1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Những người mẹ và nỗi đau da cam

(Dân trí) - Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau để lại cùng di chứng chất độc da cam vẫn còn dai dẳng. Bao gia đình tan vỡ khi đứa con tật nguyền không được mong đợi ra đời. Bao bi kịch của người mẹ gắn liền với nỗi đau da cam…

Những người mẹ và nỗi đau da cam - 1

Có gì bù đắp được nỗi đau này!

 

Cả đời hy sinh cho những đứa con tật nguyền

 

Bà con xã H.G. (Đồng Nai) vẫn tiếc cho số phận long đong của chị N.T.K.L. Lớn lên ở vùng thôn quê, mới gần 20 tuổi chị đã lấy chồng. Chị vốn xinh đẹp có tiếng trong làng, gia đình chồng cũng dư dả, ai cũng tưởng đời chị rồi sẽ hạnh phúc dài lâu. 

 

Ai ngờ, sau hai đứa con gái đầu, chị sinh một lúc hai đứa con trai thì đều bị di chứng chất độc da cam (CĐDC) - vừa câm điếc vừa bị tâm thần. Người chồng đâm đơn ly hôn, chị trở về nhà cha mẹ với hai bàn tay trắng và 4 đứa con nheo nhóc, hai đứa tật nguyền.

 

Ở quê không lấy gì nuôi nổi 4 đứa con, chị đành để con lại cho cha mẹ già chăm sóc, một thân một mình lên Sài Gòn làm công nhân, tháng tháng gửi tiền về cho ông bà nuôi con.

 

Gần 10 năm một mình làm lụng nuôi con, con chị nay có đứa đã học cấp 3. 35 tuổi, nhiều người trong làng cũng quý mến chị nhưng không ai dám cùng chị nên duyên bởi sợ gánh nặng 4 đứa con, lại có 2 đứa tật nguyền. Có người đàn ông trên thành phố khi về thăm nhà chị, thấy hai đứa trẻ tật nguyền đã không quay lại lần thứ hai…

 

Chung hoàn cảnh với chị K.L. là bà N.T.M, ngụ Củ Chi (TPHCM). Cả đời bà nghèo khổ, đi làm thuê, làm mướn, ở đợ… Khi lấy chồng, sinh ra đứa con trai tật nguyền thì người chồng cũng bỏ mẹ con bà mà đi biệt xứ.

 

Khổ cực suốt mấy mươi năm dài làm thuê, xin ăn… nuôi con, đến khi người con lớn, dù tật nguyền nhưng vẫn cố gắng tìm việc làm nuôi mẹ thì tai nạn bất ngờ khiến anh liệt hẳn. Đến nay, đã hơn 70, liệt nửa người nhưng bà vẫn phải cố sống để chăm sóc đứa con trai tật nguyền nằm liệt giường.

 

Cô H.T.T., ngụ tại Bình Chánh (TPHCM) có số phận không may mắn hơn. Cống hiến tuổi thanh xuân cho kháng chiến, cô trở về đời thường với người chồng cũng là bộ đội chiến đấu ở miền Nam.
 
Những người mẹ và nỗi đau da cam - 2

 

Oái ăm, dù đất nước đã hòa bình nhưng cuộc chiến vẫn còn kéo dài trong gia đình cô. Hai đứa con đầu sinh ra chỉ bị nghễnh ngãng đã khiến người chồng không vui. Đứa con trai thứ ba ra đời toàn thân bị bệnh cơ gồng, chân tay liên tục co giật rất khổ sở và đau đớn, khả năng nói cũng mất hẳn…

 

Buồn lòng, người chồng ra đi bỏ ba đứa con lại cho người phụ nữ yếu đuối ấy chăm lo. Từ đó, cô làm từ sáng đến khuya để kiếm tiền chạy chữa cho con. Cứ hễ dành được ít tiền là cô đưa con đến bệnh viện chữa, hết tiền thì về làm việc dành dụm tiếp. Thấm thoát cũng đã gần 20 năm…

 

Không nỡ bỏ rơi giọt máu của mình

 

Bác sĩ Phạm Thanh Tòng, Ủy viên Hội NNCĐDC/Dioxin Việt Nam TPHCM, kể: “Lần đầu tôi thấy cô H.T.T. một mình ôm con trong bệnh viện là tôi biết ngay: “Thằng chồng bỏ rồi phải không?”. Dù cô ấy ậm ừ không nói nhưng chẳng trật đi đâu được. Tôi từng gặp biết bao nhiêu cảnh như vậy rồi!”.
 
Những người mẹ và nỗi đau da cam - 3

 

Chưa cơ quan nào thống kê trên cả nước có bao nhiêu gia đình có con tật nguyền do di chứng CĐDC mà tan vỡ. Nhưng tại Hội NNCĐDC Việt Nam thị xã Long Khánh, Đồng Nai có thống kê khá cụ thể: trong gần 100 gia đình có con bị tật nguyền do di chứng CĐDC trên địa bàn thị xã thì có 23 gia đình tan vỡ, tỷ lệ khoảng 25%.

 

Bác Đỗ Thắng Phiên, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin thị xã Long Khánh chặc lưỡi: “Đẻ con ra mà bị vậy là mất hạnh phúc ngay! Chủ yếu là người mẹ phải nuôi con khi gia đình tan vỡ”.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc bệnh viện Từ Dũ, kể: “40 năm trước, lần đầu tiên trong đời tôi đỡ đẻ một em bé bị dị tật nặng - không có não và tứ chi. Tôi cảm thấy rất sợ, chóng mặt và buồn nôn. Còn người mẹ trẻ bị sốc khi nhìn thấy con, cô đã khóc rất nhiều. Cô ấy cứ nghĩ mình đã mắc tội và bị trời trừng phạt”.

 

Thế nhưng, với tấm lòng của người mẹ, họ không nỡ bỏ rơi đứa con mình đã dứt ruột đẻ ra. Họ cố gắng chăm sóc chúng bằng tất cả tình thương yêu, âm thầm chịu đựng một mình khi người cha đã bỏ mặc.

 

Di chứng của CĐDC không chỉ là bệnh tật, không chỉ là tốn kém tiền bạc chữa trị, không chỉ là những đứa trẻ không có tương lai,… Đó còn là nỗi đau của những bà mẹ trước số phận trớ trêu, những bi kịch gia đình vì túng quẫn…
 
Những người mẹ và nỗi đau da cam - 4

 

Sau phán quyết của Tòa án Lương tâm Quốc tế, Quốc hội Mỹ đã tổ chức phiên điều trần về quan hệ Mỹ - Việt trong các vấn đề về chất da cam. Quốc hội Mỹ cũng đã đồng ý tăng mức hỗ trợ phục hồi môi trường và chăm sóc sức khỏe nạn nhân di chứng CĐDC từ 3 triệu USD lên thành 6 triệu USD…

 

Nhưng thế đã đủ chưa? “Dù bao nhiêu đi nữa cũng không bù đắp được những nỗi đau!” - bác Đỗ Thắng Phiên cảm khái.

 

Tùng Nguyên