Những người già không Tết
Giờ này nhà nhà đều hồ hở đón Tết. Nhưng chỉ cách trung tâm Hà Nội chừng 15km, những người già sống tại Trung tâm chăm sóc người cao tuổi (huyện Từ Liêm) vẫn đang từng ngày, từng giờ mòn mỏi, chờ đợi người thân. Và không ai trong số các cụ dám khẳng định Tết này, các con sẽ đón mình về!
Chiếc ôtô nổ máy ra khỏi cổng, để lại phía sau luồng khói bụi mù và những ánh mắt mỏi mệt đau đáu nhìn theo. 10h sáng ngày 13/2/2007, khi chúng tôi đến Trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở huyện Từ Liêm (Hà Nội), trước cổng mấy cụ bà, cụ ông như đang nhấp nhổm không yên về 1 điều gì. Những ánh mắt cứ đau đáu hướng ra ngoài cổng...
Cụ Phạm Thị Ch. năm nay đã 80 tuổi, có nhà ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) đã vào trung tâm được 3 năm, cho biết, cụ sinh được 5 người con; 2 con trai và 3 cô con gái.
Cách đây 3 năm, sau khi nghe mấy người con bàn chuyện bán nhà do tổ tiên để lại để lấy tiền làm vốn kinh doanh. Thương con và sợ chúng khổ, bà đã bán đi ngôi nhà do hai vợ chồng bà gom góp mấy chục năm trời được 3 tỷ đồng.
Nhưng chỉ được 3 tháng sau, cụ đã trở thành người vô gia cư. Không nhà không cửa, các con quý mến của cụ đã thẳng thừng từ chối trách nhiệm nuôi mẹ già. Để tránh khỏi sự ghẻ lạnh của các con, cụ tự xin vào trung tâm với ước nguyện sống cho thanh thản nốt quãng đời còn lại.
Đã 3 năm nay, năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày giáp Tết, cụ lại nhìn ra cổng như người mất hồn, ngơ ngác thơ thẩn một mình.
Qua câu chuyện với tôi, cụ nhắc đi nhắc lại: “Không biết ngày mai chúng có đón tôi về ăn Tết không các chú ơi… 3 năm nay, không biết có ai thắp hương cho ông nhà tôi không, tôi rất nhớ ông ấy". Đôi mắt nhăn nheo của cụ mọng đầy nước mắt, rồi chậm rãi lăn xuống hai gò má hốc hác.
Mỗi người một hoàn cảnh, khác với trường hợp của cụ Ch, cụ ông Nguyễn Đình Th 83 tuổi, có nhà ở phố Đội Cấn, có 8 người con. Theo lời kể của một cán bộ trong trung tâm thì từ tối qua đến giờ, cụ nhất định không ăn uống gì và chỉ luôn hỏi các con đến đón tôi chưa?
Chốc chốc cụ lại đứng dậy cứ đi đi, lại lại, miệng luôn lẩm bẩm sao chúng không đón tôi về ăn Tết nhỉ? Năm 2002, trong một lần đi tập thể dục buổi sáng, cụ không may bị tai nạn giao thông rồi bị tai biến mạch máu não, do đó nhiều lúc cụ không ý thức được mình làm gì và ăn gì.
Không chấp nhận phải phục vụ người bố chồng như thế, cô con dâu đã nhiều lần gây sự với chồng và nhất mực đòi đưa cụ vào trung tâm. Để tránh sự đổ vỡ trong gia đình, anh con trai cả đã phải ngậm bồ hòn mang cụ đến trung tâm này nhờ chăm sóc.
Ở đời, có nỗi bất hạnh nào trùng lên nhau? Tại đây có không ít trường hợp các cụ từ chối về ăn Tết cùng gia đình vì nhiều lý do, trong đó có nguyên cớ rất đau lòng là con trai thì muốn, nhưng con dâu và các cháu lại không chịu.
Cụ Phạm Văn Oánh, 92 tuổi, quê ở tận Nam Định. Xa xôi là vậy nhưng mỗi khi cụ về thì gia đình đứa con trưởng lại mâu thuẫn. Năm nay cũng vậy, đã 27 Tết mà cụ vẫn bình thản, và có nguyện vọng ở lại trung tâm đón Tết.
11h trưa, trong lúc các cô phục vụ đang bận bịu với những công việc thường ngày như đưa cơm và bón ăn, thì trong căn phòng nhỏ rộng 25m2, bên suất ăn hàng ngày, các cụ không ai bảo ai đều bỏ bữa.
Thấy vậy, chị Trần Thị Hạnh lại ân cần động viên từng cụ một: “Các cụ ăn đi để còn có sức khoẻ mai về ăn Tết cùng các con cháu chứ!”.
Thấy tôi giơ máy ảnh lên, cụ Quỳnh ở Thường Tín (Hà Tây) ngồi dậy vươn tay theo một động tác múa dưỡng sinh hàng ngày. Tay ngừng lại, cụ Quỳnh kéo chị Hạnh lại gần rồi ôm vai đề nghị tôi chụp kỷ niệm một kiểu ảnh.
Chụp xong kéo tôi lại nói: “Chú rửa ảnh cho tôi hết bao nhiêu tiền tôi trả. Nhớ phải gửi ảnh đấy nhé, tôi còn gửi về cho mấy đứa con bất hiếu, để chúng biết, tôi vẫn còn sống”.
Ông Nguyễn Văn Đích, đội trưởng đội quản gia đã công tác 7 năm ở trung tâm chăm sóc người cao tuổi, chia sẻ: “Hiện nay tại trung tâm có 93 cụ. Trong đó cụ già nhất đã 97 tuổi, còn cụ trẻ nhất 68 tuổi. Hai năm trở lại đây có tới 65% các cụ đều có tâm lý không muốn về nhà ăn Tết. Có những cụ về chiều 30, thì sáng mùng một người nhà đã đưa lên trung tâm!”
Tết này, người nhà các cụ đón xuân chắc vẫn vui?
Theo Tới Tới
VTCNews