Kỷ niệm ngày Biên phòng toàn dân 3/3:
Những người thầy mang quân hàm xanh
(Dân trí) - Cứ đều đặn vào các tối thứ 3, 5, 7 hàng tuần, tại hội trường Trạm biên phòng cửa khẩu sông Hàn (TP Đà Nẵng) lại vang lên những tiếng đọc ê a của các em nhỏ trong lớp học tình thương. Thầy giáo đứng lớp là các cán bộ, sĩ quan của trạm.
Những người thầy đặc biệt
Khi bầu trời bắt đầu sầm tối, những ánh đèn điện đã sáng trưng cũng là lúc lớp học tình thương của Trạm biên phòng của khẩu bắt đầu. Đứng lớp hôm nay là thầy giáo - Trung úy Lê Hoàng Đức. Mở đầu buổi học, thầy Đức đọc cho các em chép bài thơ “Bốn anh tài”. Các em cặm cụi viết bài, từ nào chưa rõ các em hỏi lại thầy, em nào viết không kịp thầy Đức đến cầm tay nắn nót từng chữ. Thỉnh thoảng thầy giáo thêm vào những câu nói hóm hỉnh khiến cả lớp cười vang. Lớp học diễn ra trong không khí vui tươi, nhẹ nhàng.
Các em học sinh của lớp học tình thương này là những em chưa từng được đến lớp học hoặc phải nghỉ học nữa chừng do hoàn cảnh khó khăn, những em nhỏ chậm phát triển trí não. Tuy cùng chung một lớp nhưng các em có sự chênh lệch về độ tuổi khá lớn, có em mới 8 tuổi nhưng cũng có học sinh đã 20 tuổi.
Thiếu tá Hồ Song Phương, chính trị viên Trạm biên phòng cửa khẩu sông Hàn cho biết, lớp học được mở từ năm 2011 và duy trì cho đến nay. Ban đầu lớp có 19 em nhưng nay một số em đã chuyển đi nơi khác sinh sống nên sĩ số của lớp đã giảm. Các em trong lớp học tình thương đều là con em của những gia đình đi biển, buôn bán nhỏ trên địa bàn phường Thuận Phước (quận Hải Châu), do hoàn cảnh khó khăn các em phải nghỉ học nữa chừng để phụ việc cho bố mẹ. Thường xuyên đứng lớp là 4 cán bộ: Thượng úy Lê Hữu Trung, Trung úy Lê Hoàng Đức, Thiếu úy Nguyễn Văn Sơn và Thiếu úy Nguyễn Mạnh Hà. Các anh đều chưa một lần được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Mới đầu vận động các cháu đến lớp, các anh gặp không ít khó khăn bởi bố mẹ các em thường phản đối: “Cho nó đi học thì ai phụ tui làm?”. Nhưng bằng những nỗ lực động viên không mệt mỏi, các anh đã thuyết phục được cha mẹ cho các em đến lớp.
Những ngày đầu đi học, các em rất nghịch ngợm, hay phá phách đồ đạc, ngồi lên bàn, bật ti vi… nhưng sau một thời gian được rèn luyện các em đều đã chấp hành tốt. Một khó khăn nữa trong quá trình dạy đó là các em tiếp nhận không đồng đều, có em học rất nhanh nhưng cũng có em học rất chậm. Vì thế, thông thường một buổi học phải có hai người đứng lớp để có thể kèm cặp cho nhiều em. Hiện giờ lớp học đang học chương trình lớp 4 nhưng chỉ học hai môn Toán và Tiếng Việt.
Trung úy Lê Hoàng Đức chia sẻ, anh đã đứng lớp hơn nửa năm nay. Khó khăn lớn nhất đó là trình độ của các em không đồng đều, vì thế phải chia ra nhiều cách truyền đạt, giảng dạy khác nhau. Mặt khác, do hoàn cảnh khó khăn nên các em thường mặc cảm, học được một hai bữa là nghỉ học, mình phải đến nhà vận động em đi học lại. Hay có những em bố mẹ buôn bán, đi đánh cá, các em phải nghỉ học ở nhà để phụ giúp bố mẹ nên đi học không đồng đều. Một số em quậy quá thầy nhắc nhở là hôm sau giận bỏ học. Nhiều lúc thầy giáo phải mua nước ngọt, bánh kẹo để “nịnh” cho các em đi học.
Bên cạnh những khó khăn thì các anh cũng đã tìm thấy được niềm vui cho mình khi đứng lớp. Đó là các em học ngày càng tiến bộ và thích đi học.
“Các em ở đây cũng giống như em mình, cháu mình, hoàn cảnh đứa nào cũng tội. Không có nhiều thời gian, một tuần chỉ có ba buổi nên mình giúp được em nào thì giúp”, anh Đức bộc bạch.
“Nhờ có các chú, cháu mới được tiếp tục đi học”
Đang cầm tay em Nguyễn Tiến Sĩ nắn nót từng chữ, Thiếu tá Hồ Song Phương cho biết, em này đã 16 tuổi nhưng người nhỏ bé như trẻ 5 - 6 tuổi, trí não chậm phát triển. Đi học mấy năm rồi nhưng Sĩ mới viết được mấy chữ thôi.
Đi học với Sĩ còn có chị gái Nguyễn Thị Thùy Nhung (tuổi 17). Nhung cho biết, nhà Nhung chỉ có hai chị em, bố làm công nhân còn mẹ bán vé số. Vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn nên mới học hết lớp 4 Nhung đã phải nghỉ học. May nhờ có các chú ở trạm đến vận động ba mẹ, em mới được đến đây học tiếp.
Còn em Phan Thị Muốn (20 tuổi) cho hay, nhà Muốn có ba chị em, Muốn là chị cả trong gia đình. Cũng vì hoàn cảnh khó khăn nên học đến lớp 4 là bố mẹ cho nghỉ ở nhà. Hiện giờ, ban ngày Muốn đi làm thợ may kiếm tiền phụ giúp gia đình còn ban đêm đến lớp học. Muốn cũng rất vui khi lại được tiếp tục đi học như thế này.
Đêm dần về khuya, trong lớp học của những người thầy mang quân hàm xanh, vẫn văng vẳng tiếng đọc bài ê a xen lẫn cùng gió biển...
Khánh Hồng