1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những người lính đi đảo không về!

(Dân trí) – Những lời hứa hẹn, những ước mơ chưa thể thực hiện, các anh đã quên mình dũng cảm hy sinh trong công cuộc bảo vệ đất nước. Máu các anh tô thắm màu cờ Tổ quốc, linh hồn hòa vào biển khơi để rồi khi nhớ về các anh, người thân không khỏi tự hào.

Những ngày trung tuần tháng 7, chúng tôi có dịp thăm gia đình những người con đã hy sinh trên đảo Trường Sa. Các anh đã ra đi rồi không bao giờ trở về để rồi đây cứ mỗi tháng 7 về, những người cha người mẹ, anh em chỉ biết hướng đôi mắt ra biển khơi.

Thuyền trưởng hy sinh bỏ lại vợ và hai con nhỏ

Đã gần 30 năm trôi qua, kể từ khi trận chiến Gạc Ma diễn ra, nhưng nỗi đau mất người thân vẫn còn nguyên vẹn trong gia đình của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Phi Trừ. Trong ngôi nhà đơn sơ, hồi tưởng về anh trai, ông Vũ Xuân Thế (xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) không kìm được nước mắt.

Ngày 14/3/1988, Hải quân Việt Nam chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc đánh chiếm đảo Gạc Ma thuộc quần đảo trường Sa - Việt Nam. Trong trận chiến đó, 64 chiến sĩ đã anh dũng hi sinh có Đại úy Vũ Phi Trừ (SN 1957, xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa), nhập ngũ năm 1975. Trưởng thành từ quân ngũ, Vũ Phi Trừ đã được đào tạo tại trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân (1978-1981), sau đó được điều về làm phó tầu HQ604 (1981-1983) rồi thuyền trưởng (1984-1988).

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Phi Trừ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Vũ Phi Trừ hy sinh trong trận chiến Gạc Ma

Nhớ về anh, ông Thế cho biết, ngày ấy, bạn bè cùng trang lứa bỏ học hết vì nhà nghèo, đường đi học xa. Còn anh Trừ xa vài cây số anh vẫn đi học đều đặn. Thời đó, cả xã chỉ có hai người học cấp 3, đó là chị gái và anh Trừ nhà chúng tôi. Ham học là thế nhưng khi Tổ quốc gọi, anh đã bỏ dở dang việc học để lên đường nhập ngũ. Thế rồi sau 5 năm nhập ngũ, tâm nguyện được đi học của anh đã trở thành hiện thực. Anh được chuyển sang đào tạo tại trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật hải quân.

“Sau khi thực hiện được tâm nguyện học hành, năm 1982, anh Trừ trở về quê cưới vợ để cho ông bà, bố mẹ yên lòng. Nhưng thật buồn là ngày anh cưới cũng là ngày bà nội qua đời. Vài ngày sau khi cưới người vợ trẻ trở về và lo hậu sự cho bà thì anh lại phải lên đường. Trước khi đi, anh còn dặn tôi là chăm sóc gia đình, sau này anh sẽ về phụng dưỡng mẹ lúc tuổi già. Vậy mà lúc mẹ tuổi già, anh đã đi mãi không về ”, ông Thế nghẹn ngào nói.

Chưa kịp thực hiện lời hứa của mình, liệt sĩ Vũ Phi Trừ nằm lại trong lòng biển khơi mãi mãi, để lại người vợ trẻ, 2 con nhỏ.

“Đồng đội của anh kể rằng, vào ngày 14/3/1988, anh Trừ chỉ huy bộ đội chuyển vật liệu xây dựng và đưa bộ đội lên đảo. Lúc này hai tàu Trung Quốc cỡ lớn đã đến uy hiếp, yêu cầu ta rút khỏi đảo Gạc Ma. Anh cùng đồng đội đã anh dũng chiến đấu nhưng do không cân sức, chiếc thuyền bị đánh chìm, anh cùng đồng đội mãi mãi nằm lại biển khơi. Như sét ánh bên tai, gia đình tôi ai cũng hoảng loạn vì không thể tin vào sự thật quá đau lòng ấy. Mẹ tôi và chị vợ anh khóc cạn nước mắt, trong khi hai cháu còn đang quá nhỏ. Cháu đầu Vũ Hải Đăng lúc đó mới hơn 4 tuổi, còn cháu thứ 2 Vũ Xuân Khoa chưa đầy 15 tháng tuổi” - ông Thế kể.

