1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những nội dung cơ bản trong tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông

Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (thường được gọi tắt là Tuyên bố DOC) được ASEAN và Trung Quốc ký ngày 4/11/2002 nhân dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 8 tại Phnôm Pênh (Căm-pu-chia).

Là văn kiện chung đầu tiên giữa ASEAN và Trung Quốc trực tiếp liên quan vấn đề Biển Đông, Tuyên bố DOC 2002 có ý nghĩa to lớn trong việc duy trì hoà bình và ổn định ở vùng biển này nói riêng và cả khu vực nói chung.

 

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm ký văn kiện quan trọng này, xin trân trọng giới thiệu về những nội dung cơ bản và tình hình thực hiện bản Tuyên bố trong thời gian qua.

 

Cầu tàu tại đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: Hoàng Long)

Cầu tàu tại đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: Hoàng Long)

 

1. Nội dung Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông

 

Một là, các bên khẳng định cam kết đối với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ), Công ước Luật Biển năm 1982 của LHQ, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Ðông - Nam Á, 5 nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế. Cam kết này mang tính chủ đạo. Một mặt nó gắn với nghĩa vụ của các bên theo các văn kiện quốc tế mang tính toàn cầu là Hiến chương LHQ và Công ước Luật Biển năm 1982 cũng như các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế. Bên cạnh đó cam kết này cũng gắn với nghĩa vụ của các bên theo điều ước quốc tế mang tính khu vực liên quan các nước là Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á.

 

Hai là, các bên cam kết giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ và tranh chấp về quyền tài phán bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng hữu nghị giữa các quốc gia có chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982. Căn cứ pháp luật quốc tế cũng như quy định tại Ðiều 33 của Hiến chương LHQ thì các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp gồm có thương lượng, môi giới, trung gian, hòa giải, trọng tài và tòa án quốc tế. Ðiều này có nghĩa là các bên có rất nhiều sự lựa chọn và các bên hoàn toàn tự do trong việc lựa chọn các biện pháp hòa bình này. Ðiều mấu chốt là các bên không được đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp liên quan ở Biển Ðông.

 

Ba là, các bên khẳng định tôn trọng tự do hàng hải và tự do bay ở Biển Ðông như đã được quy định bởi các nguyên tắc phổ cập của pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982. Theo các quy định liên quan của Công ước Luật Biển năm 1982, tàu thuyền của mọi quốc gia (bất kể ở trong khu vực hay ngoài khu vực) đều được quyền tự do hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước ven Biển Ðông cũng như vùng biển quốc tế ngoài phạm vi 200 hải lý; tàu bay của mọi quốc gia được quyền tự do bay trên vùng trời trên vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven Biển Ðông và ở vùng trời trên các vùng biển quốc tế. Mục đích của việc các nước ASEAN và Trung Quốc đưa quy định này vào DOC chính là tái khẳng định lại nghĩa vụ của họ theo Công ước Luật Biển năm 1982.
 

Bốn là, các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hoạt động có thể làm phức tạp thêm hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định. Tuyên bố đặc biệt nhấn mạnh việc kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện nay không có người ở. Thực hiện cam kết này vừa tạo điều kiện cho việc tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị giữa các nước trong khu vực vừa tạo tiền đề cần thiết cho các nước có tranh chấp ở Biển Đông từng bước tìm kiếm các giải pháp cho các tranh chấp. Hoà bình và ổn định ở Biển Đông cũng gắn với hòa bình và ổn định của khu vực và thế giới. Do đó việc thực hiện cam kết này cũng chính là để đóng góp tích cực cho việc duy trì hoà bình của khu vực và trên thế giới.

 

Năm là, các bên đồng ý căn cứ vào các nguyên tắc Hiến chương LHQ, Công ước Luật Biển năm 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Ðông - Nam Á, 5 nguyên tắc tồn tại hòa bình và các nguyên tắc phổ cập khác của pháp luật quốc tế, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau để tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin. Từ cam kết mang tính nguyên tắc đó, ASEAN và Trung Quốc nhất trí là trong khi tìm kiếm giải pháp hòa bình cho các tranh chấp, các bên cam kết tăng cường nỗ lực để xây dựng lòng tin như tiến hành đối thoại quốc phòng; đối xử nhân đạo với người bị nạn trên biển; thông báo cho các bên liên quan về các cuộc diễn tập quân sự, trao đổi thông tin liên quan. Việc thông báo và trao đổi như vậy được các bên liên quan tiến hành trên cơ sở tự nguyện.

 

Sáu là, các bên đồng ý trong khi tìm kiếm giải pháp toàn diện và lâu dài cho vấn đề tranh chấp ở Biển Ðông, các bên có thể tìm kiếm và tiến hành các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực ít nhạy cảm như bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu khoa học biển, an toàn và an ninh hàng hải, tìm kiếm, cứu nạn trên biển, đấu tranh chống tội phạm xuyên quốc gia (buôn bán ma túy, cướp biển, cướp có vũ trang trên biển và buôn lậu vũ khí). Các bên sẽ thỏa thuận phương thức, địa điểm và phạm vi của các hoạt động hợp tác này trước khi triển khai.

 

Bảy là, các bên long trọng cam kết tôn trọng các quy định của DOC và hành động phù hợp với các nội dung của DOC. ASEAN và Trung Quốc đồng ý sẽ cùng nhau hợp tác trên cơ sở đồng thuận để đạt mục tiêu cuối cùng cao hơn là thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC). Các bên đều nhất trí rằng việc thông qua Bộ Quy tắc đó sẽ tăng cường hơn nữa hòa bình và ổn định của khu vực. Ðồng thời ASEAN và Trung Quốc cũng khuyến khích các quốc gia khác tôn trọng các nguyên tắc trong DOC.

 

2. Thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông

 

Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc là kết quả nỗ lực chung của cả ASEAN và Trung Quốc. Việc ký kết văn kiện này là một bước tiến quan trọng trong việc đối thoại giữa Trung Quốc và ASEAN về vấn đề Biển Đông. Việc tuân thủ nghiêm chỉnh các cam kết trong DOC góp phần tránh được các xung đột tại Biển Ðông, giữ ổn định cho khu vực và có lợi cho toàn khu vực.

 

Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN 16 tại Hà Nội (tháng 4/2010) đã coi DOC năm 2002 là một trong số các công cụ và cơ chế quan trọng hiện nay của ASEAN, đặt DOC bên cạnh các văn kiện pháp lý như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Ðông - Nam Á (TAC), Hiệp ước về khu vực phi vũ khí hạt nhân ở Ðông - Nam Á (SEANWFZ), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM), Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về tội phạm xuyên quốc gia (AMMTC) và Công ước ASEAN về chống khủng bố.

 

Cầu tàu tại đảo Trường Sa Lớn (Ảnh: Hoàng Long)
Từ khi tuyên bố DOC được ký kết đến nay, chúng ta tiếp tục các nỗ lực to lớn, tuân thủ các cam kết trong DOC (Ảnh: Hoàng Long)

 

Chính giới và dư luận quốc tế cũng đánh giá cao vai trò của DOC và sự cần thiết thực hiện đầy đủ các cam kết trong văn kiện này. Tuyên bố của Chủ tịch ARF 17 tại Hà Nội (tháng 7/2010) nêu rõ các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của DOC như là một văn kiện lịch sử giữa ASEAN và Trung Quốc, thể hiện cam kết tập thể nhằm đảm bảo các giải pháp hòa bình cho các tranh chấp trong khu vực. Các Bộ trưởng nhấn mạnh hiệu quả của DOC trong việc xây dựng sự tin cậy lẫn nhau và sẽ giúp cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực. Các Bộ trưởng khuyến khích các nỗ lực theo hướng thực hiện đầy đủ DOC và cuối cùng tiến tới COC. Tuyên bố chung của các nguyên thủ và Thủ tướng các nước ASEAN và Trung Quốc về đối tác chiến lược ASEAN-Trung Quốc (Ba-li, In-đô-nê-xi-a ngày 8/10/2003) đã coi việc thực hiện DOC là một biện pháp trong hợp tác an ninh giữa ASEAN và Trung Quốc.

 

Ðể thúc đẩy thực hiện đầy đủ các quy định trong DOC, ASEAN và Trung Quốc đã lập 2 cơ chế là Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN - Trung Quốc về DOC (SOM ASEAN - Trung Quốc) và Nhóm Công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện DOC (ACJWG). Dưới sự chỉ đạo của SOM ASEAN - Trung Quốc về DOC, từ năm 2005 đến năm 2011 Nhóm Công tác chung đã tập trung thương thảo về bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC.

 

Tại Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 44 tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a (tháng 7/2011), ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện Tuyên bố DOC. Bản Quy tắc nêu rõ: DOC phải được thực hiện từng bước một phù hợp với các điều khoản của DOC; các bên tham gia thực hiện DOC tiếp tục tăng cường đối thoại và tham vấn, phù hợp với tinh thần DOC; việc tiến hành các hoạt động hoặc các dự án đã được quy định trong DOC cần được xác định rõ ràng; việc tham gia các hoạt động hoặc các dự án cần được thực hiện trên cơ sở tự nguyện; các hoạt động ban đầu trong phạm vi DOC cần phải là các biện pháp xây dựng lòng tin; quyết định thực hiện các biện pháp hoặc các hoạt động cụ thể của DOC cần dựa trên sự đồng thuận của các bên và phải hướng đến mục tiêu cuối cùng là thực hiện Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông; trong quá trình thực hiện các dự án đã được thoả thuận, khi cần thiết, sẽ trưng cầu sự đóng góp của các chuyên gia, các nhân vật nổi tiếng. Bản Quy tắc hướng dẫn quy định tiến trình thực hiện các hoạt động và các dự án đã được thoả thuận trong DOC sẽ được báo cáo hàng năm cho Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN-Trung Quốc.

