Quảng Trị:

Những ngư dân thành công trên đồng ruộng

(Dân trí) - Khi hoạt động đánh bắt bị đình trệ, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, các kỹ sư có chuyên môn, nhiều ngư dân đã mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất, kết hợp giữa làm ngư nghiệp và nông nghiệp. Sau 2 năm, nhiều mô hình kinh tế đã hình thành trên cát và bước đầu mang lại hiệu quả.

Sự cố môi trường biển xảy ra vào tháng 4/2016 đã ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến hơn 8.000 hộ và gần 16.000 người dân ở 16 xã, thị trấn vùng ven biển của tỉnh Quảng Trị. Sau sự cố Formosa, mọi hoạt động đánh bắt của ngư dân đều bị đình trệ. Biển gần bờ không khai thác được. Khắp các làng biển đìu hiu, nhiều ngư dân bãi ngang ôm mái chèo nghĩ hướng làm ăn.

Nhiều mô hình nông nghiệp hình thành và phát triển hiệu quả
Nhiều mô hình nông nghiệp hình thành và phát triển hiệu quả

Một thời gian sau, nhằm ổn định đời sống người dân, tỉnh Quảng Trị triển khai thực hiện đề án chuyển đổi sinh kế cho bà con ngư dân. Nhiều việc làm mới tạo cơ hội cho lao động biển có thu nhập. Các mô hình nông nghiệp trên cát do ngư dân làm chủ cũng hình thành.

Màu xanh hồi sinh vùng “biển chết”

Đi dọc các làng biển huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), dễ dàng nhận thấy những đồng ruộng được phủ xanh bởi các loại hoa màu: cây lạc, đậu xanh, khoai lang, dưa… Trên những dải đất ấy, người dân đang thu hoạch cây trồng để chuyển sang canh tác cây khác. Đây là điều ít thấy trong tập quán sản xuất của bà con ngư dân nơi đây.

Bước ra từ nghề biển, những ngư dân với đôi tay lóng ngóng do đã quen với cầm mái chèo, lưới, nay lại thoăn thoắt trên ruộng để thu hoạch cây trồng. Từ công việc chính là làm ngư nghiệp, bà con ngư dân có thêm nghề mới, tạo ra được thu nhập từ sản xuất nông nghiệp.

Nhiều ngư dân đã kết hợp giữa làm nghề biển và sản xuất nông nghiệp hiệu quả
Nhiều ngư dân đã kết hợp giữa làm nghề biển và sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Sau mấy ngày đi biển, 2 cha con ông Trần Duy Tập và anh Trần Hoài (xã Trung Giang, huyện Gio Linh), tranh thủ thu hoạch hơn 1,5 sào lạc của gia đình. Theo ông Tập, trước đây ông trồng khoai nhưng hiệu quả không cao. Nay chuyển sang canh tác cây lạc có năng suất hơn. Ông Tập cho biết: “Với 1,5 sào dự kiến thu hoạch được 300 kg lạc tươi. Nếu tính giá thị trường hiện nay cũng bán được hơn 3 triệu đồng”.

Diện tích trồng lạc của gia đình ông Tập ước tính mang lại nguồn thu khá
Diện tích trồng lạc của gia đình ông Tập ước tính mang lại nguồn thu khá

Gia đình ông có chiếc thuyền công suất 90 CV, do con trai hành nghề. Đây cũng là công cụ mưu sinh, nguồn thu nhập chính cho gia đình. Khi biển gặp sự cố, thuyền nằm bờ, anh Trần Hoài đành xắn tay áo hỗ trợ cha làm nông. Nay biển bình thường trở lại, cuộc sống gia đình cũng ổn định hơn nhờ nguồn thu nhập trên biển lẫn trên bờ.

Nhiều người dân vùng biển Gio Linh bày tỏ sự khâm phục trước ý chí của đôi vợ chồng trẻ Trần Tấn Phát (SN 1987) và vợ Nguyễn Thị Diễm My (SN 1990, ở xã Trung Giang). Vượt qua bao khó khăn, hai vợ chồng Phát đã xây dựng được cơ ngơi khá ổn định ngay trên vùng cát trắng.

Vợ chồng Phát lập trang trại nuôi gà trên cát
Vợ chồng Phát lập trang trại nuôi gà trên cát

Với số vốn ban đầu khoảng 350 triệu đồng, Phát xây chuồng trại nuôi gà khép kín, có đầy đủ hệ thống làm mát vào mùa hè, sưởi ấm vào mùa đông. Mỗi năm, anh nuôi từ 3 - 4 lứa, mỗi lứa nuôi 7.000- 8.000 con. Sau một lứa nuôi, anh thu lãi ròng từ 50-60 triệu đồng.

