Sài Gòn sau 0 giờ:

Những người bán sức lúc nửa đêm về sáng

(Dân trí) - Trái ngược với không gian vắng lặng của phố phường sau 0 giờ đêm, chợ Bình Điền (TPHCM) lúc này lại tấp nập kẻ bán người mua. Hàng ngàn xe tải chở hải sản tươi sống, rau quả, thịt bò, thịt heo… từ khắp nơi nối đuôi nhau đổ về đây để cung cấp thực phẩm cho thành phố lớn nhất nước này. Đây cũng là lúc hàng ngàn phu chợ mướt mồ hôi mưu sinh...

Những kiếp người khốn khó

 


Nửa đêm về sáng, chợ đêm tấp nập người mua kẻ bán.

Nửa đêm về sáng, chợ đêm tấp nập người mua kẻ bán.

Trong những khu chợ đêm này, hàng trăm phu khuân vác tập trung thành từng tốp để đợi người thuê. Họ không được hưởng lương tháng mà ăn công theo từng đêm. Đêm nào nhiều người thuê thì thu nhập khoảng 3 trăm ngàn đồng. Những đêm ít khách, họ buồn bã ngồi co ro bên những chiếc xe tải đợi trời sáng rồi lặng lẽ trở về nhà.

Có lẽ do cuộc sống đêm thức, ngày ngủ nên đôi mắt ai cũng trở nên thâm quầng, gương mặt hốc hác. Xen lẫn những thanh niên lực lưỡng có cả người già và trẻ vị thành niên tham gia cái nghề bán sức nặng nhọc này.

Mới 12 tuổi, Lâm Quốc Huy và anh trai Lâm Quốc Thái (15 tuổi, ngụ quận 10) đã có thâm niên 3 năm vận chuyển rau quả. Dù dáng người nhỏ bé nhưng đôi tay Huy cứ thoăn thoắt, nhịp nhàng chuyển từng túi rau lớn bằng người em từ dưới đất lên xe hàng. Sau 20 phút, mồ hôi đã ướt đẫm khuôn mặt nhỏ bé lẫn tấm lưng gầy gò để trần của em dù trời đêm lạnh ngắt.

Em Lâm Quốc Huy vất vả bốc hàng ngàn kg rau mưu sinh mỗi đêm tại chợ Bình Điền
Em Lâm Quốc Huy vất vả bốc hàng ngàn kg rau mưu sinh mỗi đêm tại chợ Bình Điền

“Em làm ở đây được gần 3 năm rồi. Mỗi ngày hai anh em em làm từ 0 giờ đến 5 giờ sáng thì về đi học. Ngày nào nhiều người thuê thì hai anh em cũng kiếm được 3, 4 trăm ngàn đồng. Những hôm ít khách thì hai anh em chỉ đủ tiền ăn uống rồi bắt xe về”, Duy cho biết.

Rồi em cúi đầu tâm sự: “Do nhà em nghèo, ba mẹ lại già yếu, nhiều bệnh tật nên hai anh em cố gắng để vừa nuôi ba mẹ vừa kiếm tiền đi học. Sáng em đi học, chiều em ở nhà học bài, phụ giúp ba mẹ rồi ngủ một giấc đến 10 giờ đêm thì dậy ăn uống rồi ra đây làm”.

Vất vả là thế nhưng với Duy công việc này đã trở thành bình thường, bởi cậu bé 12 tuổi này đang đổ mồ hôi đánh đổi cho ước mơ của mình: “Em làm việc này cũng quen rồi, không mệt nhưng sáng đi học chỉ hơi buồn ngủ. Nhưng phải ráng thôi! Em muốn mình học giỏi để sau này làm bác sĩ chữa bệnh cho ba mẹ”.

Khi vắng khách, họ lặng lẽ nằm giữa trời sương lạnh giá
Khi vắng khách, họ lặng lẽ nằm giữa trời sương lạnh giá

Tại khu vực hải sản, chị Lâm Thị Hương (40 tuổi, quê Trà Vinh) dù mắc bệnh đau lưng gần 10 năm nay nhưng hằng đêm vẫn phải cắm cúi bóc tách từng con mực để kiếm tiền nuôi gia đình. Do phải thường xuyên tiếp xúc với đá lạnh, nước rửa hải sản nên chị bị thối gần hết 10 đầu móng tay nhiều năm nay.

“Tôi bị thoát vị đĩa đệm gần 10 năm nay, làm việc gì cũng đau lưng nhưng không có tiền chữa trị. Ngày trước đi làm công nhân cực quá nên tôi xin vào đây làm. Khi nào đau lưng quá tôi xin nghỉ ở nhà được chứ làm công ty không nghỉ được. Tôi làm ở đây cũng hơn 5 năm rồi, mỗi ngày làm từ 7 giờ tối đến 5-6h sáng, thu nhập từ 200-250 ngàn/đêm”, chị cho biết.

Chị Lâm Thị Hương gần 10 năm gắn bó với việc bóc mực thuê
Chị Lâm Thị Hương gần 10 năm gắn bó với việc bóc mực thuê

Bệnh tật khốn khổ thế nhưng chị Hương không thể nghỉ việc bởi: “Chồng tôi bị bệnh tim, không đi làm được nên tôi phải cố gắng thức đêm nuôi chồng, nuôi con. Nhiều khi nghĩ cũng tủi thân lắm, nhưng đành phải vậy chứ biết làm sao! Làm ở đây không vất vả nhưng thức đêm nhiều, ngửi mùi hôi thối quanh năm nên sức khỏe cũng suy yếu dần…”.

