Bình Định:
Những phận nữ bán hàng ở vùng cao
(Dân trí) - Vượt qua những cung đường khúc khuỷu, dốc thăm thẳm, nguy hiểm luôn rình rập, thế nhưng, bao năm qua những người phụ nữ miền xuôi vẫn lặng lẽ mang theo hàng hóa đến tận các bản làng của bà con đồng bào Bana ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh (Bình Định).
Những ngày cận Tết Giáp Ngọ, về xã miền núi Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến hình ảnh những người phụ nữ miền xuôi rong ruổi trên chiếc xe máy cà tàng đi khắp các thôn bản để cung ứng cho bà con đồng bào Bana các loại lương thực, thực phẩm và nhiều nhu yếu phẩm khác mà ở trên núi không có.
Hơn 15 năm qua, bất kể ngày nắng hay mưa, hàng ngày khoảng 3 giờ sáng, bà Mai Thị Gần (ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh), cùng chiếc xe máy cà tàng, phía sau chất đầy nhiều thứ hàng hóa lỉnh kỉnh gồm thịt bò, thịt heo, cá, rau củ quả, cho đến các loại thức ăn chế biến sẵn như bánh hỏi, bánh canh... Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, gánh hàng của bà Gần còn có thêm hương vị của ngày Tết với các loại mứt, bánh kẹo, hạt dưa…
Sau gần 2 giờ đồng hồ, trên con “ngựa sắt” vượt qua những con dốc khúc khuỷu, khoảng 5 giờ sáng, bà Gần cũng đã đến được trung tâm xã Vĩnh Kim. Nghỉ ngơi ít phút và ăn tạm vài lá bánh hỏi, bà tiếp tục chở hàng tới làng O5, Kon Trú và khắp các làng khác trên địa bàn xã để bán cho bà con dân tộc nơi đây. Và như thành thói quen, bà Gần chỉ cần chở hàng đến một điểm cố định rồi bà con tự đến mua những thứ cần thiết. Cứ như vậy, bao năm qua bà Gần gắn bó với công việc tưởng nhẹ nhàng nhưng rất gian nan.
Bà Gần chia sẻ: “Những ngày đầu mới lên bán cực lắm, đường xá xa xôi, dốc cao, trời nắng còn đỡ khổ chứ gặp hôm trời mưa đi cả 4 tiếng đồng hồ mới lên tới nơi để bán. Hơn nữa, mới lên ngôn ngữ giữa giữa mình với người đồng bào cũng bất đồng, rồi phải đến tận từng nhà bán nên rất vất vả. Bây giờ, quen rồi chỉ cần đến một điểm là người dân đến mua. Những ngày cận Tết, nhu cầu người dân nhiều hơn nên gánh hàng của tôi nặng thêm. Dù vất vả nhưng cũng thấy vui vì mình đem những thứ mà người trên này không có”.
Chị Đinh Thị Liên (ở làng Kon Trú) cho biết: “Người đồng bào chủ yếu sống bằng làm nương, đi rẫy nên bữa ăn chủ yếu rau rừng, bắp chuối rừng. Muốn ăn thịt, cá phải xuống tận chợ thị trấn mất cả ngày trời mới đến để mua về ăn. Bây giờ có người dưới xuôi đem thức ăn đến tận làng để bán rồi, đồng bào mình không phải đi xa nữa, mình thích lắm”.
Để đem lương thực, thực phẩm đến được đến với bà con vùng cao rất khó khăn. Tuy nhiên, không phải vì thế mà giá cả cao mà cũng chênh lệch không đáng bao nhiêu. Qua tìm hiểu, giá cả các mặt hàng như gạo, rau, củ quả, thịt heo, cá chênh lệch từ 2.000-5.000 đồng/kg so với giá bán tại các chợ. Vì vậy, với những người dân vùng cao Vĩnh Kim, Vĩnh Sơn quanh năm gắn bó với nương rẫy thì những giỏ hàng như của chị Gần là nguồn sống hằng ngày, bởi đường xa và phương tiện đi lại rất khó khăn.
Với 5 năm gắn với công việc bán hàng kiểu “chợ di động” ở vùng cao, chị Trần Thị Phượng (ở xã Tây Thuận, huyện Tây Sơn) thì người bán hàng được nhận tiền mặt, chị Phượng còn thực hiện giao dịch theo phương thức “hàng đổi hàng”. Chị Phượng tâm sự: “Những ngày đầu tiên mới lên đây đi bán, tôi cảm thấy rất mệt, nhiều khi thủng lốp giữa đường đẩy bộ gần chết. Tưởng như không thể tiếp tục nhưng đi nhiều trở thành quen, ngày không vào làng bán hàng là có cảm giác như thiêu thiếu cái gì”
Chị Phượng nói như động viên cho nghề của mình: “Buôn bán ở miền núi khá vất vả, nhưng đổi lại kiếm được nhiều lời hơn so với ở miền xuôi. Những năm trước kia, đường sá đi lại khó khăn, nhu cầu ăn uống của người dân còn thấp nên việc buôn bán cũng bấp bênh lắm. Hiện nay, cuộc sống của bà con ở các thôn, làng đã khấm khá hơn trước; nhu cầu ăn, uống hàng ngày cũng tăng cao nên việc mua bán cũng xôm tụ hơn”
Những chuyến hàng “chợ di động” của những người phụ nữ dưới xuối như bà Gần hay chị Phượng dẫu còn rất vất vả, hiểm nguy nhưng nhờ đó họ vừa có thể cải thiện thu nhập, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng cao. Đặc biệt, những ngày gần Tết này còn góp phần tạo thêm mùa xuân rộn ràng, tươi vui đến với đồng bào vùng cao Vĩnh Thạnh.
Doãn Công