Dưa lưới “công nghệ cao” phát triển trên cát

Sau hơn 1 năm xuống giống, mô hình cây dứa trên cát đang hứa hẹn mang lại hiệu quả cao trên đồi cát Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Đây cũng là mô hình chuyển đổi sinh kế sau sự cố môi trường đối với người dân vùng biển.

Ngư dân Trương Xuân Sự - người tham gia trồng dứa trên cát cho biết, khi tiếp nhận chủ trương trồng dứa, ông và 3 hộ khác đã xung phong trồng thử nghiệm.

Mô hình trồng dứa của ông Sự và một số hộ dân đã bước đầu phát huy hiệu quả
Mô hình trồng dứa của ông Sự và một số hộ dân đã bước đầu phát huy hiệu quả

Ông Sự cho hay, số diện tích dứa này hiện đã cho quả khoảng 70%. Ngoài việc hỗ trợ giống, phân bón hóa học, phía đơn vị đầu tư cam kết sẽ bao tiêu sản phẩm cho người dân. Dự kiến, sau 2-2,5 tháng nữa sẽ thu hoạch đợt đầu.

Bà con lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cây dứa
Bà con lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm cho cây dứa

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ổn định sinh kế cho người dân, huyện Gio Linh đã trồng thử nghiệm 7 ha dứa trên vùng cát. Qua thời gian triển khai, cây dứa phát triển và cho quả tốt, hứa hẹn mang lại sản lượng cao.

Sau mấy tháng triển khai mô hình dưa lưới trong nhà màng, anh Dương Quốc Vinh (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) phấn khởi vì cây dưa đã thích nghi được với môi trường, điều kiện khí hậu tại địa phương.

Theo anh Vinh, sau khi nhận được sự hỗ trợ kỹ thuật, nguồn vốn, đầu 2018 anh đã xây dựng mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng, với diện tích 500 m2. Hiện tại dưa đã phát triển tốt, hy vọng sẽ mang lại kết quả cao. Ước tính với diện tích dưa lưới hiện có sẽ cho sản lượng khoảng 700 kg. Nếu mô hình thành công anh sẽ nhân rộng cho các địa phương khác.

Ông Võ Văn Hưng - Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT tỉnh Quảng Trị, cho biết: Điều mừng nhất là sau 2 năm sự cố môi trường, đến nay việc đánh bắt, nuôi trồng, khai thác thủy hải sản, phát triển sinh kế trên vùng biển đã quay trở lại và có nhiều điểm khởi sắc. Sản lượng khai thác đã tốt hơn. Nhiều loại mô hình về nông, lâm, ngư nghiệp đã có hiệu quả cao hơn, đời sống người dân đã ổn định.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng chủ động và kịp thời xây dựng các mô hình sản xuất để chuyển đổi sinh kế cho ngư dân. Ngay khi sự cố môi trường biển xảy ra, ngành Nông nghiệp đã cử 32 cán bộ nhiệt huyết, có chuyên môn cao tăng cường về 16 xã, thị trấn ven biển để cùng với chính quyền địa phương, hướng dẫn ngư dân chuyển đổi mô hình sản xuất nhằm tạo sinh kế.

Mô hình trồng dưa lưới trong nhà mang lại hiệu quả cao
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà mang lại hiệu quả cao

Đến nay, đã xây dựng được hàng trăm mô hình sản xuất, giúp ngư dân có thu nhập. Nhiều mô hình hay như: nuôi gà thả vườn ở xã Triệu Phước, trồng kiệu và trồng mướp đắng ở xã Triệu Vân (huyện Triệu Phong); trồng ném ở xã Hải An (huyện Hải Lăng), trồng dứa ở Vĩnh Thái (huyện Vĩnh Linh), trồng dưa leo ở Trung Giang (huyện Gio Linh)...

Ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết: Sau 2 năm thực hiện đền bù, hỗ trợ, tạo sinh kế mới, Quảng Trị đã hoàn thành việc chi trả tiền bồi thường, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, không để xảy ra khiếu kiện.

Người dân đã biết nhận tiền đền bù kết hợp với sản xuất, cải tạo vùng cát, tạo sinh kế mới, giải quyết nhiều việc làm. Nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao hình thành trên cát và phát huy hiệu quả.

Chính quyền đã chia sẻ khó khăn, đồng hành với bà con ngư dân, tạo sinh kế, tạo việc làm mới cho bà con. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để bà con có điều kiện việc làm mới, tạo ra nhiều sinh kế hơn. Tạo ra sản phẩm, cải tạo vùng cát thích nghi với biến đổi khí hậu.

“Hiện tại, đời sống vật chất tinh thần của người dân được ổn định, nâng lên, không có tình trạng thiếu việc làm, đói nghèo xảy ra ở vùng biển”, ông Đồng nhấn mạnh.

Đăng Đức