1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Những người ngồi đất ngắm trời, kể chuyện trăng

Say mê những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú, nhiều bạn trẻ đã đội mưa, xuyên rét chỉ để cùng nhau ngắm nguyệt thực, mưa sao băng. Mê quá, nhiều người còn mày mò, tự chế ra những chiếc kính thiên văn để phục vụ việc ngồi đất, ngắm trời.

 
Những người ngồi đất ngắm trời, kể chuyện trăng - 1
Anh Tuấn Sơn bên chiếc kính thiên văn tự chế
 
Tự “chế” kính thiên văn

 

Trước cửa sân vận động Mỹ Đình một buổi tối cuối đông, gió lạnh buốt, len lỏi vào da thịt nhưng cũng không ngăn nổi hàng trăm bạn trẻ với kính thiên văn, máy ảnh túc trực, hào hứng đón đợi xem Nguyệt thực.

 

Với họ, niềm đam mê được nhìn ngắm, tìm hiểu những hiện tượng thiên nhiên kỳ thú bao giờ cũng là một điều tuyệt vời nhất. Hôm ấy trời xấu, không xem được hiện tượng thiên nhiên này, họ lại chụm vào nhau hỏi đáp về chuyện… trên trời. Và qua những buổi giao lưu như thế, họ đã có thêm nhiều kiến thức về lĩnh vực còn khá mới mẻ...

 

Ngớt câu chuyện với những sinh viên đang háo hức tiếp nhận những kiến thức còn mới lạ, Đặng Vũ Tuấn Sơn-Chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn học trẻ Việt Nam (VACA) kéo tôi ra quán trà nóng bên góc đường, kể rằng, ai đã thích thiên văn thì… cháy đến tận cùng.

 

Như Sơn, nhiều khi đang đi chơi cùng bạn gái, anh sẵn sàng… để nàng ngồi “đuổi kiến” để trả lời điện thoại “một cô bé nào đó” phía đầu dây về sao băng, sao chổi.

 

Anh bảo, trong VACA có nhiều thành viên đam mê tới mức có thể bỏ ra rất nhiều công sức và tâm huyết để lên mạng, tìm tài liệu bằng tiếng nước ngoài rồi dịch ra, làm phụ đề phim… đưa lên diễn đàn cho mọi người tham khảo.

 

Thậm chí, cho dù kính thiên văn bán ngoài chỉ khoảng 1 triệu đồng, song nhiều người còn tự tay làm những chiếc kính thiên văn để… ngắm trời. Đó là trường hợp của một thành viên tên Hiếu (Hà Tĩnh), toàn bộ kính thiên văn anh có đều là do tự tay anh làm từng bộ phận nhỏ.

 

Anh kể rằng, quan trọng nhất của việc tự tay làm kính thiên văn chính là việc mài gương. Có nhiều người không đủ thời gian và sự kiên nhẫn đã đi mua gương mài sẵn, song lại có chất lượng không cao, không đáp ứng được yêu cầu quan sát khi khả năng phản xạ ánh sáng thấp.

 

Theo các “chuyên gia tay ngang,” đầu tiên họ phải đi mua thủy tinh, sau đó mài thô, mài tinh và đánh bóng. Việc mài tinh tốn nhiều công đoạn và thời gian để bảo đảm độ cong của gương đạt chuẩn, rồi dùng giấy ráp đánh bóng để làm hết tỳ vết. Thông thường, việc mài một chiếc gương 8 inch sẽ mất từ 2-3 tuần.

 

Sau khi đánh bóng xong, họ phải gửi gương vào Thành phố Hồ Chí Minh để mạ chân không, tạo thành gương phản xạ. Tiếp đó là việc thiết kế các bộ phận như giá để gương, ống kính rồi căn chỉnh sao cho đúng khoảng cách, bố trí hợp lý để quan sát tốt. Cuối cùng, phải thiết kế các bộ phận như giá để gương, ống kính rồi căn chỉnh các bộ phận để quan sát tốt. các bộ phận phải hợp lý.

