1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những nỗi đau dưới chân núi Hàm Rồng

Gia Lai là một trong những địa bàn ở khu vực Tây Nguyên bị quân đội Mỹ rải một lượng chất độc rất lớn, cho đến giờ vẫn còn tồn lưu trong lòng đất. Đây là một trong những hiểm hoạ đe doạ tính mạng, cuộc sống của con người hôm nay.

Ở Chư Sê (Gia Lai) về thôn Hồ Nước, ai cũng biết ông Phong - một chiến binh già đã ngoài 70 và giữ nhiều danh hiệu: Dũng sĩ diệt máy bay, dũng sĩ diệt Mỹ, dũng sĩ diệt ngụy, dũng sĩ diệt tàu địch... Đến khi trở về đời thường, vợ ông sinh cho ông một cô con gái mà ngay từ tấm bé, vợ chồng ông đã khổ sở vì lo chạy chữa cho nó.

 

Trong lúc trò chuyện với ông, cô gái đứng bên cạnh cứ ngơ ngác nhìn, với những nụ cười "vô hồn"... "Nó thương bố lắm! Bình thường cứ chạy lại vuốt ve, yêu bố" - ông Phong lặng lẽ nói như độc thoại với chính mình.

 

Ông Phong là lính hải quân, đã có mặt trong trận bắn hạ tàu địch tại vịnh Bắc Bộ - một sự kiện lớn vào ngày 2/8/1964. Sau đó, ông chiến đấu tại Chiến khu D (Xuân Lộc, Đồng Nai) thuộc Trung đoàn 429. Cao điểm năm 1969, địch liên tục rải chất độc da cam xuống mảnh đất này, ruộng vườn cây lá bị thiêu huỷ sạch. Ông Phong và đồng đội cứ thế từng ngày ngoan cường sống và chiến đấu tại đây. Bản thân ông cũng không biết cái chất độc da cam quái đản ấy đã nhiễm vào người tự lúc nào.

 

Đến thăm nhà vợ chồng chị Thanh, ngôi nhà "cửa đóng suốt ngày", cậu con trai 15 tuổi, cứ thấy người đến là la lớn gọi ba mẹ và ngồi thu mình lại trong góc nhà, như sợ người ta bắt mất. Anh Nguyễn Xuân Thuỷ - đại tá, nguyên Huyện đội trưởng huyện Chư Sê - không có nhà.

 

Chị Thanh cho biết, trước đây, anh Thuỷ đã chiến đấu tại khu vực Lâm Đồng. Chính trong cơ thể anh đã mang di chứng của chất độc dioxin. Lúc tôi sinh cháu, da thịt ngày càng mềm nhũn đi. Gia đình rất lo mà chẳng biết chạy chữa thế nào. Đến tháng thứ bảy trở đi bắt đầu ẵm đi khắp các bệnh viện, trung tâm trong cả nước, nhưng không được. Nhìn cháu hàng ngày nổi hạch đầy trên người, thỉnh thoảng la lên, cứng tay cứng chân..., tôi chỉ biết khóc và ôm con chặt vào lòng thôi.

 

Đến gia đình anh chị Lê Tấn Dũng - Nguyễn Thị Loan, nguyên là cán bộ khu căn cứ cách mạng ở K6 - Kông Chro, chúng tôi chứng kiến cảnh thương tâm của người con trai anh chị, năm nay khoảng 27- 28 tuổi, đầu to, nằm dài từ nhỏ, đôi tay co quắp, ú ớ khi được hỏi.

 

Chị Loan cho biết: "Những năm tháng chiến tranh, vợ chồng chị hoạt động chủ yếu ở vùng căn cứ Kông Chro, khi nhìn thấy máy bay Mỹ rải chất độc hoá học, bụi trắng trông cứ như sương mù, hai - ba ngày sau thì cây rừng rụng lá, môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng, đau đầu, khó thở...".

 

Theo TS-BS Lê Kế Sơn thì hiện tại, chúng ta chưa có công trình nghiên cứu quy mô lớn để xác định một cách toàn diện và chính xác tổn thất về kinh tế, xã hội, môi trường và con người do cuộc chiến tranh hoá học đã gây ra.

 

Chỉ tính ở Gia Lai, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội thì hiện có khoảng 2.000 người đủ các lứa tuổi bị di chứng của chất độc quái ác này. Họ là bằng chứng sống, tố cáo tội ác chiến tranh và đòi nhà cầm quyền cùng các công ty sản xuất hoá chất phục vụ chiến tranh của Hoa Kỳ phải có trách nhiệm bồi thường một phần mất mát to lớn của người dân bị nhiễm chất độc hoá học.   

 

Theo Lê Quang Hồi

Lao Động