 

Bước phát triển mới trong quá trình thực hiện Tuyên bố DOC năm 2002 là tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 18 (Gia-các-ta, In-đô-nê-xi-a, tháng 5/2011), các nhà lãnh đạo cấp cao ASEAN đã quyết định tăng cường nỗ lực thực hiện toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông và đề nghị thảo luận để bắt đầu xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Ðông vào năm 2012 nhân kỷ niệm 10 năm ký kết Tuyên bố DOC. Thực hiện quyết định đó, trong năm 2012 các nước ASEAN đang tích cực trao đổi và cho đến nay đã đạt được nhiều kết quả trong việc xây dựng các thành tố cơ bản của COC. Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 20 (Nông-pênh, tháng 4/2012) tiếp tục nhấn mạnh để bảo đảm hoà bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông, trong đó có an ninh và an toàn hàng hải, các bên liên quan cần giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình, tuân thủ pháp luật quốc tế, đặc biệt Công ước Luật Biển năm 1982, bảo đảm tôn trọng và thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông, sớm xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông.

 

3. Việt Nam và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông

 

Với chính sách đối ngoại hòa bình, Nhà nước ta đã nhiệt liệt ủng hộ Tuyên bố năm 1992 của ASEAN về Biển Ðông, mặc dù lúc đó chúng ta chưa phải là thành viên của ASEAN. Sau khi gia nhập ASEAN, chúng ta đã tích cực thúc đẩy và có đóng góp lớn vào việc xây dựng Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông. Ban đầu chúng ta chủ trương và nỗ lực theo hướng ASEAN và Trung Quốc ký một văn kiện có tính pháp lý cao hơn liên quan vấn đề Biển Ðông. Tuy nhiên, trong quá trình thương lượng nảy sinh một số vấn đề kỹ thuật không đạt được sự nhất trí chung. Trong bối cảnh đó, Nhà nước ta đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, có bước đi linh hoạt, mềm dẻo cần thiết, đồng ý bước đầu ký văn kiện ở hình thức Tuyên bố như văn bản DOC hiện hành. Từ khi Tuyên bố DOC được ký đến nay, chúng ta tiếp tục các nỗ lực to lớn, tuân thủ các cam kết trong DOC, đồng thời yêu cầu các nước liên quan thực hiện đúng các cam kết trong Văn kiện này. Tuyên bố DOC thực sự có đóng góp quan trọng cho việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Ðông. Nghiêm túc tôn trọng tinh thần Tuyên bố DOC và thực hiện đầy đủ DOC sẽ có lợi cho cả ASEAN và Trung Quốc, đồng thời đáp ứng mong mỏi và nguyện vọng chung của khu vực và thế giới về một Biển Ðông hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

 

Trong quá trình thực hiện DOC, Việt Nam trước sau như một kiên trì chủ trương giải quyết mọi tranh chấp liên quan Biển Ðông bằng các biện pháp hòa bình, căn cứ pháp luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển năm 1982, thúc đẩy thực hiện đầy đủ DOC, tiến tới xây dựng COC vì mục đích góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Ðông. Chúng ta cũng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực về biển với các nước láng giềng liên quan. Các nỗ lực và việc làm của nước ta được chính giới và dư luận quốc tế và khu vực đánh giá tích cực.

 

Trả lời câu hỏi liên quan đến chủ đề Biển Ðông tại buổi họp báo ngày 9/4/2010 về kết quả Hội nghị cấp cao ASEAN 16, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn trên Biển Ðông là lợi ích chung và là mối quan tâm lớn của các nước ASEAN, trong khu vực. Các nước liên quan đã xây dựng nhiều thỏa thuận và cơ chế hợp tác nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và cùng hợp tác ở khu vực, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC). Ðây là văn kiện được ký kết giữa ASEAN và Trung Quốc, nhằm thúc đẩy xây dựng lòng tin, hợp tác”. Thủ tướng nước ta nhấn mạnh: "Với thiện chí của các bên và vì lợi ích chung của khu vực, các bên liên quan sẽ tiếp tục tuân thủ và thực hiện tốt DOC, cũng như Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982, góp phần thiết thực duy trì hòa bình, ổn định, an ninh ở Biển Ðông”.

 

Với tinh thần đó, từ thực tiễn hiện nay của ASEAN, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục cùng các nước ASEAN tham khảo nội bộ chặt chẽ giữa các nước thành viên để thống nhất về các thành tố cơ bản của COC. Từ đó, ASEAN và Trung Quốc sẽ bàn bạc để sớm hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông. Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 20 tại Nông-pênh vừa qua, lãnh đạo ta đánh giá cao việc thông qua Bản Quy tắc hướng dẫn thực hiện DOC và đề nghị ASEAN cần sớm thống nhất các thành tố cơ bản của COC để làm cơ sở đối thoại với Trung Quốc.

 

Cách tiếp cận hợp tình, hợp lý và các nỗ lực tích cực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện toàn diện DOC và phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác trong việc xây dựng COC sẽ góp phần nâng cao hơn nữa vai trò và ý nghĩa của DOC, đóng góp xứng đáng vào nỗ lực chung của ASEAN và cộng đồng quốc tế vì một Biển Ðông hòa bình, hữu nghị và hợp tác.

 

Theo Luật gia Hạnh Duy

 Đại Đoàn Kết