Ông Thế đau lòng khi hồi ức về anh trai Vũ Phi Trừ
Ông Thế đau lòng khi hồi ức về anh trai Vũ Phi Trừ

Em trai liệt sĩ Trừ bồi hồi: “Sau 6 năm cưới vợ nhưng anh chỉ có đôi ba lần được về thăm gia đình. Lần về lâu nhất của anh là 3 tháng. Sau ngày anh hy sinh, chị Tần, vợ anh dù đang còn trẻ vẫn ở vậy tần tảo nuôi các con ăn học trưởng thành. Giờ đây các cháu cũng đã thành đạt và đi theo nghiệp bố. Hiện các cháu ở trong thành phố Hồ Chí Minh và đưa mẹ vào trong đó. Mỗi khi nhớ lại cái ngày anh hy sinh của gần 30 năm trước gia đình vẫn ám ảnh nỗi đau”.

Không kịp về thăm mẹ

Những ngày này, ngôi nhà nhỏ nằm bên cánh đồng của gia đình liệt sĩ Lê Văn Tuấn (xã Quảng Đức, huyện Quảng Xương) dường như u buồn hơn. Trong ngôi nhà ấy có đôi mắt đầy vết chân chim của người cha người mẹ đang đau đáu dõi về phía xa xôi - trên mảnh đất của quần đảo Trường Sa có hình hài của con trai đang nằm lại.

Gần 4 năm trôi qua, mỗi lúc nhớ về con vợ chồng ông Lê Văn Tươi và bà Lê Thị Trường lại hướng mắt ra biển khơi - nơi con trai ông bà đã hy sinh khi làm nhiệm vụ.

 Đó là liệt sĩ Lê Văn Tuấn (SN 1988). Anh lên đường nhập ngũ vào năm 2006. Tháng 10/2010, anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ trực ban đêm tại cầu Cảng thuộc quần đảo Trường Sa.

Gần 4 năm sau ngày con hy sinh, trái tim người mẹ vẫn như có ngàn mũi kim châm.
Gần 4 năm sau ngày con hy sinh, trái tim người mẹ vẫn như có ngàn mũi kim châm.

“Trước 10 ngày hy sinh, con vẫn gọi điện nói với chúng tôi là cuối năm con sẽ về thăm bố mẹ, dặn chúng tôi ở nhà bỏ bớt ruộng đi rồi sắp tới nó được hưởng lương sẽ gửi về cho chúng tôi. Cũng có còn lâu nữa đâu, chỉ mấy tháng nữa thôi là con được về nhưng con đã không kịp. Cứ tưởng cái tết năm ấy sẽ thật là vui, lâu lắm gia đình chưa được đoàn tụ. Thế mà lời hứa hẹn của con chưa thực hiện được thì đã ra đi”.

“Ngày nghe tin con hy sinh tôi không tin vào tai mình, không tin đó là sự thật cho đến khi có giấy báo tử của con. ” – bà Trường bùi ngùi nhớ lại.

Rồi bà bảo Tuấn là con trai thứ 2 cũng là con út trong gia đình. Nhà nghèo những năm còn đi học thương bố mẹ vất vả nên vừa đi học vừa đi làm gạch thuê cho người ta để lấy tiền học. Sau khi thi đại học không đậu, Tuấn quyết định đi nhập ngũ.

Gần 4 năm qua chưa khi nào ông bà nguôi ngoai nỗi nhớ về con, bà Trường bảo chỉ cần nghĩ đến thôi trái tim tôi lại như ngàn mũi kim châm. Đau đớn hơn là chưa thể đưa con về với quê hương được bởi thế mà bao năm qua ông bà luôn khắc khoải, đau đáu một ước nguyện này.

Gần 4 năm sau ngày con hy sinh, trái tim người mẹ vẫn như có ngàn mũi kim châm.
“Con đi nhập ngũ giữa thời bình mà lời hứa hẹn không kịp thực hiện, đưa con đi rồi con đi mãi không trở về…” 

Ông Tươi cho biết, hàng năm nhà nước có cho 1 người trong gia đình của thân nhân liệt sĩ ra thăm mộ con nhưng năm nay do điều kiện chưa cho phép nên ông chưa được ra thăm con, chưa được đưa bàn tay sờ lên nấm mộ có núm ruột mình nằm trong đó nên nhớ lắm.

“Con đi nhập ngũ giữa thời bình mà lời hứa hẹn không kịp thực hiện, đưa con đi rồi con đi mãi không trở về…” – ông Tươi nghẹn ngào.

Nguyễn Thùy