Những cảnh đời như chị Hương, em Huy… nơi đây không phải hiếm. Vì cuộc sống, vì gia đình, họ phải bán sức với những đêm dài thức trắng, bỏ lại giấc ngủ êm đềm bình dị mà ai cũng có để sống kiếp cò vạc…

Nguy hiểm chực chờ…

Đời “thức đêm, ngủ ngày” của các phu chợ không chỉ bấp bênh về kinh tế mà còn có nguy cơ đối diện với muôn vàn hiểm họa chực chờ.

Anh Trần Trung Ảnh, quê Tiền Giang, làm nghề bốc vác tại chợ đêm cũng đã 10 năm nay. Anh kể: “Làm nghề này nguy hiểm lắm, sơ ý là gãy tay gãy chân như chơi. Vận chuyển hàng khô còn đỡ, vận chuyển đồ tươi sống thì tai nạn xảy ra liên tục. Nhẹ thì trượt chân té vào thùng hải sản u đầu, sứt trán, bong gân… Nếu trượt chân té từ trên xe hàng xuống thì gãy tay, gãy chân ngay. Do mặt xe chở đồ tươi sống trơn trượt nên tai nạn thường xảy ra lắm. Cách đây vài năm tôi cũng bị té từ trên xe hàng xuống, gãy tay phải nằm ở nhà gần 3 tháng mới đi làm được”.

Anh Trần Trung Ảnh chia sẻ về những vất vả trong nghề bốc vác đêm
Anh Trần Trung Ảnh chia sẻ về những vất vả trong nghề bốc vác đêm

Mà đâu chỉ đau đớn về thể xác. Những ngày chống chọi với cơn đau cũng là những ngày mà người phu chợ chống chọi với… cơn đói. Bởi họ là phu chợ, ai thuê gì làm nấy thì làm sao có bảo hiểm? Anh Ảnh than: “Ở đây mình đi làm thuê tự do nên không có bảo hiểm, những lúc bị tai nạn cũng chỉ biết cắn răng chịu đựng chứ không biết phải làm sao!”.

Hỏi nguy hiểm thế sao không tìm nghề khác mưu sinh, anh tần ngần bảo: “Làm nghề này thu nhập cũng tạm đủ ăn thôi, không dư được. Nhưng tôi không được ăn học, không có việc gì làm nên phải gắn bó với nghề này. Nhiều khi thấy cũng khổ nhưng giờ bỏ nghề không biết làm gì khác!”.

Không chỉ tai nạn nghề nghiệp rình rập, những con người khốn khó mưu sinh bằng nghề bán sức này còn luôn phập phồng lo sợ các thành phần bất hảo gây sự, chèn ép, đòi bảo kê…

Anh Trần Văn Mệnh (34 tuổi, quê Cà Mau) làm nghề chở hàng thuê tại chợ Nông sản Thủ Đức, chia sẻ: “Làm nghề này nhìn vậy mà cũng gian truân lắm. Anh em tranh mối của nhau dẫn đến xô xát là chuyện bình thường. Sợ nhất là lâu lâu lại có mấy thằng mặt mày bặm trợn, xăm đầy mình mẩy gọi ra hỏi chuyện rồi hù dọa đủ kiểu để bắt cống nạp. Nếu không cho tụi nó vài trăm thì không thể yên ổn làm ăn được”.

Anh Trần Văn Mệnh, bốc vác thuê tại chợ nông sản Thủ Đức
Anh Trần Văn Mệnh, bốc vác thuê tại chợ nông sản Thủ Đức

“Thỉnh thoảng cũng có mấy thằng nghiện cầm kim tiêm vào xin đểu. Dù mình cũng có sức đó, nhưng cũng đành móc tiền ra cho nó chứ không dám làm lớn chuyện. Mình làm ăn ở đây lâu dài, không may xảy ra chuyện gì thì vợ con ở nhà không có cái mà ăn”, anh Mệnh lắc đầu ngao ngán.

Tại các chợ đầu mối như Bình Điền, chợ đầu mối nông sản Thủ Đức… mỗi đêm có hàng ngàn lao động miệt mài với công việc bốc xếp rau quả từ xe tải vào các vựa, chờ sáng phân phối đến các chợ lẻ, cung cấp cho thành phố hơn 10 triệu dân này.

Sài Gòn hoa lệ có mồ hôi của họ, nhưng không có nụ cười
Sài Gòn hoa lệ có mồ hôi của họ, nhưng không có nụ cười

Sau 0h đêm, thành phố hoa lệ đang chìm sâu trong giấc ngủ, các chợ đầu mối lại là một thế giới khác, ồn ào, tấp nập cảnh bán mua. Nhưng bên cạnh khung cảnh náo nhiệt ấy là những phận người đẫm mồ hôi đang gắng sức kiếm từng đồng tiền nuôi gia đình, những em nhỏ đánh đổi niềm vui trẻ thơ để nuôi con chữ, những chị gái quên nỗi đau bệnh tật vì chồng con…

Đêm thành phố vẫn vậy! Nơi sáng cứ sáng, chỗ tối vẫn tối!

Xuân Hinh