 

Bản thân Tuấn Sơn cũng đã có một số lần làm kính không thành công, bởi chỉ cần tính sai về tiêu cự gương là mọi chuyện lại quay trở về vạch xuất phát.

 

“Truyền bá” kiến thức thiên văn cho giới trẻ

 

Đang hồ hởi kể, bỗng giọng Tuấn Sơn trùng xuống. Anh bảo rằng, giới trẻ giờ đây không hẳn ai cũng đã yêu thích việc tìm hiểu những thông tin về thiên văn, vũ trụ.

 

Có thâm niên đến cả 10 năm trong việc tuyên truyền về thiên văn, nhiều khi anh và các thành viên cốt cán trong VACA đã phải vắt óc suy nghĩ, làm sao để thu hút các bạn trẻ đến với câu lạc bộ.

 

Anh kể, vào năm 2002, khi là sinh viên trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, Sơn “ghi danh” vào một diễn đàn mạng, tham gia một mục về thiên văn và phổ biến kiến thức anh thu lượm được cho cộng đồng.

 

Để mở rộng quy mô “truyền bá,” năm 2005, Sơn cùng nhóm bạn thành lập website www.thienvanvietnam.org. Đây là một diễn đàn phi lợi nhuận và cũng là nơi để những người yêu thiên văn có thể đưa tin tức, tài liệu, phim khoa học… về thiên văn để cộng đồng mạng cùng tìm hiểu.

 

Cũng từ đó tới nay, VACA đã tổ chức nhiều ngày hội thiên văn ở Hà Nội. Đây là dịp để những thành viên nòng cốt của câu lạc bộ giới thiệu, phổ biến một số sự kiện thiên văn đang được quan tâm trong năm. Ngoài ra, các thành viên còn có cơ hội giao lưu với các nhà khoa học, vật lý, thiên văn ở Việt Nam như Giáo sư-viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Giáo sư-tiến sĩ Nguyễn Đình Noãn (Đại học Vinh), nhà vật lý Phạm Văn Thiều, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải…

 

Đặc biệt, trong năm 2008, VACA đã phối hợp với Hội Trí thức trẻ tổ chức một lớp học về thiên văn với thời gian 30 ngày cho các bạn sinh viên, mà học phí chỉ là chút tiền… in ấn tài liệu.

 

Bên cạnh đó, VACA cũng thường xuyên tổ chức gặp mặt, trao đổi hoặc cùng nhau quan sát hiện tượng thiên văn. Năm 2008, họ đã tổ chức được một cuộc thi về thiên văn với rất đông bạn trẻ tham dự.

 

Trong năm Nhâm Thìn, VACA cũng sẽ sẽ tổ chức 10 năm thành lập vào cuối tháng 3. Tại sự kiện này, họ sẽ tổ chức những hội thảo chia sẻ kiến thức về thiên văn với sự tham dự của các chuyên gia.

 

Bên cạnh đó, Tuấn Sơn cũng đang ấp ủ dự định chế tạo một kính thiên văn lớn, có hệ thống chụp ảnh tự động để ghi lại những khoảnh khắc kỳ thú của thiên nhiên. Chiếc kính sẽ được chế tạo hệ thống auto-tracking (tự định vị), chuyển động phù hợp với vòng quay của trái đất để có được những bức ảnh ưng ý.

 

“Hiện các anh em trong VACA đang xúc tiến thiết kế bản vẽ. Nếu thành công, đây sẽ là chiếc kính thiên văn lớn nhất mà những người yêu thiên văn Việt Nam từng chế tạo với đường kính gương 19inch,” Sơn hồ hởi.

 

Anh hy vọng, qua sự kiện rầm rộ sắp tới, VACA sẽ có thêm nhiều bạn trẻ ghi danh tham gia câu lạc bộ, vượt xa con số 4.000 thành viên mà www.thienvanvietnam.org hiện nay đang có. Đó cũng sẽ là cơ hội để những người yêu thiên văn như Sơn có thể đem kiến thức của mình đến đông đảo giới trẻ hiện nay.

 

Theo Trung Hiền

Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm