1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Những niềm tin lệch lạc khiến động vật hoang dã tuyệt chủng

Nguyễn Dương

(Dân trí) - Theo các lời đồn đoán, dùng vảy tê tê, sừng tê giác hay uống rượu ngâm động vật hoang dã (ĐVHD) là tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, theo WHO, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm ở người đều có nguồn gốc từ ĐVHD.

Niềm tin giả - Bệnh thật

Trong nhiều thế kỷ qua, sản phẩm từ ĐVHD đã được con người sử dụng với nhiều mục đích khác nhau. Đáng ngại nhất là nhiều người có suy nghĩ lệch lạc, ăn thịt thú rừng hoặc sử dụng các sản phẩm từ thú rừng càng quý hiếm càng chứng tỏ độ sành điệu, là cách để khẳng định vị thế xã hội của mình. Nhiều người lầm tưởng rằng, vảy tê tê là "thần dược" có thể chữa được nhiều bệnh như yếu sinh lý, ung thư,… Một số người lại tin rằng, những bài thuốc bí truyền sử dụng sừng tê giác hay uống rượu ngâm động vật hoang dã có tác dụng bồi bổ sức khỏe.

Những niềm tin lệch lạc này là "đòn bẩy", kích cầu tình trạng buôn bán ĐVHD trên thế giới ngày càng gia tăng. Ước tính của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) cho thấy buôn bán ĐVHD bất hợp pháp ở quy mô toàn cầu có trị giá lên đến hơn 20 tỷ USD mỗi năm. Một con số khổng lồ và chỉ  đứng sau buôn bán ma túy, buôn người và buôn bán vũ khí. 

Những niềm tin lệch lạc khiến động vật hoang dã tuyệt chủng - 1

Nghiêm cấm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ các sản phẩm từ ĐVHD.

Theo ông Nguyễn Xuân Hướng- nguyên Chủ tịch hội Đông Y Việt Nam, vảy tê tê có tên thuốc là xuyên sơn giáp, tính hơi lạnh, không độc, có tác dụng vào hai kinh can và vị, có tác dụng giải độc, tiêu viêm, giảm đau... Tương tự, sừng tê giác là một vị thuốc được xếp vào nhóm thuốc "thanh nhiệt lương huyết", có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hạ sốt..., tuy nhiên, các nhóm sừng động vật khác như sừng trâu, bò cũng có tác dụng tương tự và chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh tác dụng của sừng tê giác tốt hơn sừng của các loài động vật khác.

Bên cạnh đó, trong Y học cổ truyền cũng có rất nhiều các thảo dược có thể thay thế vảy tê tê và sừng tê giác với tác dụng tương đương nhưng lại dễ tìm và không làm ảnh hưởng tới môi trường cũng như hệ sinh thái. Ví dụ trong nhóm thuốc thanh nhiệt lương huyết có tất cả 17 vị thuốc như ngưu hoàng, sinh địa, huyền sâm, đan bì, xích thược... vừa rẻ lại vừa dễ tìm. Do đó, bỏ tiền triệu để mua vảy tê tê và sừng tê giác chữa bệnh nhẹ là không cần thiết, trong khi đối với những bệnh nan y thì các sản phẩm từ ĐVHD này hoàn toàn không có tác dụng.

Bên cạnh đó, tiêu thụ động vật hoang dã còn có thể dẫn tới nguy cơ bùng phát các dịch bệnh hết sức nguy hiểm. Theo WHO, khoảng 70% bệnh truyền nhiễm từ động vật lây sang người hiện nay đều có nguồn gốc từ ĐVHD. Bằng chứng cụ thể nhất, chính là một loạt các bệnh truyền nhiễm mà loài người liên tục phải đối mặt trong 50 năm qua như SARS, Ebola, AIDS… khiến cho hàng tỉ người mắc bệnh và hàng triệu người tử vong. Nhiều người mắc bệnh nan y và sử dụng sừng tê giác cũng như vảy tê tê ở nhiều nước khu vực châu Á để rồi dẫn tới hậu quả khiến y học bó tay vẫn là con số "bền vững".

Việc tiêu thụ sản phẩm ĐVHD trái pháp luật được cho là một trong các nguyên nhân khiến các đại dịch có nguồn gốc từ ĐVHD vẫn có cơ hội để xuất hiện và bùng phát trên quy mô toàn cầu, gây ảnh hưởng không chỉ tới sức khỏe con người mà còn tác động tới sự phát triển kinh tế và xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới.

Ngay trong những thời điểm đầu của đại dịch Covid-19, đã có một số nghiên cứu của đại học Nông nghiệp Nam Trung Quốc nhận định tê tê là một trong các vật chủ trung gian có thể truyền loại virus này sang người. Mới đây, một nhóm chuyên gia là thành viên trong phái đoàn của WHO đã tìm thấy bằng chứng mới cho thấy các trang trại chăn nuôi ĐVHD ở miền nam Trung Quốc nhiều khả năng là nguồn lây và dẫn tới sự bùng phát của đại dịch đang khiến cho hơn 120 triệu người mắc và hơn 2,5 triệu người tử vong.

Nhận thức đúng từ những hành động cụ thể

Thiên nhiên Việt Nam đang bị tàn phá nghiêm trọng, hiện có 407 loài động bị đưa vào Sách Đỏ Việt Nam năm 2007 với các mức độ nguy cơ khác nhau từ hiếm đến nguy cấp và đe dọa tuyệt chủng. Đặc biệt, có 7 loài động vật của Việt Nam nằm trong danh sách 100 loài bị đe dọa nhất trên thế giới. Loài tê giác một sừng từng phân bố ở Việt Nam trước đây chưa được ghi nhận dấu vết tồn tại kể từ khi cá thể cuối cùng bị giết hại năm 2010.

Những niềm tin lệch lạc khiến động vật hoang dã tuyệt chủng - 2

Khai thác, tiêu thụ động vật hoang dã tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh cho con người.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, từ năm 2015 đến nay có tới hơn 36,7 tấn ngà voi, gần 685kg sừng tê giác khoảng 37 tấn tê tê (cả vảy và cá thể tê tê) bị bắt giữ tại nhiều địa phương trong cả nước, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ nước ngoài. Bên cạnh đó, nhiều cá thể hổ, tay gấu, rùa, rắn… cũng xuất hiện trong các bài rao bán trên mạng xã hội bất chấp các chế tài xử phạt ngày càng nghiêm minh.

Bảo vệ đa dạng sinh học của Việt Nam cũng như ngăn chặn việc tuyệt chủng của các loài hoang dã quý hiếm không chỉ là nỗ lực của các cơ quan chức năng mà còn cần sự chung tay của cả cộng đồng. Chắc chắn thế hệ mai sau không muốn voi, hổ chỉ còn tồn tại trên trang sách. Cộng đồng xã hội nên bắt đầu từ việc nhỏ nhất như nói không với các hành động sử dụng, biếu tặng, mua bán, vận chuyển… các sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD, và cùng lan tỏa các thông điệp về bảo vệ ĐVHD.

Thông tin về các loài dược thảo có tác dụng thay thế sừng tê giác và vảy tê tê đã được tổng hợp trong hai cuốn sách do các chuyên gia thuộc Viện Dược liệu soạn thảo với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Những niềm tin lệch lạc khiến động vật hoang dã tuyệt chủng - 3
Cuốn sách về "Những cây thuốc, vị thuốc có tác dụng thay thế SỪNG TÊ GIÁC".