúc thành một bi kịch. Nạn nhân chính là cô bạn gái mà Đông đã gắn bó suốt thuở thiếu niên.
Nghề lái xe vốn nay đây mai đó, cuộc tình của Đông bị bố mẹ cô gái phản đối quyết liệt vì họ thấy, ông con rể tương lai gì mà 2-3 tháng mới ghé thăm người yêu có 1 lần. Con gái đến tuổi lấy chồng, hai ông bà cố mai mối cho một đám khác mà họ thấy là “cơ bản” hơn. Bực tức vì bỗng dưng bị “phá đám”, cô bạn gái lại có ý ngãng ra, thay vì thuyết phục bố mẹ vợ tương lai, Đông lại ngấm ngầm nuôi “độc kế”. Sớm hôm ấy, bạn gái Đông dắt xe đi làm như thường lệ. Cách đấy vài trăm mét, trong con ngõ nhỏ có một gã thanh niên đội mũ sùm sụp, đứng thu lu lặng lẽ dõi theo. Khi chiếc xe đi ngang qua, cô gái bỗng lãnh nguyên ca axit giữa mặt…
Chán đời
Không khó khăn lắm để Công an Thanh Hóa phát hiện ngay ra thủ phạm của vụ tạt axit kinh hoàng này. Sau khi gây tội ác, Đông trốn biệt. Lệnh truy nã toàn quốc khiến con thú đang chui lủi tự biết rằng lưới trời lồng lộng… Ít lâu sau, Đông quay về tự thú. Thương tích hơn 90% của nạn nhân khiến cái án chung thân dành cho Đông trở thành lẽ dĩ nhiên. “Ngày nhập trại thấy mình bỗng dưng mất hết tương lai, hạnh phúc, Đông trở nên lầm lỳ như một con thú cùng đường sẵn sàng gây hấn với bất kỳ ai”.
“Em khi ấy chỉ muốn chết nên chữ “sợ” không có trong suy nghĩ. Mà anh bảo, một thằng tù lại chỉ thích chết thì còn hơn cả “Chí Phèo”, còn ai dám dây vào nữa” - Đông bảo. Đỉnh điểm sự liều của Đông là hắn chọn chính một tay tù cộm cán nhất của K3 để “tỷ thí”. Số là phân trại K3 lúc đó là nơi Nguyễn Văn Ba (tức Long đại bàng), một đàn em thân tín của Năm Cam đang thụ án. Chỉ vì giành nhau một chiếc quần đùi rồi bị Long đại bàng giáng cho mấy cái tát, Đông nuôi thù phục hận. Tối hôm ấy, đợi đúng bữa cơm chiều, Đông thủ một chiếc thìa mài nhọn hoắt mang trộm vào trại. Đang túm tụm ăn cơm với mấy đàn em, Long đại bàng không ngờ thằng ranh con mới ăn đòn hôm nọ lại dám ra tay với mình. Liên tiếp mấy nhát đâm chí tử của Đông nhằm vào mặt Long đại bàng khiến bọn đàn em khiếp vía chạy tán loạn. Dù khỏe hơn, nhưng bị bất ngờ, Long đại bàng dính đòn liên tiếp trong đó có một nhát suýt vào động mạch cổ. Lệnh kỷ luật của trại chỉ khiến gã “Chí Phèo” cười khẩy. Chỉ mặt đám giang hồ phía Nam, Đông nhếch mép: “Đời là cái đinh nghe tụi bay”.
Sám hối
Bây giờ thì Đông là một thầy thuốc khá “uy tín” của K3. Lý do nào khiến một “con thú” bỗng dưng “thuần phục” và lại “phát tiết tài năng” như vậy? Câu trả lời của Đông hóa ra rất đơn giản: Tình người. Sau khi em ở “kiên giam” (khu kỷ luật) ra, thầy Hải (Trung tá Nguyễn Viết Hải) lúc đó là cán bộ giáo dục gọi em lại bảo: “Thầy thấy mày nợ đời quá nhiều con ạ. Thầy biết, bản chất mày không phải là lưu manh. Chẳng qua do nghĩ quẩn, lại bi quan nên mới ra nông nỗi này. Tuổi mày cũng chỉ bằng con thầy, tỉnh lại đi. Cố tích thiện làm điều gì đó cho mọi người. Rồi mày sẽ thấy mình còn có ích”. Không hiểu sao lúc đó thầy Hải lại mới mua 2 cuốn sách, thầy rút ra tặng em luôn. Mang về em mới biết đó là hai cuốn sách thuốc Đông y. Tối nằm đọc, tự nhiên thấy rất hay. Thế là em bắt đầu mày mò học thuốc từ ngày ấy.
Gần 10 năm nghiền ngẫm, số sách Trung tá Hải mua từ ngày đầu giờ Đông đã thuộc lòng. Thậm chí sau đó Đông còn nhờ mua thêm tới gần 20 cuốn khác rồi tự học. Hóa ra Đông y cũng không khó, toàn những bài thuốc dân gian khá dễ kiếm. Hàng ngày đi lao động, Đông chịu khó tìm những cây thuốc mọc sẵn ngoài đồng, trên núi mang về thái nhỏ rồi phơi khô tích lại. Vị nào khó kiếm thì nhờ cán bộ mua cây rồi đem về khu vườn bệnh xá của trại nhân giống, trồng nhờ. Chăm chỉ, kiên trì, có lúc cả mấy hòm đồ dùng cá nhân của Đông chật cứng các vị thuốc.
Đông khoe, vừa rồi, một cô phạm nhân bên K4 sang đây biểu diễn văn nghệ than thở bị đau dạ dày kinh niên suốt mấy năm nay. Lúc ở ngoài chữa mãi không khỏi, thế mà em cắt thuốc cho uống đúng 2 tháng, giờ dứt hẳn. Thấy Đông chịu khó học hỏi, lại khá “mát tay” nên ngay cả cán bộ của trại, ai đọc báo thấy có bài thuốc nào hay cũng chịu khó cắt ra rồi mang tặng. Vì thế “tay nghề” của Đông cứ lên vù vù.
Đông axit chỉ phát hiện ra “năng khiếu” của mình khi đã yên vị trong tù. Nếu sau này được ân xá ra tù, anh ta vẫn giữ được đức tính chịu khó, học hỏi, cần cù, kiên nhẫn như còn ở trại thì rất có thể việc trở thành một thầy thuốc giúp ích cho đời chẳng thể là quá khó. Khi ấy, cái tên Đông axit chắc chẳng ai còn nhớ mà sẽ chỉ còn cái tên đúng với thứ nghề anh ta đã chọn: Đông y. Tôi cứ hy vọng thế!
Theo Nguyễn Long - Đức Tuấn
An ninh Thủ đô